Nhiều cuộc biểu tình đang nổ ra để chống lại kế hoạch chuyển đổi công năng phim trường huyền thoại của điện ảnh Ý Cinecitta trở thành chuỗi khách sạn và và công viên giải trí. Hơn 200 nghệ sĩ biểu tình theo kiểu “chiếm phố Wall” đã 4 tuần nay và dấu hiệu có vẻ sẽ không dừng lại.
75 năm lịch sử
Bộ phim huyền thoại La Dolce Vita đã quay ở đây, Ben-Hur quay phần lớn tại đây, Quo Vadis cũng ở chỗ này, Cleopatre cũng vậy và mãi tận sau này nhiều phim đình đám của Hollywood như Gangs Of New York vẫn quay phần nhiều tại Cinecitta. Và bây giờ Cinecitta đứng trước tương lai xám xịt.
Cách thành phố Cinecitta không xa, có một hè phố dành cho những truyền thuyết về điện ảnh Italia. Mỗi tấm pa-nô màu vàng ở đây giới thiệu 1 phim, nhà sản xuất hoặc 1 kép chính nào đó. Và giờ chỗ ấy tràn ngập người xuống đường. Họ biểu tình vì dự án trị giá 200 triệu USD của các ông chủ phim trường (và tất nhiên của các nhà băng đang đổ tiền cho vay vào đây) muốn chia nhỏ Cinecitta, trong đó có phần cho một khách sạn 200 phòng, công viên giải trí, bãi đỗ xe và một loạt các nhà hàng cao cấp. Khi phim trường được chia nhỏ để “tách” thì sẽ có nhiều người ra đường, nhiều nghệ sĩ không còn công ăn việc làm và một “thành phố điện ảnh” huyền thoại sẽ mất đi một biểu tượng gần một thế kỷ tồn tại.
Cinecitta ra đời năm 1937 theo lệnh của Mussolini nhằm biến Roma thành một đối trọng với Hollywood và Cinecitta có nhiệm vụ trở thành Fabricca Dei Sogni - “xưởng sản xuất giấc mơ kiểu Ý”. Rất nhiều bộ phim huyền thoại của Ý đã ra đời từ đây. Và quả thật trong trong những năm 1950, công nghiệp điện ảnh Mỹ đã tìm đến đây và biến Cinecitta thành Hollywood - Italia nhưng quan trọng là Cinecitta không bị Hollywood hóa vì vẫn giữ được hương vị rất riêng Italia. Trải qua bao nhiêu bể dâu, những năm 1980 khi tình hình phim ảnh ở Italia hơi khó khăn, một số xưởng phim bị bán đi để duy trì ngân sách nhưng Cinecitta chưa bao giờ mất vị trí biểu tượng của mình.
75 năm sau Cinecitta đang phải đối mặt với chuyện kinh doanh, tiền không còn ào ạt như trước và kinh đô điện ảnh nước Ý đang phải gồng lưng gánh nợ. Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra, nên biến Cinecitta thành một viện bảo tàng điện ảnh khổng lồ hay nên cải tổ và thổi vào đó một luồng gió mới?
Mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ, đã là tuần thứ 4 mà chuyện biểu tình vẫn chưa kết thúc. Một bên là các nghệ sĩ, diễn viên đóng thế, hóa trang, quay phim, phía bên kia là các cổ đông, những ông chủ nhà băng, những người muốn tối đa hóa các khoản đầu tư của họ bằng cách chuyển đổi Cinecitta thành một doanh nghiệp mới để tạo hiệu quả hơn. Những cuộc đàm phán đã diễn ra và thực tế thì câu chuyện cứ đi vòng tròn không có điểm dừng.
Sang trang?
Thật ra chuyện sẽ chẳng đến nỗi tồi tệ đến thế nếu như năm 1997 Cinecitta đang thuộc quyền sở hữu Nhà nước được hóa giá cho tư nhân. Khi tư nhân nắm quyền (mà thật ra là toàn các siêu đại gia thuộc các gia đình quyền lực của Ý mua lại), Cinecitta tưởng chừng có thể trở lại thời hoàng kim trước đó. Năm 2000, đạo diễn Martin Scorsese quay bộ phim Gangs of New York tại đây và điều này là tín hiệu tích cực đầu tiên đưa Cinecitta khởi sắc trở lại. Sau đó có thêm nhiều bộ phim lớn cũng được quay tại đây. Và bây giờ thì Cinecitta trở thành phim trường chính của phim... truyền hình và quay quảng cáo. Hiện giờ mỗi năm ở Ý có gần 100 phim điện ảnh được sản xuất và 90% trong số này được quay ở... chỗ khác mà không phải là Cinecitta.
Người ta không lý giải được vì sao lại có tình trạng vô lý ấy nhưng một người quản lý giấu tên ở Cinecitta nói rằng một phần là giá thành cao, phần khác, là các đạo diễn được “lệnh” phải quay ở chỗ khác để mau chóng làm cho Cinecitta sụp đổ nhằm phục vụ cho những ý định khác.
“Ý định khác” chắc hẳn là ý định tái cơ cấu lại thành phố điện ảnh này và dẫn đến chuyện biểu tình trong suốt 4 tuần qua. Simona Balducci, người chuyên thiết kế trang phục tại Cinecitta đã 15 năm nay nói rằng: “Bằng cách phá vỡ Cinecitta, các công ty nhỏ hơn sẽ có thể thuê và bán các công nhân cho các bên thứ ba với giá rẻ mạt”.
Tuy vậy, phía những người lên kế hoạch tái cấu trúc lại gọi cuộc biểu tình của những nghệ sĩ “là cuộc tấn công không thể chấp nhận được về mặt văn hóa và sẽ làm mất đi linh hồn điện ảnh”. “Chưa bao giờ chúng tôi sẽ làm mất đi linh hồn của Cinecitta”, đạo diễn Ettore Scola, một trong những người ủng hộ cải tổ, cho biết. “Cinecitta là một biểu tượng huyền thoại nhưng dù sao cũng phải có lợi nhuận chứ?”, đạo diễn này vặn ngược. Chính đạo diễn nổi tiếng này đã tập hợp chữ ký của nhiều đạo diễn nổi tiếng trong và ngoài nước Ý để viết kiến nghị cải tổ. Đạo diễn người Pháp Emmanuel Gout cũng đồng tình: “Cinecitta luôn ở lại bên cạnh chúng ta, chỉ có điều khi mà điện ảnh đang thay đổi rất nhiều thì chúng ta không thể khư khư những hoài niệm cũ. Các rạp chiếu ở Ý đang ế khách, ảm đạm và chúng ta muốn đọ sức với Hollywood thì tầm vóc mới của chúng ta cũng phải ngang ngửa họ chứ? Di sản văn hóa là một nguồn tài nguyên nhưng không đơn thuần chỉ là một nơi trú ngụ cho nỗi nhớ”. Nếu dự án cải tổ được thông qua thì vị đạo diễn người Pháp này sẽ là Giám đốc của Cinecitta World, công viên giải trí (dự kiến mở vào 2014 có số vốn 600 triệu USD và được xem là một đối trọng với Universal Studios của Hollywood), một studio khổng lồ được xây dựng trên nền móng của studio cũ De Laurentiis. Sắp tới, theo kế hoạch vừa được công bố, đạo diễn Woody Allen sẽ quay một bộ phim mới có tên To Rome With Love tại studio mới Cinecitta Allestimenti Tematici.
Có vẻ như “cuộc chiến” giữa các nhà cải tổ và các nghệ sĩ không chỉ xoay quanh sự tồn tại của Cinecitta mà còn liên quan đến sự phát triển. Khi sự phát triển đòi hỏi những yếu tố mới hiện đại hơn, khoa học hơn thì sẽ có rất nhiều người không còn khả năng đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật. Và đó cũng có thể là điều quan trọng nhất. Mặc dù lực lượng lao động và giám đốc điều hành của các hãng phim không đồng ý về tương lai của Cinecitta, nhưng phim trường này phải thay đổi sẽ là chuyện phải sớm được triển khai. Karen Pinkus, giáo sư văn học Ý ở Đại học Cornell cho rằng: “Được xem là trung tâm điện ảnh mà chỉ riêng năm 2011 Cinecitta chỉ sản xuất được 8 bộ phim điện ảnh và chương trình truyền hình thì cần phải xem lại càng sớm càng tốt. Năm nay, họ thậm chí quay một show truyền hình của Ý về Tuscany mà lại làm ở... Argentina. Bài toán chi phí cao, nhân lực và mất khách là chuyện sống còn của Cinecitta. Chi phí sản xuất ở các nước Đông Âu như Bulgaria, Romania và Serbia bây giờ thấp hơn nhiều so với mặt bằng ở Cinecitta, đi lại ở các vùng đó cũng chẳng khó khăn gì. Cho dù Cinecitta là một biểu tượng vĩ đại nhưng giờ là thời đại giải trí toàn cầu, Cinecitta phải tỉnh táo nhận ra và thay đổi mình cho hợp hoàn cảnh”.
Vào đêm 19/7, một đám cháy đã bốc lên tại Studio 5, phim trường huyền thoại từng quay những thước phim bất hủ La Dolce Vita. Đám cháy được dập tắt ngay sau đó. Nhưng còn những “đám cháy” khác liệu có được dập tắt trong lòng Cinecitta?
Theo Nguyên Minh - TT&VH