Paul Eluard (tên thật: Eugène Émile Paul Grindel, 1895-1952) là một trong những người sáng lập nên phong trào siêu thực ở Pháp, đồng thời cũng là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Từ mấy chục năm nay, cùng với các nhà thơ từng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (như Louis Aragon), Paul Eluard đã có tác phẩm được dịch in và ít nhiều có tác động tới đời sống tinh thần của một bộ phận độc giả nước ta...
Không chỉ được mến mộ về tài năng sáng tác, trong đời thường, Eluard cũng là một hình mẫu thi sĩ được nhiều người yêu mến. Nhà văn Nga Ilya Erenburg từng đưa ra nhận xét: Eluard thuộc trong số những người "tốt bụng đến mức gần như không có kẻ thù riêng".
Bất hạnh và hạnh phúc từ những người bạn trong làng hội họa
Những nhà thơ sống tại các nền văn hóa lớn, đa phần họ đều có sự giao du rộng rãi với văn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực chứ không chịu bó hẹp trong "khoảnh" riêng của mình. Eluard cũng vậy. Ông đặc biệt gắn kết với các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực hội họa. Các họa sĩ hàng đầu thế giới sống và lập nghiệp tại Pháp thời bấy giờ đều có mối quan hệ mật thiết với ông. Eluard từng viết nhiều bài nghiên cứu, giới thiệu tài năng hội họa của Picasso, thậm chí làm thơ ca ngợi Picasso "Bàn tay bạn nặng trĩu một cái hạt nảy mầm".
Paul Eluard làm quen với cô gái người Nga Helena Dmitrievna Diakonava năm 1914, khi ông bị bệnh lao phổi và đang nằm điều dưỡng tại một vùng núi đồi ở Thụy Sĩ. Eluard bắt đầu làm thơ với mục đích để tặng cô gái và ông đặt cho cô biệt danh Gala. Năm 1917, hai người làm lễ thành hôn và một năm sau, họ có chung với nhau một cô con gái.
Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu rạn vỡ cũng từ một… họa sĩ. Max Ernst là một người đàn ông tóc vàng, thân hình cao lớn, săn chắc. Mặc dù Max Ernst đã có vợ, song lối sống sôi nổi, cách nói chuyện lôi cuốn của anh ta vẫn khiến Gala không giấu được niềm si mê. Thậm chí, để thỏa mãn ước nguyện của mình, Gala còn tìm cách mở hướng cho chồng dan díu với Lou Ernst - vợ của Max Ernst. Trong hồi ký của mình, Lou Ernst viết: "Mụ người Nga ấy không thành công trong việc lôi kéo chồng mụ ta vào cuộc tình với tôi nên mụ ta quyết định giữ lấy cả hai người đàn ông". Eluard biết chuyện, và ông chấp nhận cuộc tình tay ba giữa Gala với ông và với Max Ernst.
Mặc dù Eluard đã cắn răng âm thầm chịu đựng, song mọi sự nhẫn nhịn đều có hạn. Một ngày nọ, cơn ghen bùng lên, nhà thơ trẻ đã phải dùng tới nắm đấm để thể hiện thái độ của mình. Sau sự kiện đó, ông bỏ đi biệt tích một thời gian khiến cả Paris xôn xao. Bố mẹ Eluard nhờ thế đã biết tới tình huống oái oăm của con trai. Họ gọi Gala tới, dọa sẽ cắt toàn bộ trợ cấp nếu cô không yêu cầu Max Ernst phải "biến đi". Mối quan hệ giữa Gala và Max Ernst tạm thời rút vào bí mật. Tuy nhiên, tới khi Eluard dẫn Gala đến thăm xưởng vẽ của Salvador Dali, một họa sĩ trẻ người Tây Ban Nha thì đây mới thực khởi sự cho một "cuộc tình định mệnh" của Gala. Tại cuộc gặp này, cả Gala (bấy giờ đã 39 tuổi) và Salvador Dali (bấy giờ mới 25 tuổi) đều không giấu được tình ý của mình. Như lần trước, Eluard chấp nhận duy trì cuộc tình tay ba giữa Gala với mình và Gala với Salvador Dali, tuy nhiên, lần này Gala quyết rời bỏ Eluard để đến sống với Dali. Bấy giờ là vào năm 1930, Eluard đã 35 tuổi.
Trong thời gian chung sống với Gala, Dali không ngớt lời ngợi ca người tình trên mình tới 14 tuổi: "Chính Gala đã phát hiện, khám phá ra khả năng của tôi… Không có Gala, sẽ chẳng bao giờ có Salvador Dali ngày hôm nay".
Về phần Paul Eluard, sau khi chia tay Gala, số phận run rủi đã chắp nối ông với Maria Benz, một phụ nữ vùng Alsace, vốn là người mẫu của họa sĩ Man Ray và danh họa Picasso. Người phụ nữ được Eluard gọi bằng một cái tên trìu mến: Nusch. Nusch đã trở thành Nàng Thơ của Paul Eluard suốt nhiều năm ròng. Mối tình lớn lao, tuyệt diệu của họ chỉ bị chia lìa vào năm 1946, khi Nusch đột ngột qua đời vì chứng chảy máu não.
Luôn quan tâm đến mọi người
Nhà văn nổi tiếng người Brazil Jorge, trong một cuốn hồi ký đã nghiêm khắc ghi lại ấn tượng của mình đối với một số văn nghệ sĩ tên tuổi mà ông từng gặp. Ông kể: "Ngay khi vừa trông thấy Mikhail Solokhov (tác giả "Sông Đông êm đềm") tôi đã ghét ngay. Càng biết nhiều chuyện về ông tôi càng tránh xa ông". Trong khi, với Paul Eluard, ông khẳng định đó là "một con người tuyệt vời".
Nhà thơ Chile Pablo Neruda đã không giấu được cảm xúc của mình khi đặt tiêu đề cho một bài hồi ký về Eluard là "Tuyệt vời Eluard" và khẳng định ngay ở dòng mở bài "Eluard là người bạn tốt của tôi". Còn nhà văn Nga Ilya Erenburg thì nhận định, Eluard thuộc trong số những người "tốt bụng đến mức gần như không có kẻ thù riêng".
|
Quả thực, trái ngược với hình mẫu văn nghệ sĩ mà người đời thường nói "lắm tài nhiều tật", Eluard là một người tài năng thực sự, song cũng là người có lối sống rất dễ chịu. Ông khiêm nhường, luôn nhận lấy khó khăn về mình. Chuyện kể rằng, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II, khi nước Pháp bị Đức phát xít chiếm đóng, Eluard tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào kháng chiến yêu nước. Một người trong phong trào này đã có lần kể lại: Bữa đó, có một người vóc dáng cao lớn lặng lẽ bước đến chỗ ông ta. Sau khi nói mật khẩu và chuyển cho vị khách lạ một bó truyền đơn, vì trời lạnh, ông ta mời vị khách lạ tới ngồi bên bếp để sưởi. Nhìn kỹ người khách, ông ta bất chợt giật mình vì nhận thấy gương mặt đó từng xuất hiện trên một số tờ tạp chí in ra trước thời kỳ chiến tranh. "Ông là một nhà thơ?" - Ông ta hỏi ngay. Người khách (đó chính là Eluard) nhỏ nhẹ đáp: "Vâng". Ông nọ không kìm được nữa, lên tiếng: "Ông không cần liều lĩnh một cách vô ích như vậy. Một người khác có thể làm thay…". Eluard phản đối: "Tại sao lại là người khác. Tất cả chúng ta đều phải liều mình. Vả lại, chạy suốt ngày, các đồng chí khác đã mệt".
Sinh thời, Eluard được xem là người kín đáo, luôn giấu mọi người những buồn bực, ẩn ức riêng tư. Ông nặng lòng với những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, biết yêu và coi tình yêu như một lẽ sống lớn của mình. Trong cuốn "Đường và đường mòn thi ca" - cuốn sách được xem như một bản chúc thư thi ca của Eluard, ông thổ lộ: "Mọi lời tỏ tình đều bao hàm một vinh quang nào đó… Mọi cơn vuốt ve, dù của thân xác hay của ngôn từ đều thiêng liêng… Mọi con người đều phải yêu. Tính tất yếu tuyệt đối đó buộc chúng ta phải ngưỡng vọng mọi hình dạng của tình yêu".
Khi đến với Nusch (người vợ thứ hai của Eluard), Eluard như được tái sinh. Ông đã viết bao vần thơ dâng tặng Nàng Thơ của mình, trong đó có cả bài thơ trứ danh mang tên "Tự do". Từ mối tình này, ông nghĩ tới lẽ thủy chung ở đời: "Đôi ta chỉ có thể sống được nếu chung thủy với nhau tới chót cuộc đời". Tháng 11/1946, Nusch đột ngột qua đời vì chứng chảy máu não. Cái chết của Nusch là một biến cố bi thảm nhất xảy đến với Eluard. Nhà thơ choáng váng, hẫng hụt và trong cơn tuyệt vọng, ông đã nghĩ tới việc tự tử. Nusch mất đi, Eluard thấy cuộc sống đối với mình cũng không còn mấy ý nghĩa. Ông thậm chí đã chối từ cả Huân chương Légion d'honneur do Chính phủ Pháp trao tặng khiến sau này, khi ông qua đời, Chính phủ Pháp đã khước từ việc tổ chức lễ quốc tang cho ông.
Năm 1947, Eluard đã cho xuất bản tập "Le Temps Déborde", trong đó có nhiều bài ông đề tặng Nusch mà ông viết từ trước và sau khi bà qua đời.
Luôn quan tâm tới mọi người, đó là một trong những điểm sáng trong tính cách của Eluard. Và nó thể hiện cả ở những giây phút chót của cuộc đời ông. Bà Dominique, người vợ cuối cùng của Eluard kể lại: Sáng ngày 18/11/1952, như thường lệ, Eluard ngồi đọc báo. Bắt gặp tin cặp vợ chồng Rodelber bị kết án oan uổng ở Mỹ, đã thế tòa lại khước từ việc xử lại, Eluard thốt lên: "Chỉ còn có cách cứu họ…". Mười lăm phút sau ông lên tiếng gọi vợ. Khi bà Dominique trở vào thì trái tim của Eluard đã vĩnh viễn ngừng đập. Ông mất vì một cơn đau tim đột ngột
Theo Lưu Thanh Minh - CAND.com.vn