Nhiều bóng hồng đã bước qua cuộc đời và để lại dấu ấn trong những tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại thế kỷ 20 Dmitry Shostakovich (1906 –1975).
Khi mới 13 tuổi, ông đã có lời đề tặng dành cho người có hai chữ cái đầu của tên là N.K. Những nhà nghiên cứu về Shostakovich giải mã đó là chữ viết tắt của Natalie Kube, con gái vị bác sỹ đã cùng gia đình mình đến thăm nhà Shostakovich. Khi đó, Natalie mới 10 tuổi còn Dmitry 13 tuổi. Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua nhưng hình ảnh cô bé choán hết tâm trí của nhà soạn nhạc tương lai trong một thời gian dài. Nhiều năm sau, Shostakovich vẫn hỏi thăm cha của Natasha về cô với sự quan tâm không giấu giếm. Trong kỳ thi vào Nhạc viện, ông đã chơi Prelude đề tặng Natalie, một tác phẩm mở đường cho ông bước vào thế giới âm nhạc rộng lớn.
Năm 16 tuổi, khi đang ở viện điều dưỡng sau một đợt ốm dài, Shostakovich gặp cô gái người Moscow là Tatiana Glivenko. Họ ngồi cùng bàn trong một bữa ăn tối, và ngay lập tức trở thành đôi bạn. Họ cùng nhau đi dạo, trò chuyện hàng giờ… Thi thoảng, Shostakovich lại ngồi bên cây đàn piano và chơi nhạc cho người bạn mới quen nghe.
Sau khi chia tay, Tatiana và Dmitry trao đổi thư từ rất sôi nổi. Ông dành dụm tiền cho những chuyến đi Moscow và thậm chí còn nghĩ đến việc chuyển hẳn tới đó để sống. Tháng 5-1926, Tatiana dự buổi ra mắt bản giao hưởng số 1 của Shostakovich ở Leningrad (bây giờ là St.Petersburg). Rồi những kẻ si tình cùng nhau tới biển Đen, bất chấp việc đó có thể hủy hoại thanh danh của cô gái chưa chồng. Sau này, có lần Shostakovich đã nói rằng tháng hè ở biển Đen với Tatiana là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời ông.
Vậy tại sao những kẻ yêu nhau say đắm đó lại không kết hôn? Nhiều khả năng nguyên nhân xuất phát từ bà mẹ của Shostakovich, người lo sợ gánh nặng gia đình sẽ hủy hoại tài năng của con trai bà.
Shostakovich si tình dù sao cũng cố gắng tranh đấu. Ông đề nghị Tatiana chuyển tới Leningrad nhưng sống độc lập. Nhưng những câu chuyện của ông mãi vòng vo, không chạm đến nút thắt của vấn đề. Dần dần, Tatiana cảm thấy mệt mỏi, bắt đầu xa lánh ông và chẳng mấy chốc, Shostakovich nếm mùi cay đắng khi người yêu đi lấy chồng, một kỹ sư luôn yêu thương và quan tâm đến cô. Shostakovich van nài Tatiana bỏ chồng để đến Leningrad với ông. Tatiana gần như đã sẵn sàng nhượng bộ nhưng đúng lúc này, cô phát hiện mình có thai, cô thương xót người chồng nghèo túng vì anh không làm gì sai để phải nhận một cú trời giáng như vậy. Nhiều năm sau, Shostakovich vẫn còn nhớ lại sự kiện đau đớn đó.
Nhưng ngay trước thời điểm chia tay với Tatiana, vào năm 1927, Shostakovich đã làm quen với Nina Varzar, nữ sinh viên 18 tuổi của Khoa Vật lý Trường ĐH Tổng hợp Leningrad. Khi đã trở nên thân thiết với gia đình của Nina, Shostakovich thích thú phát hiện ra rằng thời trẻ, mẹ của Nina từng là bạn thân của cha mình.
Nina là cô gái sôi nổi, thích được tán tỉnh, lúc nào cũng sẵn tiếng cười. Cô thích chơi thể thao, ưa khiêu vũ, là linh hồn của bất cứ nhóm bạn nào. Bên cạnh cô, Shostakovich gây ấn tượng là một người nhút nhát, nghiêm nghị. Hơn nữa, triển vọng sự nghiệp của ông vẫn còn rất mơ hồ. Vì thế không lấy gì làm ngạc nhiên khi cha mẹ Nina chưa muốn họ kết hôn vội.
Shostakovich thì quá hạnh phúc trong lúc chờ đợi – ông đang chìm đắm trong tác phẩm mới của mình: vở opera Lady Macbeth of Mzensk County, một tác phẩm tri ân tình yêu mà ông đề tặng cho Nina.
Tháng 5-1932, Nina và Dmitry thành hôn. Trừ việc giữ nguyên tên họ thời con gái, còn mọi việc khác cô đều thuận theo lối sống của Shostakovich, kể cả sự thờ ơ với tiện nghi và thời trang… Đôi vợ chồng trẻ ở trong một căn hộ nhỏ, nhưng sau đó chuyển tới một nơi tương xứng hơn nhờ tiền thu được từ vở opera Lady Macbeth of Mzensk County. Nina coi chồng như một đứa trẻ to xác, vì vậy thường tự mình giải quyết mọi việc nhà mà không cần đến bàn tay hỗ trợ của chồng.
Hạnh phúc hôn nhân kéo dài không lâu: hai năm sau, Shostakovich liều lĩnh lao vào mối tình với nữ sinh viên Ngữ văn 20 tuổi, Yelena Konstantinovskaya. Cô đẹp quyến rũ, và khác với Nina, cô có khiếu thẩm mĩ tinh tế, ăn mặc vô cùng tao nhã. Thoạt đầu, Yelena giúp đỡ nhà soạn nhạc học tiếng Anh nhưng chẳng bao lâu, Dmitry nhận ra ông phát điên vì yêu cô. Trong một chuyến lưu diễn, ông đã để mặc cho cảm xúc thoải mái chế ngự và trút tình cảm vào những lá thư ông viết mỗi ngày. “Em đến trong đời tôi như tiếng sét giữa trời quang. Tôi say đắm trong tình yêu, tôi không thể tồn tại mà không có em. Hãy chờ tôi. Khi tôi trở về, chúng ta sẽ thu xếp mọi việc. Chúng ta sẽ được ở bên nhau”, Shostakovich viết cho Yelena.
44 bức thư, mỗi bức thư là một tiếng khát vọng tình yêu, là nỗi khát khao mong chóng được gặp lại người đẹp, và niềm tin rằng họ sẽ sớm bên nhau. Chỉ có một trở ngại – đó là người vợ cả tin. Làm thế nào để nói với cô ấy? Làm sao để được chấp thuận ly hôn?
Shostakovich viết cho vợ một bức thư, nhưng nó không được hồi âm – Nina đã đi về vùng nông thôn. Nhà soạn nhạc trở lại Leningrad và bắt đầu xuất hiện trước công chúng – tại nhà hát và các phòng hoà nhạc – tay trong tay với người tình mới. Ông tìm kiếm một người trung gian giúp điều đình với vợ. Đáp lại sự sốt sắng của ông là câu trả lời điềm tĩnh của Nina: bà đã sẵn sàng li dị. Thế nhưng vào phút chót, nhà soạn nhạc đã hỏi ý kiến bạn bè cũng như những người vợ của họ và quyết định quay lại với vợ. Một năm sau, họ có bé gái Galina.
Trong khi đó, Yelena tới Tây Ban Nha, nơi vừa nổ ra nội chiến, để làm phóng viên. Từ Tây Ban Nha, cô trở về với chồng, đạo diễn lừng danh Roman Karmen.
Gia đình Shostakovich ngày càng gắn kết chặt chẽ không chỉ bởi sự ra đời của con gái họ, mà cả bởi nhiều khó khăn ập đến với nhà soạn nhạc. Âm nhạc của ông bị ghẻ lạnh, và chính ở thời điểm này, người vợ đã thể hiện sự can trường, là người bạn đời và cộng sự tận tâm của nhà soạn nhạc vĩ đại. Trong những năm tháng khó khăn đó, họ quyết định sinh thêm một đứa con nữa. Năm 1937, con trai Maxim ra đời.
Hạnh phúc của tình phụ tử đã in dấu ấn trong bản Tứ tấu số 1 của Shostakovich. “Khi sáng tác bản Tứ tấu số 1, tôi cố gắng thấm đẫm nó với những hình ảnh thời thơ ấu, với tâm trạng hớn hở khi mùa xuân về,” nhà soạn nhạc thừa nhận. Khung cảnh thảnh thơi và vui tươi như thế không xuất hiện lần thứ hai trong âm nhạc của ông. Nhưng vào thời kỳ đó, người cha trẻ tuổi đang vô cùng hạnh phúc.
Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến chống phát xít 1941-1945, khi quân đội của Hitler tấn công Leningrad và xiết chặt vòng vây, gia đình Shostakovich sơ tán khỏi thành phố. Họ tới Kuibyshev bên bờ sông Volga. Năm 1943, họ chuyển tới Moscow. Tại đây, Nina gặp lại người bạn học từ thời đại học, Artem Alikhaniyan. Ông giờ đây là nhà vật lý nổi tiếng, đứng đầu một phòng thí nghiệm nghiên cứu các tia vũ trụ. Artem mời Nina cộng tác, vậy là bà buộc phải có những chuyến công tác dài ngày tới Armenia, tại đài quan sát trên núi Aragatz.
Dĩ nhiên, Shostakovich không thích những chuyến công tác này nhưng ông không muốn tước đoạt niềm vui được làm việc của vợ, nên đã vui vẻ đóng vai người chồng kiên nhẫn. Dẫu vậy, ông sớm nhận thấy có điều gì đó không ổn: Nina ngày càng say mê người cố vấn khoa học của mình. Rất có thể sau nhiều năm sống với một người đàn ông trẻ con, bà cảm thấy bị cuốn hút bởi một người mạnh mẽ và đáng tin cậy.
Nhưng không có scandal hay cãi cọ bởi Shostakovich tôn trọng quyền được trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ và mạnh mẽ của vợ mình: dù sao thì bản thân ông cũng có hơn một mối quan hệ bên ngoài khi đã có gia đình. Ông cũng nhận thấy làm vợ của ông là gánh nặng cho bất cứ người phụ nữ nào.
Cả hai quyết định sẽ giữ gìn cho những đứa con và tránh việc li dị. Họ tiếp tục sống cùng nhau, trong khi Alikhaniyan vẫn tới căn hộ của họ như một người bạn. Thái độ của họ đã ngăn chặn được mọi lời đồn đại.
Shostakovich cũng sớm tìm thấy sự an ủi trong niềm đam mê mới: Galina Ustvolskaya. Cô là nữ sinh viên duy nhất của khoa sáng tác Nhạc viện Leningrad (thời kỳ đó, Shostakovich cùng lúc giảng dạy tại cả hai nhạc viện – Moscow và Leningrad). Galina, với tính cách mạnh mẽ và độc lập, đã từ chối mọi ảnh hưởng của người thầy thông thái để theo đuổi con đường nghệ thuật của riêng mình. Trong bản Tứ tấu số 5, Shostakovich đã trích dẫn một trong số những chủ đề của cô học trò.
Tháng 11-1954, trong chuyến đi công tác đến Armenia, Nina phải nhập viện vì nhiễm phóng xạ. Shostakovich lập tức bay tới với bà nhưng bà đã hôn mê. Vài giờ sau, bà qua đời…
Nina được chôn cất tại Moscow. Trở về nhà từ nghĩa trang, Shostakovich mở bản giao hưởng số 8, được viết trong thời kỳ hạnh phúc nhất của gia đình ông. Shostakovich cay đắng khóc than cho mất mát của mình. Ông không thôi nhớ lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc hôn nhân với Nina. Ông đặc biệt lo lắng cho những đứa con: làm thế nào ông có thể nuôi dạy chúng một mình?
Người đàn ông góa vợ 48 tuổi phải bắt đầu một cuộc sống mới. Galina đã từ chối thẳng thừng khi được ông cầu hôn. Cô không cảm thấy mình đủ can đảm để hi sinh bản thân cho việc chăm sóc một người chồng và hai đứa trẻ đang tuổi lớn.
Năm 1956, nhà soạn nhạc tình cờ gặp Margarita Kainova, người phụ nữ xinh đẹp, chải chuốt ngồi trên ghế ban giam khảo một cuộc thi ca khúc, đại diện cho đoàn thanh niên. Shostakovich đã tìm được số điện thoại nhà cô và gọi cho cô ngay ngày hôm sau chỉ để nói “Hãy lấy tôi nhé!” Người phụ nữ trẻ sững sờ nhưng quyết định không bỏ lỡ cơ hội trở thành vợ của một người nổi tiếng thế giới. Việc cưới xin diễn ra vội vã, không có người thân hay người bạn nào được mời.
Bên cạnh người vợ trẻ, Shostakovich dường như cũng trẻ trung hơn. Nhưng hai người con không chấp nhận mẹ kế. Chúng tôn sùng Nina, và người phụ nữ mới đến đơn giản là quá tương phản với bà: cô không hiểu và thậm chí không thử cố nghe nhạc của chồng mình. Trong bản tứ tấu số 6, tác phẩm đang trên bàn làm việc của Shostakovich lúc bấy giờ, nhà soạn nhạc bậc thầy đã cố gắng chiều theo thị hiếu của Margarita, sáng tác một chủ đề đơn giản, gợi nhớ một trong những ca khúc cũ của ông. Người vợ tỏ ra thích điều đó…
Xung đột đã ủ mầm một thời gian dài… Thoạt đầu, Margarita phá hỏng mối quan hệ với hai đứa con riêng của chồng, sau đó cô tỏ ra muốn Shostakovich phải thế này thế khác, thậm chí còn muốn chỉ dẫn ông nên viết loại nhạc nào. Mùa hè năm 1959, lòng kiên nhẫn của ông đã cạn. Shostakovich không muốn mạo hiểm đối đầu, bởi vậy ông viết một bức thư cho Margarita, đề nghị li dị. Margarita khóc một chút, đóng gói đồ đạc và ra khỏi cuộc đời Shostakovich.
Trong những năm cô độc, nhà soạn nhạc luôn hoài nhớ người vợ đầu của mình. Trong tâm trạng đó, ông đã sáng tác bản Tứ tấu số 7.
Người vợ thứ ba của Shostakovich là Irina Supinskaya. Cô cùng độ tuổi với con gái ông và làm việc tại nhà xuất bản âm nhạc. Việc kết hôn diễn ra không có chút sóng gió nào vào tháng 11-1962. Một cách nhanh chóng và tự nhiên, cô trở thành thành viên trong gia đình mới, làm chỗ dựa tin cậy cho người chồng ốm yếu và được những người bạn thân của Shostakovich chấp thuận.
Đôi vợ chồng hầu như không bao giờ xa nhau. Irina trên thực tế trở thành thư ký riêng của chồng và đi cùng ông trên khắp các nẻo đường trong nước và quốc tế. Đôi khi cô còn giúp Shostakovich chọn lời cho các ca khúc nghệ thuật. Cô cũng chính là người đã tìm nhiều phần lời cho bản giao hưởng số 14. Trong bản tứ tấu số 9 đề tặng Irina, Shostakovich nói về tình yêu cuối cùng của đời mình bằng sự dịu dàng khôn tả.
Ngay cả khi bệnh tình của ông ngày càng nặng, Irina vẫn luôn ở bên cạnh ông. Irina can đảm mang gánh nặng của mình, không bao giờ hé răng oán thán nửa lời. Ngày 9-8-1975, cô vuốt mắt tiễn biệt chồng, nhưng vẫn tiếp tục hiến dâng phần đời còn lại cho nhà soạn nhạc. Cô sắp xếp các tài liệu của ông, giám sát việc xuất bản các tác phẩm thời kỳ đầu còn chưa được biết đến của nhà soạn nhạc. Những nỗ lực của cô đã góp phần giúp tập tác phẩm đầu tiên của nhà soạn nhạc ra mắt công chúng. Theo sáng kiến của cô, một quỹ quốc tế mang tên Dmitry Shostakovich cũng được thành lập…
theo Thanh Nhàn - Tia sáng