Phong cách mang đậm cá tính, Theo Angelopoulos được xem như một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của nền điện ảnh Hy Lạp nửa sau thế kỷ XX. Nhiều nhà phê bình so sánh phim của ông với tác phẩm của Michelangelo Antonioni và Akira Kurosawa. Ông cũng từng làm việc với những diễn viên kỳ cựu của làng điện ảnh thế giới, trong đó có Marcello Mastroianni, Harvey Keitel, Willem Dafoe, Bruno Ganz và Jeanne Moreau
Nhà thơ sử thi của điện ảnh Hy Lạp
Theo Angelopoulos sinh năm 1935 tại Athens, cũng là nơi ông theo học luật song không mấy hứng thú vì thấy nó buồn tẻ. Sau khi rời quân ngũ, ông đến Paris học triết học nhưng lại thực sự dành nhiều thời gian ở Cinémathèque Francaise. Trở lại Hy Lạp, trước khi bắt đầu sự nghiệp đạo diễn, Theo giữ mục phê bình phim cho Allagi - một nhật báo cánh tả mà sau này (1967) bị quân đội chính phủ trấn áp và đóng cửa. Theo trải qua thời niên thiếu và tuổi trẻ trong hai cuộc thế chiến tàn bạo và cuộc nội chiến đau thương trên chính mảnh đất quê hương. Chế độ kéo dài bảy năm của “những đại tá” dầu đã phai nhạt trong ý thức của ông song lại ẩn sâu vào tiềm thức và trở thành một đề tài công khai xuyên suốt những tác phẩm điện ảnh của Theo. Những bộ ba (trilogy) - “bộ ba về Lịch sử”, “bộ ba về Biên giới”, “bộ ba về Im lặng” hay bộ ba về “Hy Lạp hiện đại” - đều trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều có bóng dáng của những cuộc chiến tranh.
Theo Angelopoulos, trên cái nền của chiến tranh, đã dày công nhào nặn thần thoại, sử thi và tái tạo thành những ẩn dụ, ngụ ngôn, biểu tượng, qua đó làm sáng tỏ lịch sử đau thương của Hy Lạp thế kỷ XX. Điện ảnh của Theo như một giấc mơ, một bầu khí quyển đầy bí ẩn. Ta thấy trong đó bóng dáng của một Homer - một “nhà thơ sử thi” của điện ảnh - thời hiện đại, lang thang khắp các thị thành Hy Lạp, góp nhặt những mẩu chuyện lớn nhỏ thành một trường thiên sử thi.
Angelopoulos thường kể chuyện với một phong cách trang nghiêm, gây ấn tượng mạnh, giàu gợi cảm và đậm đặc tính cá nhân; lối tự sự rất chậm rãi với những trường đoạn, những cú máy dài không cắt, đôi khi có vẻ dàn trải, uể oải và không đi đến một kết thúc cụ thể nào; những chuyển động máy êm mượt hay những khuôn hình tĩnh như bất động - một phong cách hoàn toàn tương phản với “các món ăn của Hollywood”. Lối kể chuyện ấy quả thật thách thức sự kiên nhẫn và đòi hỏi một nỗ lực nhất định nơi người xem. Có thể đó là lý do mà Theo ít được biết đến ở Mỹ. Lý giải cho phong cách đó, Theo nói rằng: “Mỗi trường đoạn, đối với tôi, mở ra khoảng tự do vô hạn. Bằng cách khước từ cắt cảnh, tôi để cho người xem dự phần vào việc phân tích những hình ảnh được chiếu lên, để họ tập trung - liên tục và liên tục - vào những yếu tố mà họ cảm thấy là quan trọng nhất trong đó”. “Ngữ pháp” kể chuyện đó không phải là một thách đố, cũng không thuần túy là một gọt đẽo về hình thức. Bằng việc dàn dựng những biểu tượng và ẩn dụ được chưng cất từ truyền thống thần thoại cổ, những cú máy dài với những cảnh quay ít thoại mang trong hình thức của nó một “cái nhìn” không lời trầm ngâm và những suy tưởng triền miên. Song hành với hệ thống thần thoại được tái tạo là những biểu tượng u sầu, mang tính suy tư cá nhân, riêng tư; một vài biểu tượng không rõ nghĩa hoặc ít người biết đến. Đối thoại trong phim của Theo nằm trên đường biên mong manh mờ đục (về nghĩa). Những biểu tượng cũng có xu hướng “chậm và lỏng lẻo”. Đó có lẽ là những đặc tính thơ mà người ta vẫn nói đến khi nhận xét về phim của Theo.
Thông qua hệ thống biểu tượng đẹp, buồn và ám ảnh bắt nguồn từ huyền thoại, sử thi trên nền bối cảnh gắn chặt với lịch sử Hy Lạp hiện đại, phim của Theo thể hiện những quan sát và lý giải về thân phận con người nói chung cũng như thân phận của người dân Hy Lạp nói riêng. Toàn bộ điện ảnh của Theo là một câu hỏi lớn và riết róng về kiếp nhân sinh phù du của con người trong dòng chảy vô cùng của thời gian và trong những mất mát của lịch sử.
Thời gian câu chuyện trong phim Theo thường kéo dài, có thể suốt chiều dài lịch sử ba mươi năm của Hy Lạp (Weaping Meadow – Thảo nguyên khóc), hay dù chỉ trong một ngày (như Eternity and a Day – Sự vĩnh cửu và một ngày) cũng dàn trải như một giấc mơ phi tuyến tính với những mảnh vụn ký ức của nhân vật bất chấp việc họ là một phần của hiện tại. Chưa kể thời lượng phim của ông thường đến ba giờ đồng hồ, hoặc hơn. Angelopoulos nói rằng, cái mà ông cố gắng đạt được không gì khác hơn là một sản phẩm chưng cất từ truyền thống sử thi Hy Lạp trên chất liệu celluloid. Phim của ông là sự kết hợp giữa truyền thống truyền miệng của quá khứ với phương tiện nghe nhìn hiện đại của thế kỷ XX, trong đó ông lưu giữ lại linh hồn của mảnh đất quê hương. Quả thật, có thể nói rằng, mỗi phim của ông là một chương khúc của một sử thi dài được ghi lại bằng những thước phim đầy chất thơ, gợi cảm và ám ảnh.
Người lữ hành cô độc
Nhân vật và mô típ xuyên suốt trong tác phẩm của Theo là những người lữ hành - hay những người “trở về” mà vẫn thấy lạc loài - và những cuộc hành trình: một đạo diễn trở về tìm những thước phim cũ, một nhà thơ lần tìm lại ký ức, hai chị em trên hành trình vượt biên giới tìm cha, những người tị nạn hay một người cha trở về với gia đình sau nhiều năm xa cách. Mỗi nhân vật, trên mỗi cuộc hành trình, đều đi tìm một cái gì cụ thể, thiết thân đối với mình. Song, ẩn sâu dưới tất cả những cuộc kiếm tìm đó là một hành trình dài bất tận đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi siêu hình mang ý nghĩa nhân sinh, là suy tư về cái chết, là sự trở về tìm lại vẻ đẹp linh hồn của “ngôi làng” Hy Lạp cổ xưa, của một nền văn hóa rực rỡ đang chết mòn. Và tựu trung, mỗi nhân vật chỉ là hóa thân của một hình hài duy nhất - một người lữ hành cô độc. Và xét cho cùng, những cuộc ra đi - trở về, những cuộc kiếm tìm đều quy hướng về một nơi, đó là mảnh đất quê hương của ông. Trong một phỏng vấn, Theo đã nói rằng: “Đối với tôi, Hy Lạp không chỉ là một vùng địa lý. Đó là một tâm hồn, một nền văn hóa”. Vì thế, Hy Lạp - với nền văn hóa, với kho sử thi đồ sộ của nó - không chỉ cung cấp chất liệu mà còn trở thành một ám ảnh khôn nguôi trong những tác phẩm của tâm hồn cô độc lang thang này. Đan xen giữa những thần thoại được tái tạo còn là những điệu nhạc dân gian Hy Lạp vừa buồn bã vừa rộn ràng, những lối phục trang truyền thống và vẻ đẹp toát lên từ những cũ kỹ tàn phai trong đời sống sinh hoạt. Trên tất cả là ý thức đau đớn về sự bất khả trong việc níu giữ lại những tàn phai, về nỗi cô độc trên hành trình khắc khoải đi tìm một nơi nương náu của những linh hồn lưu đầy vĩnh viễn. Hành trình điện ảnh năm mươi năm của Theo Angelopoulos - song song với những nỗi khắc khoải cô đơn của nhân vật - cũng là hành trình ông chậm rãi tiến bước đến những miền xa xăm của điện ảnh.
Thời gian, như chính Theo thừa nhận, là chủ đề trung tâm trong các phim của ông. Trong đó, người lữ hành cô độc luôn giằng co giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn. Angelopoulos chết vì một tai nạn giao thông đột ngột trong khi ông đang thực hiện bộ phim The Other Sea. Trước đó, trong một phỏng vấn, khi được hỏi, rằng “Có phải cuối phim (Sự vĩnh cửu và một ngày), nhân vật nhà thơ sẽ chết”, Theo đáp: “Không. Ông ta phải nhập viện, nhưng ông ta đã cự tuyệt. Ông ta, vì vậy, chối từ một kết thúc “thông thường”.
Cái chết đột ngột và không được chuẩn bị trước của đạo diễn trong thực tế có một vẻ gì đó trớ trêu, chua xót so với cái chết được chuẩn bị và đón nhận - hoặc nói theo cách của chính ông là “bị khước từ” - của nhà thơ già trong Sự vĩnh cửu và một ngày, với tham vọng: sống một ngày cho cả đời, trọn vẹn và vĩnh viễn hóa cuộc hành trình của đời người. Song, bộ phim cũng có thể là tiên cảm của một tâm hồn nhiều trải nghiệm, nhiều suy tư. Đó là một lời giã từ. Trước khi nói lời giã từ thực sự, Theo Angelopoulos - người lữ hành cô độc - may thay, đã nhận được “lời tri ân” từ những tâm hồn đồng điệu với giải thưởng Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes 1998 cho phim Sự vĩnh cửu và một ngày. Để rồi sau đó, Theo Angelopoulos vượt thoát khỏi cái hữu hạn của thân xác, để đi vào một hành trình miên viễn cô độc đến tận cùng.
Theo Tuệ Anh - NDBNN