Còn hơn một tháng nữa mới đến mùa công bố giải Nobel 2012, nhưng cũng như mọi năm, cược giải Nobel văn học 2012 đã thực sự khởi động.
Trên bảng cá cược của nhà cái Ladbrokes thời điểm này, niềm hy vọng thắng giải cao nhất được dành cho hai nhà văn châu Á: Haruki Murakami (Nhật, tỷ lệ cược 7/1) và Mạc Ngôn (Trung Quốc, tỷ lệ 12/1). Một nhà văn người Hà Lan, Cees Nooteboom cũng được đặt cược với tỷ lệ ngang Mạc Ngôn. Trong khi đó, Adonis, nhà thơ Syria, người năm ngoái đạt tỷ lệ cá cược rất cao nhưng không may mắn được xướng danh, năm nay lại xuất hiện trong bảng cá cược với tỷ lệ 14/1, “chỉ số hy vọng” ngang với Ko Un, nhà thơ Hàn Quốc và tác giả Ismail Kadare của Albania.
Mặc dù giới cá cược thường căn cứ vào danh sách đề cử, song ít khi tỷ lệ cá cược lại đúng với kết quả thực tế. Nhưng, có thể thấy đây là một kênh đánh giá của giới cờ bạc am hiểu dành cho cho những nhà văn xứng đáng “nằm trong danh sách chờ” Nobel gọi tên.
Trong bảng cược giải Nobel văn học năm nay trên Ladbrokes.com còn có những nhà văn châu Á di dân khác đáng quan tâm như: Chang-Rae Lee, gốc Hàn Quốc, sinh năm 1965, di cư sang Mỹ từ ba tuổi, là một tiểu thuyết gia nổi trội trong dòng văn học di dân; Bei Dao (Bắc Đảo), nhà thơ Trung Quốc đang sống lưu vong tại Mỹ; hay tiểu thuyết gia Kazuo Ishiguro gốc Nhật quốc tịch Anh.
Nobel văn học bị các nhà phê bình Mỹ trực tiếp phê phán là một giải thưởng mang nặng sự độc đoán và tinh thần “dĩ Âu vi trung” vì rất nhiều năm đã cố tình bỏ quên nhiều tên tuổi quan trọng của văn học Mỹ. Và, người đọc theo dõi chuyển động của văn chương đương đại cũng chỉ có thể nhìn thấy những cái tên như: Philip Roth, Don DeLillo, Thomas Pynchon, Cormac McCarthy, Paul Auster, E L Doctorow hay Joyce Carol Oates... xuất hiện trở đi trở lại trên các bảng cá cược với “chỉ số hy vọng” không cao lắm. Nhưng nếu gọi là sự chờ đợi cho một kết thúc có hậu hay tính chất công bằng tuyệt đối với những sự nghiệp xứng đáng ở Nobel văn học thì sẽ là một sai lầm lớn. Danh sách dằng dặc những nhà văn lớn trên văn đàn thế giới hãy còn nối tiếp những Umberto Eco, Claudio Magris (Ý), Enrique Vila-Matas (Tây Ban Nha), Margaret Adwood (Canada), AS Byatt (Anh) hay Yves Bonnefoy, Milan Kundera (Pháp)... Và kéo dài danh sách hơn là những tác gia tầm cỡ đã vì... lý do qua đời, không đợi được hội đồng xét giải Nobel văn học xướng tên mình.
Năm ngoái, ông cụ Tomas Tranströmer, 81 tuổi, người Thuỵ Điển đã phải đến nhận giải Nobel cho sự nghiệp thơ ca của mình trên một chiếc xe lăn.
Hy vọng vẫn cứ là hy vọng. Và trò cá cược đồn đoán sẽ còn tiếp tục.
Người Nhật trong quá khứ từng hai lần được xướng danh tại giải Nobel văn học (Kawabata Yasunari năm 1968 và Kenzaburo Oe năm 1994). Sự nghiệp, độ ảnh hưởng, phổ biến của tác phẩm và danh tiếng của Haruki Murakami xứng đáng để không chỉ nước Nhật mà bạn đọc toàn thế giới chờ đợi tên tuổi ông sẽ được xướng lên tại viện Hàn lâm Thuỵ Điển giữa tháng 10 tới.
Theo Nguyễn Vinh - SGTT