Cùng nhìn lại tiểu thuyết Đường hầm (1948) của nhà văn Argentina Ernesto Sábato (1911-2011), cuốn sách như một điềm báo cho thời kỳ đen tối nhất sau đó trong lịch sử Argentina. Bài của Colm Tóibín trên tờ The Guardian.
Ernesto Sábato mất ngày 30.4, chỉ hai tháng trước sinh nhật lần thứ 100, là một nhân vật trung tâm không chỉ của đời sống văn học Argentina thế kỷ XX, mà còn cả đời sống chính trị và dân sự ở nước này. Những ngày tăm tối sau sự sụp đổ của đám tướng lĩnh - những người làm chết hàng ngàn dân và thua trận chiến Falkland, Sábato được chọn làm Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác chống lại loài người. Một tiểu thuyết gia đứng đắn và quyền lực, ông là một vài trong số ít các nhân vật của công chúng có uy quyền đạo đức và tinh thần độc lập ở Argentina thời điểm đó. Ủy ban công bố kết quả điều tra vào tháng 9.1984; bản báo cáo đầy chi tiết, rùng rợn và không thể chối cãi, được phát hành tháng 11.1984 thành sách Không bao giờ nữa (Nunca Mas), các tướng lĩnh bị đem ra xét xử. Nhờ báo cáo của Sábato mà người dân Argentina thấy được những điều tàn ác đã xảy ra trên quê hương mình.
Sábato sinh tại Buenos Aires năm 1911 và bắt đầu sự nghiệp là một nhà khoa học. Đầu thập niên 1940, ông là một trong số nhiều tài năng Argentina có tác phẩm xuất hiện trên tạp chí văn học Sur, do Victoria Ocampo làm chủ biên. Tiểu thuyết đầu tiên của ông, Đường hầm (El Túnel), được công bố trên Sur năm 1948. Mặc dù ông biết và ngưỡng mộ Borges (nhà văn Argentina, 1899-1986) và Bioy Casares (nhà văn Argentina, 1914-1999), và viết về họ trên Sur, ông không thân thiết với họ. Tinh thần cộng sản thời kỳ đầu của ông cũng không làm họ quý mến ông. Nhưng ông có vài điểm chung quan trọng với họ, và với nhiều tiểu thuyết gia Argentina khác: các tác phẩm của ông, đặc biệt là Đường hầm, Nhờ những người hùng và những nấm mộ (1961) và Thiên thần bóng tối (1974) đều không khoan nhượng và độc đáo trong giọng điệu, cấu trúc.
Trong bài luận Nhà văn Argentina và truyền thống, Borges đã làm rõ phạm vi và mức độ khát vọng của những nhà văn Argentina thế kỷ XX. Ông cho rằng, với đặc tính vừa xa xôi vừa gần gũi với châu Âu, nhà văn Argentina có nhiều “quyền” với văn hóa phương Tây hơn so với bất cứ ai tại bất cứ đất nước phương Tây nào. Họ giống như những nhà văn Ireland, với những người này, “sự thật khi cảm nhận bản chất Ireland đủ khác biệt để trở thành những người sáng tạo trong phạm vi văn hóa Anh”. Vì thế, Borges, Bioy Casares và Sábato có chung một ý tưởng rằng vai trò của họ là không phải để lý giải về Argentina với chính nó hay với thế giới. Cũng vậy, công việc của họ không phải là khám phá những thay đổi trong đạo đức và phong tục tại đất nước mình, hoặc viết về hiện thực xã hội ở Buenos Aires hay Pampas. Nhiệm vụ của họ không phải là tái tạo đất nước trong hình ảnh của chính họ, mà là tái tạo chính văn học, đem cho nó năng lượng và hình thái tươi mới.
Vì thế họ lấy những gì sẵn có từ văn học châu Âu và bắt đầu tinh chế hoặc đục đẽo chúng. Trong Đường hầm, Sábato lấy ý tưởng về nghệ sỹ quẫn trí và thành phố có nguồn gốc từ tiểu thuyết Nga và Pháp, và chuyển nó đến Buenos Aires - không phải để đem cho nó màu sắc địa phương, mà đem đến thêm chiều sâu và sự lạ lẫm. Ông tạo ra một người hùng thậm chí ít anh hùng hơn bình thường và khiến những hành động của anh thậm chí không thể giải thích được với mọi người, trừ chính anh. Ông cho phép bóng tối tồn tại xung quanh thậm chí tiêu cực hơn bình thường; nỗi ám ảnh của nhân vật chính trở nên dồn nén, mãnh liệt và thường điên rồ hơn so với tiểu thuyết châu Âu, và cũng đáng tin một cách kỳ cục và dữ dội hơn.
Tính nhấn mạnh và sự đáng tin xuất phát từ phong cách. Giống Borges và Bioy Casares, như Đường hầm đã làm rõ, nhà khoa học Sábato thích thú với phong cách tường thuật và cụt lủn của bí ẩn những vụ giết người hay hồ sơ cảnh sát. Trong khi cuốn tiểu thuyết miêu tả những trạng thái cùng cực của cảm giác điên loạn và các hành vi liên quan, giọng văn được khống chế một cách dữ dội; phần lớn các câu đều ngắn và diễn tả một hành động hay cảm xúc đơn lẻ. Vì thế, khoảng cách giữa chủ đề tiểu thuyết và màu sắc giọng văn đem đến sự căng thẳng cho câu chuyện. Sự căng thẳng cho phép người kể chuyện không phải băn khoăn với việc phân tích motif, hay nghiên cứu nhân vật và hồi ức. Điều này buộc độc giả chấp nhận những điều trên như là hoàn toàn không cần thiết hoặc đã hiểu chúng hoàn toàn.
Đường hầm là một tiểu thuyết về sự điên rồ được tập hợp sau song sắt nhà tù, nhưng nó không phải là lời xin lỗi cho sự điên rồ hay những hành động mà sự điên rồ ấy gây ra, cũng không phải là lời giải thích hợp lý cho chúng. Thay vào đó, nó dẫn độc giả tới thế giới của nhân vật chính, sử dụng một phong cách điềm đạm có chủ đích để gợi ý rằng thế giới đó là bình thường. Tâm trí của Juan Pablo Castel được gán vào một loại logic bằng giọng điệu và cấu trúc câu rõ ràng, chuẩn xác của tiểu thuyết.
Giống những tiểu thuyết của Dostoyevsky và Kafka, có những khoảnh khắc khi các nguyên tắc chi phối nỗi thất vọng bị phá bỏ, tái thẩm định hay kịch hóa tới mức toàn bộ thực thể sống và suy nghĩ có vẻ lố bịch. Điều xảy ra sau đó hoàn toàn là hài kịch. Ví dụ, đó là một bối cảnh kinh điển trong Đường hầm, khi Juan Pablo Castel gửi một lá thư tới Maria và rồi quyết định muốn rút lại nó. Cuộc chạm trán với người phụ nữ tại bưu điện và danh sách các quy định cùng yêu cầu đặt khán giả về phía Castel trong một lúc. Nhưng không lâu. Cảm giác rằng Castel đang hành xử vừa có chủ đích vừa thái quá buộc độc giả quay ngoắt lại sau vài câu: trong một phút bạn cảm thấy Castel là một gã kỳ quặc và là kẻ thù lớn nhất của bản thân mình, và rồi một phút sau đó bạn lại thực sự muốn anh ta rút lại lá thư.
Rõ ràng Đường hầm thuộc một dòng văn học khám phá những khoảng tối bên trong con người và bạo lực cũng như sự phi lý trên những đường phố tồi tàn vô danh của đô thị hiện đại. Quan trọng là phải nhớ rằng đó là một tiểu thuyết Argentina chỉ bởi vì nó cởi mở đối vớái trước những ảnh hưởng Âu châu và các thể loại đương đại, những điều nó bắt đầu phát triển và nhấn mạnh. Nội dung điên rồ và tràng cười nham hiểm của nó không phải là phép ẩn dụ cho bất cứ xã hội nào, Argentina hay bất cứ xã hội nào khác. Nhưng nhờ phong cách hiện thực, áp lực và nội dung về một thế giới trong đó bạo lực, hỗn loạn và hoang tưởng ngự trị, thật lý thú khi đọc Đường hầm từ năm 1948 cùng với bản báo cáo chi tiết và đúng đắn mà Sábato và ủy ban của ông đưa ra năm 1984, về những gã sát nhân có thực tại một thành phố có thực, nơi nhân vật phản diện tưởng tượng Juan Pablo Castel từng thực hiện hành vi tội ác, và nơi Sábato cho ra đời tiểu thuyết đầu tay của mình.
Theo Nguyễn Thiện Hoàng Dương - NĐBND