Tin Bob Welch (66 tuổi), tay guitar huyền thoại của nhóm rock huyền thoại Fleetwood Mac tự vẫn lại một lần nữa làm nhói đau người hâm mộ. Fleet- wood Mac, từ khi thành lập cho đến lúc tan rã, ngoài những giá trị đóng góp rất lớn cho âm nhạc thì họ cũng gánh khá nhiều tai họa mà cái chết của Welch lại một lần nữa chứng minh. Sex, ma túy, tôn giáo… những thứ mà nhóm nhạc này từng ca ngợi, cuối cùng lại là con dao làm họ đổ máu.
Bob Welch đã tự vẫn sau khi bắn vào ngực và ông để lại một bức thư tuyệt mệnh. Theo một số nguồn tin, Welch - sống ở Nashville (bang Tennessee), đã trải qua phẫu thuật xương sống cách đây 3 tháng. Trước đó, các bác sĩ thông báo với Welch rằng đôi chân ông sẽ bị liệt vĩnh viễn. Sau đó, Welch nói với vợ, ông không muốn bà phải chăm sóc một người tàn phế. Cái chết của Welch làm dài thêm câu nói của Lindsey Buckingham, thành viên trụ cột của nhóm “các tay guitar của Fleetwood Mac đã phải gánh chịu tai họa từ cuối những năm 1960”.
Ma túy
Năm 1967, Peter Green đã lập nên nhóm Fleetwood Mac nhạc chơi theo kiểu blues rock ở London và rất sớm, chất nhạc của họ được ủng hộ hộ nhiệt thành. Cho đến khi nhóm tung ra album thứ 3, Then Play On vào năm 1969 thì các thành viên phát hiện ra Green có vấn đề về thần kinh.
Sau khi dùng một lượng lớn thuốc gây ảo giác LSD, ông bắt đầu để râu, mặc áo choàng có hình cây thánh giá và nói với nhà quản lý ban nhạc rằng ông là Chúa Jesus. Lúc này ban nhạc đã gặt hái thành công và trở nên giàu có nhưng Green không thích cuộc sống phóng đãng của các thành viên. Ông không thích cách sống tiêu xài hoang phí của họ mà muốn trao tặng hết thu nhập của ban nhạc cho từ thiện.
Trong một bữa tiệc tại Munich (Đức) nằm trong chuyến lưu diễn châu Âu hồi tháng 3/1970, Green nói rằng ông nhìn thấy ảo cảnh một thiên thần bế một đứa trẻ đang chết đói. Hai tháng sau đó, ông rời khỏi ban nhạc và cũng không quên phàn nàn chuyện từ thiện của ông bị từ chối. Sau này, Green được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt. Trong những năm 1970, ông đã ra vào nhiều bệnh viện tâm thần và bạn bè ông đã sốc khi thấy Green luôn trong tình trạng “ngẩn ngơ”.
Peter Green được tôn vinh là trong những cây guitar blues rock xuất sắc nhất trong thế hệ của mình và ông cũng là người nghèo nhất trong những tay guitar cự phách. Sau khi rời nhóm, ông kiếm sống bằng việc đẩy xe trong bệnh viện và thậm chí làm nghề đào huyệt. Năm 1977, cảnh sát đã bao vây nhà ông và Green đã bị bắt sau khi dùng súng đe dọa kế toán của ban nhạc là David Simmons. Sau đó Green giải thích, ông tức giận vì Simmons lâu lâu vẫn cứ gửi các tấm séc tiền bản quyền cho mình, giống như trêu ngươi.
Sau này, Green đã khắc phục được bệnh trạng của mình sau khi ông cùng mẹ chuyển tới Great Yarmouth và thậm chí năm 1995 còn phục hồi sự nghiệp âm nhạc cùng nhóm The Splinter Group. Tuy nhiên, Green sẽ luôn được nhớ đến là một trong những tài năng âm nhạc lớn nhất của thập kỷ 1960 nhưng đã bị ma túy làm cho gục ngã khi đang ở thời kỳ sung sức nhất.
Jeremy Spencer là người sùng đạo. Ông đã rời ban nhạc để gia nhập nhóm Children of God. Sau này ông có nói rằng cách ông rời bỏ ban nhạc là sai nhưng ông không hối hận vì đã rời nhóm |
Tôn giáo
Tay guitar Jeremy Spencer cũng là một trong những thành viên ban đầu của Fleetwood Mac, là người nổi tiếng với phong cách trình diễn điên cuồng trên sân khấu. Nhưng ngoài đời, ông là người cuồng tín tôn giáo. Thậm chí khi Fleetwood Mac đang đi lưu diễn, ông đã lén tách khỏi ban nhạc để đọc những cuốn Kinh Thánh nhỏ mà ông giấu trong những lớp vải lót áo khoác của mình.
Các cựu thành viên của ban nhạc nói rằng Spencer cực kỳ tôn sùng tôn giáo và năm 1971, sau khi xảy ra một trận động đất ở Los Angeles, Spencer đã linh cảm rằng có một điều gì đó rất xấu sẽ xảy ra ở đây. Và linh cảm ấy đã có thật và nạn nhân là các thành viên Fleetwood Mac khi bỗng dưng tay guitar của họ… biến mất.
Lúc đó, Spencer nói với Mick Fleetwood rằng ông tới Đại lộ Hollywood để mua một cuốn tạp chí. Nhưng rồi ông đã không trở lại. Nhiều ngày sau đó, các thành viên trong ban nhạc phát hiện ra ông đã gia nhập vào Children of God, một nhóm sùng bái tôn giáo dùng sex để “chứng tỏ tình yêu của Chúa”. Họ thuyết phục, nhưng Spencer đã từ chối trở lại ban nhạc.
Sau này, Spencer giải thích, khi ông đang đi trên phố thì một thành viên của nhóm Children of God tên là Apollos đã tới làm quen. Họ chuyện trò về tôn giáo và sau đó người này mời ông tới thăm một “hội truyền giáo” gần đó. Hiện nay, Spencer vẫn làm việc cho tổ chức này - mang tên The Family International.
Và… rượu
Bi kịch lại xảy đến với Fleetwood Mac, lần này là với Danny Kirwan, tay guitar tài năng đồng thời là một chàng trai cực kỳ quyến rũ của ban nhạc. Tài năng nhưng lại nghiện rượu, lúc nào Kirwan luôn trong tình trạng say khướt. Ở tuổi 22, ông đã mắc chứng nghiện rượu, nhiều khi có tới vài ngày ông chẳng ăn gì mà chỉ uống. Phải gánh “trọng trách” sáng tác ca khúc cho ban nhạc sau khi Spencer biến mất, Kirwan nhanh chóng mất kiểm soát, chật vật đối diện với danh tiếng và dần dần tự tách mình ra khỏi ban nhạc. Và rồi Kirwan đã cho các thành viên trong ban nhạc một phen “tá hỏa” khi ông bỗng dưng… lên cơn điên vì tinh thần ngày càng yếu do ảnh hưởng của rượu.
Một đêm Thu năm 1972, vài phút trước khi Fleetwood Mac chuẩn bị lên sân khấu để thực hiện màn diễn cuối cùng trong chuyến lưu diễn của ban nhạc ở Mỹ, Kirwan bỗng nhiên nổi cáu khi đang lên dây đàn, nổi xung với Bob Welch. Ông đấm tay vào tường, ném mạnh chiếc đàn Gibson vào tấm gương rồi ném tiếp những mảnh gương vỡ vào các thành viên trong ban nhạc.
Peter Green, người sáng lập ban nhạc Fleetwood Mac hồi năm 1967 nhưng sau khi dùng một lượng lớn thuốc LSD gây ảo giác, ông nghĩ mình là Chúa Jesus và bị bệnh tâm thần phân liệt |
Sau đó, Kirwan lao vào thính phòng, đập đầu vào tường cho đến khi máu trào ra mặt. Không lên sân khấu trình diễn, ông ngồi dưới hàng ghế khán giả “quấy rối” ban nhạc trong khi họ đang gắng sức trình diễn mà không có ông.
Ngay sau đó Kirwan đã bị đuổi ra khỏi ban nhạc. Thời gian sau này, các vấn đề thần kinh của Kirwan càng nặng do ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu và ma túy. Trong những năm 1980-1990, Kirwan trở thành người vô gia cư và sống lang thang trên các đường phố ở London.
Đội hình rệu rã
Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Bob Welch, một chàng trai hippy trẻ có cha là một nhà sản xuất rất thành công ở Hollywood, đã gia nhập ban nhạc sau khi Spencer rời khỏi nhóm và tham gia hội Children of God.
Mick Fleetwood tin Welch sẽ vực được tinh thần của các thành viên trong ban nhạc trong những năm đen tối đó bởi ông là một người ôn hòa và có tính hài hước. Nhưng thật buồn là Welch đã rời khỏi ban nhạc vào tháng 12/1974 vì thấy mệt mỏi với lưu diễn và các tranh chấp pháp lý. Welch ra đi ngay trước khi Fleetwood Mac tuyển mộ Stevie Nicks và Lindsey Buckingham, đồng thời xúc tiến album Rumours (1977). Đây là album bán chạy nhất mọi thời đại cho đến khi Michael Jackson tung ra album Thriller.
Trước khi Welch rời ban nhạc, tay guitar khác của Fleetwood Mac là Bob Weston cũng “gây chuyện”. Weston bị phát hiện có quan hệ với vợ của Mick Fleetwood là Jenny Boyd - chị gái của Pattie Boyd (vợ cũ của George Harrison và Eric Clapton). Mối quan hệ “ngoài luồng” đau lòng đó đã buộc Fleetwood sa thải Weston và ban nhạc phải hủy bỏ chuyến lưu diễn đã lên kế hoạch ở Mỹ.
Hồi tháng 1 năm nay, Bob Weston đã trút hơi thở cuối cùng ở London do bị xuất huyết não, thọ 64 tuổi. Người ta tìm thấy ông trên giường cùng với chiếc ti vi trong căn hộ của ông ở Brent Cross, Bắc London.
Giờ đây, sau 15 lần thay đổi về đội hình, Fleetwood Mac vẫn tái hợp để thực hiện các dự án âm nhạc. Hiện nay, thành viên gốc duy nhất còn lại của ban nhạc là Mick Fleetwood. Trong khi các nghệ sĩ guitar khác của ban nhạc đã phải gánh chịu tai họa và số phận đầy bi kịch thì may mắn thay, thành viên trụ cột hiện nay là Lindsey Buckingham vẫn mạnh khỏe, ông không vướng vào rượu, ma túy và không tôn sùng tôn giáo.
Theo Phạm Lê - TT&VH Cuối tuần