Văn nghệ thế giới
Những thể nghiệm nhân sinh từ Người đẹp ngủ mê
16:11 | 09/07/2012

 Nghệ thuật Nhật Bản đặc trưng bởi sự tinh tế đậm chất u huyền, bí ẩn và cả đáng sợ khi đi sâu tìm hiểu những tình thế cực đoan nhất của tâm lý con người. Người đẹp ngủ mê của Kawabata - một viên ngọc trong văn học Nhật Bản - là tác phẩm thể hiện rõ nhiều tính chất của nền nghệ thuật này.

Những thể nghiệm nhân sinh từ Người đẹp ngủ mê

1. Theo lời giới thiệu của một người bạn, ông già Eguchi tìm đến ngôi nhà "người đẹp ngủ mê", nơi những trinh nữ xinh đẹp, tuổi chưa đến hai mươi, được gây mê bằng thuốc ngủ liều cao, hoàn toàn khỏa thân trong tình trạng mất tri giác. Bởi nếu chỉ cần lay nhẹ mà cô gái đã thức dậy thì ngôi nhà sẽ chỉ còn là một nhà chứa gái rẻ tiền, trong khi đó "đối với các ông già, ngủ với một người đẹp không khi nào tỉnh thức là một mối cám dỗ, một cuộc phiêu lưu, một niềm vui thú mà họ tin mình còn thực hiện được".

Ông già Eguchi, "mặc dù vẫn tiếp tục gần gũi với phụ nữ nên chưa thuộc loại cần nghỉ ngơi hoàn toàn" nhưng đã đến căn nhà có người đẹp ngủ vì tò mò. Vì vậy ông đã tìm ra những cung bậc cảm xúc hết sức khác thường trong khi vẫn tôn trọng quy định của ngôi nhà, ngủ cạnh một tấm thân son trẻ mà không thể biết một chút gì về con người nàng. "Nàng ngủ, nàng không nói, nàng chẳng thấy khuôn mặt ông, chẳng nghe giọng nói ông... Và số phận ông nàng cũng chẳng mảy may biết đến".

2. Bốn lần đến thăm ngôi nhà, Eguchi được giới thiệu với năm cô gái rất khác biệt. Năm biểu tượng của nữ giới ấy đã gợi nên cho ông những cung bậc tưởng như không bao giờ với tới được của ký ức, sự thương xót, tội lỗi và cả cảm thức về cái chết. "Các cô gái ngủ mê và không tỉnh thức là hiện thân của tự do mà năm tháng không thể nào làm biến dạng", đồng thời "sự trinh trắng của cô gái làm nổi bật sự xấu xí của tuổi già".

Thời gian là một yếu tố lạnh lùng làm đậm thêm nỗi cô đơn, khao khát thấu hiểu khi đứng trước những người đẹp hoàn toàn yếu ớt, hoàn toàn phụ thuộc đồng thời hoàn toàn không thể với tới này. Cô gái ngủ mê mãi mãi phong kín con người thật của mình. Dường như tấm thân của họ đã trở thành một cõi riêng huyền bí tách biệt hẳn với nhân sinh. Sự tương phản ở đây vừa hiển nhiên vừa bất ngờ: thân xác ở mức độ trần trụi nhất đồng thời lại là điều bí ẩn khôn lường nhất.

Trước những cô gái như thế, Eguchi "tự hỏi mình đã biết đến đâu, trong suốt sáu mươi bảy năm sống ở đời, trong tầm sâu và tầm rộng của sự ham muốn xác thịt nơi con người". Ngôi nhà bí ẩn này cung cấp một cách thưởng thức đầy cực đoan và tội lỗi, nhưng cũng qua đó ông thấu hiểu sự trắc ẩn muôn đời trước cái đẹp, cũng như những bí mật không lời giải về cách chúng ta tồn tại trên đời này, cách chúng ta liên hệ với nhau.

Càng về sau, ông càng đi sâu vào bản thể và ký ức xa xăm nhất của mình, tìm lại được những cảm xúc thuần túy tinh thần nhất. Không chỉ một lần trong ông xuất hiện cảm giác rằng những cô gái ấy là sự hóa thân của một vị Phật nào đó, như trong các truyền thuyết xưa cũ. Tấm thân trần dường như đã trở thành biểu tượng cao nhất của tính nữ vĩnh hằng, dù có được sở hữu trong tay thì vẫn muôn đời là bí mật.

3. Việc Kawabata sáng tác Người đẹp ngủ mê có liên quan đến một vở kịch mang tên Những mỹ nữ của Eguchi công diễn khoảng thế kỷ 17 ở Nhật Bản, bởi vậy cấu trúc của tiểu thuyết này có thể so sánh với những màn kịch có nhiều tầng lớp biểu tượng, huyền thoại, tôn giáo... Ngôn ngữ điêu luyện của tác giả đi sâu vào nội tâm đầy phức tạp của con người, khám phá mối liên hệ giữa hồn và xác, phơi bày những thể nghiệm nhân sinh vừa đau đớn vừa đẹp đẽ.

Giống như những bài thơ haiku, Người đẹp ngủ mê đem lại những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo, đồng thời để lại nhiều khoảng trống, nhiều băn khoăn để độc giả tự khám phá bằng trình độ thưởng thức của mình.

Theo VY KHANH - TTCT






 

Các bài mới
Các bài đã đăng