Sartre trông xấu như quỷ, trong khi Camus lại mang vẻ một tài tử điện ảnh trong giới triết gia. Thế nên mới có chuyện bóng hồng mà Sartre mải miết theo đuổi - Wanda Kosakiewicz - lại luôn chực chạy về phía Camus.
Chuyện tình tay ba của họ vừa được nhà viết tiểu sử Andy Martin kể lại trong cuốn sách mới xuất bản - The Boxer and the Goalkeeper.
Jean-Paul Sartre - nhà triết học hiện sinh vĩ đại - gặp phải một vấn đề lớn: trông ông như Quasimodo - kẻ kéo chuông xấu xí của Nhà thờ Đức bà Paris. Chuyện này đáng lẽ cũng chẳng phải vấn đề gì lớn lắm nếu ông không luôn tự cho mình là "chàng Don Juan". Các luận điểm triết học của ông đã khẳng định "xấu vẫn có thể ghi điểm”. Nhưng triết học của Sartre ngay lập tức sụp đổ, ông trở thành kẻ chiến bại bất hạnh, khi "vấn đề lớn" đó đụng độ phải một kẻ như Albert Camus: cũng là nhà triết học, cũng luôn tự nhận là "kẻ sát gái hàng loạt" nhưng lại khác Sartre ở chỗ: Camus đẹp, đẹp trai hơn rất nhiều lần.
Camus luôn như một tài tử điện ảnh giữa các nhà triết học Pháp. Triết gia này lại còn rất thời trang. Khi Camus diện chiếc áo khoác dài cổ dựng, trông ông chẳng khác nào Humphrey Bogart.
Chẳng cần phải cố gắng gì lắm, Camus cũng luôn là người đàn ông mà đến cả tạp chí thời trang danh tiếng như Vogue cũng muốn chụp hình. Trong khi Sartre luôn phải nỗ lực chải chuốt. Khi hai người họ ngồi uống cùng nhau ở quán bar Left Bank, Sartre thường hỏi: “Sao cậu có cái nháy mắt hay thế?”. Hai người đàn ông thân thiết với nhau như vậy. Nhưng cuối cùng, tình bạn của họ cũng bị phá vỡ bởi một người đàn bà. Tên cô là Wanda Kosakiewicz.
Giữa thế chiến II, Sartre và Camus bắt đầu xảy ra mâu thuẫn cá nhân. Mối quan hệ tình cảm của Sartre và Wanda bắt đầu trước thế chiến và Sartre là người đến trước so với Camus.
Suốt hàng năm trời trước năm 1937, Sartre bị ám ảnh bởi nhan sắc của chị gái Wanda - Olga Kosakiewicz - một sinh viên của Simone de Beauvoir, vợ Sartre. Ban đầu, chính de Beauvoir quyến rũ Olga, sau đó, bà chuyển cô sinh viên này sang cho Sartre (Simone de Beauvoir có thiên hướng tình dục lưỡng tính, còn quan hệ vợ chồng giữa Sartre và Beauvoir được họ thống nhất là quan hệ mở, không ràng buộc nhau). Olga thực sự chẳng thích thú gì. Vì dù sao de Beauvoir cũng cao to và dễ nhìn hơn Sartre. Nhưng dẫu vậy, mối ràng buộc giữa nhà triết học với cô gái đầu tiên mang nửa dòng máu Nga cũng bắt đầu. Sartre lôi cô vào các vở kịch, vào các cuốn tiểu thuyết của mình. Nhưng có một điều ông không làm được, đó là lôi cô lên giường. Cô luôn kháng cự dù không quyết liệt. Olga là khát khao không thể vươn tới được của Sartre.
Nhưng thất bại với Olga không khiến cho Sartre ngần ngại trước một cuộc chinh phục mới, khi em gái Olga là Wanda tới Paris năm 1937. Lần này Sartre muốn mọi thứ trở thành hiện thực chứ không phải tình cảm thuần khiết lý tưởng. Chuyện này giống như một thử nghiệm đối với quan điểm tự do hiện sinh - nghĩa là mỗi cá thể đều có tự do bên trong, tự do làm chủ, tự do quyết định. Tất nhiên là với Sartre, muốn được “tự do lên giường” với Wanda, ông phải làm sao làm lu mờ những điểm yếu nhãn tiền của bản thân: một thân hình thấp bé như Napoleon, một đôi mắt lờ đờ lười nhác, một làn da xỉn màu, một cái đầu lưa thưa tóc và toàn thân như một cái tẩu thuốc ít khi được vệ sinh… Nếu ông lên giường được với Wanda tức nó cũng là một bằng chứng chứng minh quan điểm tự do hiện sinh. Nhưng nếu ông lên giường được với Wanda, thì bất cứ ai cũng làm được bất cứ điều gì trong cái thế giới này - và kỷ nguyên của sự tự do tuyệt đối sẽ bắt đầu từ đó. Về lý thuyết là như vậy.
Nhưng trên thực tế, chuyện tình giữa Sartre và Wanda diễn ra không mấy suôn sẻ. Cô thừa nhận với ông rằng, cô chưa từng biết đến nhục dục là gì. Ông đề nghị dạy cô. Nhưng lần đầu tiên ông hôn và cố đè ngửa Wanda ra giường, cô đã vùng chạy vào nhà vệ sinh và nôn thốc nôn tháo. Dẫu vậy, Wanda vẫn không chạy xa khỏi Sartre. Vẫn còn thứ gì đó ở Sartre níu chân cô. Cô cảm thấy một cách lờ mờ rằng Sartre có thể mang lại cho cô điều gì đó trong cuộc đời này, ví như một tấm bằng đại học cấp tốc chẳng hạn. Và cuối cùng, sau hai năm được ve vãn, Wanda cũng chịu để Sartre “ngắt hoa, phá nhụy” (chữ của Sartre) tại một khách sạn ở Aigues-Mortes - miền Nam nước Pháp. Sau đó, Wanda tuyên bố, một cách thẳng thắn và rõ ràng rằng, cô ghét Sartre. Chúng ta biết được điều này bởi Sartre luôn báo cáo mọi thứ trong các bức thư gửi cho de Beauvoir.
Sartre nói với Wanda rằng ông yêu cô. Đồng thời, ông khẳng định với de Beauvoir rằng ông chỉ giả vờ yêu Wanda thế thôi. Nhưng sau đó, trước nguy cơ mất Wanda, nhà hiện sinh vĩ đại lại sẵn sàng nhạo báng Beauvoir để làm vừa lòng nàng. Sartre thề thốt với Wanda rằng ông sẽ bỏ rơi Beauvoir: “Tôi sẽ giẫm đạp lên cả thế giới này vì em”, ông viết. Khi Wanda ốm, ông tỏ ra sẵn lòng cưới nàng. Nhưng trong thư gửi Beauvoir, ông viết “thuần túy lý thuyết thôi”.
Năm 1943, Sartre mời Wanda tham gia một vai nhỏ trong vở The Flies (1943). Cô diễn đủ tốt để tiếp tục được ông dành cho một vai trong No Exit (1944). Đây là sai lầm lớn nhất của Sartre. Bởi vở kịch này đã tạo cơ hội cho Wanda gặp Camus - người được Sartre mời làm đạo diễn vở No Exit. Sartre lại còn liều lĩnh để hai người trong một phòng, cùng bàn luận về chủ đề tình dục - như nội dung đoạn đầu của vở kịch.
Và như thế, chuyện tình tay ba lãng mạn bắt đầu. Tất nhiên là Camus biết Wanda là tình nhân của Sartre. Nhưng ông vẫn cứ nhẩn nha quyến rũ cô. Wanda chấp nhận kẹt giữa hai người đàn ông (dù một trong số họ luôn khiến cô buồn nôn). Beauvoir gọi mối quan hệ đó là “bộ ba” mà không có bà. Tất nhiên, khi phát hiện ra sự thật, Sartre đã không tha thứ cho Camus. Nhưng ông vừa tức tối vừa không khỏi băn khoăn. Cuối năm 1944, trong một bức thứ gửi Beauvoir, ông viết: “Wanda nghĩ cô ta đang làm gì chứ? Chạy theo Camus à? Cô ta cần gì ở anh ta. Tôi không tốt hơn sao, không tử tế với cô ấy hơn sao. Cô ta hãy cứ coi chừng đấy”.
theo Hà Linh - Evan