Theo kế hoạch, vào ngày 18/6, một chương trình hòa nhạc của nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner sẽ được tổ chức tại Trường ĐHTH Tel Aviv ở Israel. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch thì đây sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử ở Israel bởi nó phá bỏ được một luật bất thành văn ở đây. Thế nhưng, chương trình hòa nhạc này đã bị hủy bỏ.
Chương trình hòa nhạc này do Hiệp hội Israel Wagner “đặt hàng”. Hàng trăm nhạc sĩ từ nhiều dàn nhạc ở Israel đã được triệu tập. Họ đã luyện tập 2 khúc dạo đầu Tannhäuser và The Mastersingers; Siegfried Idyll - bản dành cho dàn nhạc để minh họa cho một ý thơ và một cảnh trong vở opera Tristan and Isolde.
Bị “ghét” vì bài Do Thái
Số tiền tài trợ cho chương trình hòa nhạc này không phải tiền công, mà là một sự bảo trợ riêng. Nhưng ban giám hiệu trường đã buộc phải hủy bỏ chương trình hòa nhạc do vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân Israel.
Trường ĐHTH Tel Aviv tuyên bố, họ đã bị các nhà tổ chức đánh lừa. “Mãi tới gần đây chúng tôi mới biết rằng sự kiện này thực chất là một chương trình hòa nhạc trình diễn các nhạc phẩm của nhà soạn nhạc Richard Wagner. Chúng tôi đã nhận được nhiều lời phàn nàn và sự phản ứng dữ dội kêu gọi hủy bỏ sự kiện gây tranh cãi này khi nó bị cho là sẽ làm người Israel nói chung và những người còn sống sau vụ tàn sát người Do Thái tức giận”.
Người dân Israel vẫn rất ác cảm với Wagner vì âm nhạc của ông gợi cho họ nhớ tới những thời kỳ tàn khốc mà họ đã trải qua. Trùm Phát xít Adolf Hitler rất tôn sùng Wagner và có mối quan hệ thân thiết với hậu duệ của nhà soạn nhạc ở Bayreuth. Hitler thường tới nhà hát opera ở Bayreuth và thường tới thăm gia đình Wagner.
"Trong con người Wagner có nhiều điểm giống với Hitler” - nhà văn Thomas Mann đã viết như vậy hồi năm 1938.
Nhiều người ở Israel hiện nay cũng đồng ý với nhận định đó. Họ cho rằng, một chương trình hòa nhạc trình diễn nhạc phẩm của Wagner - người đã viết một cuốn sách bài Do Thái, mang tựa đề Jewishness in Music (Tính chất Do Thái trong âm nhạc) hồi năm 1850 - là một sự khiêu khích.
Trong cuốn sách này, Wagner cho rằng thành tựu nghệ thuật của các nhạc sĩ và nhà thơ Do Thái là hết sức tầm thường, sáo rỗng, không độc đáo và đổ lỗi cho họ làm “suy vi” nền văn hóa Đức. Trong khi nhiều bản opera của Wagner đã trở thành “nhạc nền” trong thời kì diễn ra tệ diệt chủng của Phát xít Đức.
Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ ngày nay lại cho rằng nên tách rời yếu tố bài Do Thái ra khỏi âm nhạc của Wagner. Nhạc trưởng Israel - Daniel Barenboim - Giám đốc Nhà hát Opera Quốc gia Berlin, nói với tờ Spiegel cách đây vài năm rằng, âm nhạc không phải là hệ tư tưởng: “Wagner là người bài Do Thái, nhưng âm nhạc của ông thì không”.
Nên tách âm nhạc ra khỏi con người Wagner
Zubin Mehta là nhạc sĩ nổi tiếng đầu tiên từng cố gắng phá bỏ sự tẩy chay đối với Wagner ở Israel. Hồi năm 1981, vào phần cuối một chương trình hòa nhạc do Dàn nhạc Philharmonic Israel trình diễn, ông tuyên bố dàn nhạc sẽ chơi khúc dạo đầu của vở Tristan and Isolde và ai không muốn nghe có thể ra về. Khi dàn nhạc trình diễn đã có nhiều người phản ứng tức giận và la ó khắp khán phòng.
20 năm sau, nhạc trưởng Barenboim đã quyết định “thử nghiệm” một lần nữa. Ông cũng tuyên bố với khán giả và nói ai không thích có thể ra về. Năm 2011, các nghệ sĩ lại cố gắng một lần nữa. Lần này là một dàn nhạc thính phòng của Israel chơi nhạc Wagner ở Bayreuth. Dàn nhạc này đã tới Liên hoan Bayreuth theo lời mời của bà Katharina Wagner, chắt gái của nhà soạn nhạc. Nhiều người đã vỗ tay hoan nghênh màn trình diễn của dàn nhạc. Nhạc trưởng Roberto Paternostro, người đã mất nhiều người thân trong vụ tàn sát người Do Thái, nhưng ông không mang lòng hận thù. Ông tuyên bố mục đích của mình là “tách Wagner ra khỏi âm nhạc của ông”.
Cách đây vài tháng ở Israel cũng đã xảy ra một sự kiện bài Wagner khi bà Hanna Munitz, Giám đốc Nhà hát Opera Tel Aiv, đã quyết định bỏ một nhạc phẩm của Wagner ra khỏi chương trình trình diễn. Munitz tuyên bố rõ, chừng nào bà còn ngồi ở cương vị đó thì bà nhất quyết không đưa nhạc phẩm của Wagner lên sân khấu.
TheoTuấn Vĩ - TT&VH