Từ một thiếu nhi quê mùa chất phác lên chiếm lĩnh sân khấu, màn ảnh, để lại những hình tượng lãng mạn hào hoa, Vasily Lanovoy còn hóa thân đa dạng, khi là những người yêu nước mưu trí, dũng mãnh, có khi là tướng địch nham hiểm, bạo tàn… xứng đáng được kính trọng trong cả nghệ thuật và đời sống…
Từ cảnh cơ hàn
Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Vasily Lanovoy chào đời ngày 16.1.1934 tại Moskva, nơi người cha từ Odessa đến làm việc cho một xưởng hóa chất. Mới bảy tuổi đầu, cậu đã phải sơ tán trước, về với ông bà nội ở Ukraina, chuẩn bị đón bố mẹ vào tuần sau, thì chiến tranh bất ngờ bùng nổ, thế là gia đình ly tán, biệt vô âm tín mất ba năm.
Quê nội bị phát xít Đức chiếm đóng, một tay lính Đức trú quân tại nhà Lanovoy có tặng Vasily chiếc dây lưng, và tặng vật này suýt nữa khiến cậu mất mạng: một tên lính Đức khác muốn tước chiếc dây lưng đó, thấy cậu phản đối, bèn lia một băng tiểu liên theo hình cầu vồng ngay trên đầu cậu, đạn rít ngang tai cậu, ông và bà nội chết lặng.
Làm việc trong xưởng hóa chất hồi đầu chiến tranh, thiết bị tự động chưa kịp lắp đặt, cha mẹ phải dùng tay để rót chất lỏng vào những quả lựu chống tăng, nên họ mau chóng trở thành tàn phế. Khi hay tin gần quê chồng đã được giải phóng, người mẹ lập tức đi tìm con, mặc dù bản thân di chuyển rất khó khăn. Một tháng sau, chui vào một chuyến tàu chật ních hàng hóa, cả mấy mẹ con trở về Moskva.
Một lần đi xem ở nhà văn hóa quận, thấy bạn đồng trang lứa lên diễn được, Vasily cũng đầu quân vào câu lạc bộ kịch - ở đó, những đứa trẻ sau chiến tranh coi như ngôi nhà thứ hai của mình, chúng được làm quen với văn học nghệ thuật, rèn luyện lối tư duy độc lập, hòa nhập vào thế giới của sự hài hòa, cái Đẹp, cái Thiện… Vasily gặp nhiều khó khăn ban đầu, do mẹ ở nhà toàn nói với con bằng tiếng địa phương Ukraina, nhưng rồi cũng được đóng vai chính, đi dự hội diễn văn nghệ không chuyên toàn Liên bang năm 1951 được tặng giải nhất, rồi được mời đi diễn ở nhiều thành phố lớn. Khi học lớp bảy, được nghe phi công kể chuyện, cậu thích quá, nộp ngay đơn vào trường huấn luyện bay. Ông thầy dạy kịch Sergei Shtein tiếc khả năng nghệ thuật của trò đã đích thân đến trường huấn luyện bay rút hồ sơ về, và Vasily đã tốt nghiệp trung học phổ thông loại xuất sắc.
Hào hoa và lãng mạn
Tuy còn chưa tính toán nghiêm túc, nhưng Vasily Lanovoy vẫn muốn thử sức mình, đi thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu mang tên B. V. Schukin. Năm ấy có khoảng 150 thí sinh dự thi, nhưng chỉ có Vasily và một người nữa trúng tuyển. Theo học đến năm mười tám tuổi, đột nhiên anh bỏ học, thi đỗ vào khoa Báo chí Đại học Tổng hợp MGU. Giữa lúc đó anh nhận được giấy gọi đến thử vai cho phim Chứng chỉ trưởng thành. Vai diễn Valentin Listovsky đối với Lanovoy không khó – hai năm trước khi bộ phim được bấm máy, anh đã nhiều lần biểu diễn vai này trên sân khấu văn nghệ không chuyên. Bộ phim được công chúng chú ý, và Lanovoy thấy mình có thể theo nghiệp diễn, lại bỏ học ở khoa Báo chí, trở về trường cũ. Cô giáo hướng dẫn anh chính là học trò ruột của nghệ sĩ bậc thầy Evgeny Vakhtangov (1883 - 1922), nên những kiến thức về sân khấu và thẩm mỹ học trò nhận được gần như đến tự đầu nguồn.
Năm 1956 đánh dấu một bước ngoặt trong tiểu sử Vasily Lanovoy: trong khi đang quay phim Ba trăm năm về trước, bất ngờ được hai vị đồng đạo diễn A. Alov và V. Naumov ở xưởng phim Kiev mời vào vai Pavel Korchaghin để thay thế diễn viên cũ Georghi Yumatov, và Lanovoy tự tin: “Đúng rồi, vai ấy phải dành cho tôi chứ”. Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky thì anh biết từ hồi còn nhỏ, qua tiếng mẹ đẻ Ukraina, do người lớn liều chết tuồn vào trong vùng tạm chiếm, và hình tượng Pavel đọng lại trong tâm trí anh suốt đời. Lanovoy đã nhập vai rất tự nhiên vì thuộc làu tính cách nhân vật, một con người cương nghị, quả cảm, có đức tin và quyết giữ gìn đức tin. Có lần, mười giờ sáng phải có mặt ở Moskva để tập kịch, một giờ chiều đã bay về Kiev và làm việc ở trường quay đến đúng nửa đêm, rồi lại bay về trường để kịp giờ lên lớp… Bộ phim Pavel Korchaghin giành được hai giải thưởng - một tại Liên hoan phim quốc tế Moskva 1957, một tại Liên hoan phim toàn liên bang năm sau – và mở ra trước mắt Vasily Lanovoy những vai hào hoa và lãng mạn.
Năm 1957, sau khi tốt nghiệp, Lanovoy trở thành diễn viên của sân khấu danh tiếng nhất thủ đô - nhà hát kịch mang tên E. Vakhtangov - giai đoạn đầu chuyên đóng những vai hoàng tử, hiệp sĩ, tướng soái… sau đó mở rộng ra những nhân vật có tính cách đậm và nội tâm sâu hơn… Đầu thập niên 1960, nghệ sĩ sắm vai thuyền trưởng Grey trong bộ phim nổi tiếng Cánh buồm đỏ thắm theo thiên truyện bất hủ của nhà văn Alexander Grin (1960, đạo diễn Alexander Lukich Ptushko) và trở thành “người trong mơ” của lứa tuổi mới lớn. Đã là thần tượng, song Lanovoy cũng vui vẻ nhận cả một vai xuất hiện chỉ rất ngắn, nói một câu duy nhất trong bộ phim hài Chuyến tàu chở hổ (1961, Vladimir Fetin) mà cũng khiến khán giả khó quên.
Những năm 1965 - 1967, nghệ sĩ hóa thân vào Anatoly Kuraghin trong bộ phim nhiều tập của Sergei Bondarchuk chuyển thể tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của văn hào Lev Tolstoy. Vai diễn này được nghệ sĩ rất trân trọng và nghiêm túc tuân thủ ý đồ của đạo diễn - làm cho nhân vật trong phim có nhiều tính người hơn trong tiểu thuyết: khi đã không lý giải được nguyên nhân nội tâm nào dẫn đến những hành động điên khùng của nhân vật, thì phải nhấn mạnh vào tính cách hăng say, khao khát những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Lanovoy đã tạo nên những nét hấp dẫn nâng hẳn tầm của nhân vật lên. Cũng là chuyển thể tiểu thuyết của L. Tolstoy, trong phim Anna Karenina (1967, Alexander Zarkhi, theo kịch bản viết chung với V. Katanyan), Lanovoy vào vai Alexei Vronsky – một sĩ quan trẻ tuổi, đẹp trai ngời ngời, con nhà dòng dõi, xứng đáng đại diện cho giới thượng lưu quý phái. Chàng dành cho Anna tình yêu chân thành và say đắm, nhưng với người phụ nữ đã qua một đời chồng và yêu chàng mãnh liệt đến mức có thể lìa con, chàng lại không dám nhận về mình một chút thiệt thòi, vì nội lực tinh thần của chàng quá ư ít ỏi. Trong thâm tâm, Lanovoy nhận thấy trong kịch bản, tác giả chỉ thể hiện Anna Karenina và Alexei Vronsky khá là mờ nhạt nên không chịu nhận vai. Biết đạo diễn thử nhiều diễn viên khác đều không được, nể tình, nghệ sĩ đành chấp nhận, và trong thâm tâm vẫn tin rằng mình còn có thể xây dựng nhân vật hay hơn.
Do đó, lần nhận vai Oleg Tulin trong phim Tôi vào giông bão (1965, Sergei Mikaelyan, chuyển thể tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Daniil Granyn), Lanovoy đã đến gặp tác giả thẳng thắn trình bày quan điểm và cách hiểu của mình về nhân vật: đó là một hình tượng phức hợp và đầy mâu thuẫn, có những thỏa hiệp trong quan hệ với người khác, song nhất định không phải là con người tồi tệ. Granyn đồng ý, và vai diễn của Lanovoy trở nên sống động hơn, nhân bản hơn.
Lanovoy có hai cuộc hôn nhân không được lâu dài: người vợ thứ hai – nữ diễn viên Tamara Ziablova chung sống với ông chỉ được đến năm 1971 thì gặp tai nạn giao thông và mất. Còn người vợ đầu tiên, kết hôn năm 1955, nữ diễn viên Tatyana Samoilova, thường xuyên vắng nhà vì ham nhận nhiều vai diễn nên họ đã chia tay vào năm 1957, sau khi chàng Pavel gặp khán giả Trung Quốc trở về và nàng đã có vai Veronika để đời trong Đàn sếu bay qua…
(Số sau: Tài hóa thân của Lanovoy)
Theo Đăng Bẩy - NDBND