Thư viện Quốc hội Mỹ đang triển lãm những cuốn sách được các tác giả Mỹ bầu chọn vào danh sách Những cuốn sách định hình nước Mỹ từ ngày 25-6 đến 29-9 tại tòa nhà Thomas Jefferson ở Washington D.C.
Triển lãm này là một phần của hàng loạt chương trình khám phá tầm quan trọng và đa dạng của ảnh hưởng từ sách tới đời sống con người.
Đây không phải là những cuốn sách “tốt nhất” của Mỹ, do người Mỹ viết, dù nhiều cuốn trong số đó được nhìn nhận là đủ tiêu chuẩn như vậy. Danh sách này được chọn và đưa ra để thu hút công chúng đối thoại, thảo luận về ảnh hưởng của sách tới họ ra sao. “Chúng tôi hi vọng người xem sẽ để ý danh sách và đề cử cuốn sách mà họ yêu thích. Chúng tôi cũng hi vọng người dân sẽ đọc, thảo luận về những cuốn sách mang tầm di sản văn chương độc đáo của nước Mỹ mà Thư viện Quốc hội Mỹ đã đem đến cho thế giới”, Thư viện Quốc hội Mỹ thông báo.
Danh sách này rất đa dạng, gồm thơ, tiểu thuyết, sách hiện thực, kịch, phê bình bút chiến, khoa học, ngữ pháp, sách nấu ăn, sách trẻ em. Cuốn sách lâu đời nhất trong danh sách là của Benjamin Franklin, có tên Experiments and observations on electricity (1751). Ông có ba cuốn trong danh sách này. Một số tác phẩm quen thuộc với độc giả VN như Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London (1903), Cuốn theo chiều gió (1936) của Margaret Mitchell, Giết con chim nhại của Harper Lee (1960)... Cuốn sách mới nhất trong danh sách là The words of César Chávez (2002) về nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân.
Thư viện Quốc hội thành lập năm 1800, là thư viện lớn nhất thế giới xét về diện tích và đầu sách. Danh sách chi tiết 88 đầu sách có tại địa chỉ: http://myloc.gov/exhibitions/books-that-shaped-america/pages/objectlist.aspx.
Theo K.L - TT