Văn nghệ thế giới
Gustav Klimt: “Họa sĩ của tình yêu & phái đẹp”
08:44 | 12/12/2012

Với bức Adèle Bloch-Bauer I đạt giá kỷ lục 135 triệu USD, danh họa Áo Gustav Klimt là họa sĩ đắt giá nhất thế kỷ XX. Còn với bức Nụ hôn, “tượng đài” bất diệt của tình yêu, Gustav Klimt đã trở thành họa sĩ có tranh “hợp thời nhất, được khao khát nhất” trên thị trường nghệ thuật do Gallery mỹ thuật OverstockArt.com công bố.

Gustav Klimt: “Họa sĩ của tình yêu & phái đẹp”
Bức Adèle Bloch-Bauer đạt giá 135 triệu USD

Dường như những ai quan tâm đến hội họa hẳn đều biết ba bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa thuộc trào lưu cách tân nghệ thuật Vienna (Áo) cuối thế kỷ XIX Gustav Klimt. Nụ hôn là một trong những tác phẩm hội họa hiện đại được nói đến nhiều nhất. Còn hai bức chân dung Klimt vẽ quý bà Adèle Bloch-Bauer III có giá 135 triệu USD và 88 triệu USD, đều nằm trong số những họa phẩm đắt giá nhất của mọi thời.

Trong danh sách mười tác phẩm “hợp thời nhất, được khao khát nhất” trên thị trường nghệ thuật do OverstockArt.com - gallery tranh trên mạng được nhiều người truy cập nhất - công bố gần đây, tranh của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh chiếm nhiều nhất, song tác phẩm đứng đầu danh sách lại là Nụ hôn của danh họa Áo Gustav Klimt. Ông David Sasson, người điều hành gallery OverstockArt.com, nhận xét: “Nụ hôn là bức tranh sơn dầu được nhiều người biết đến nhất trên hành tinh của chúng ta. Và Gustav Klimt đã trở thành ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật hiện đại của thế giới”.

 


Chân dung Hermine Gallia, 1904

Nhìn vào thân thế và sự nghiệp của Gustav Klimt (1862-1919), danh họa có ảnh hưởng lớn trên thế giới này được công chúng biết đến đầu tiên nhờ trang trí công trình mỹ thuật trong bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna. Trên thực tế, mười lăm tuổi Klimt mới bắt đầu học vẽ và chỉ dự định trở thành giáo viên dạy họa, song giáo sư Laufberger đã phát hiện tài năng và hướng Klimt đi theo hội họa. Những năm đầu, Klimt chỉ trang trí sân khấu và bảo tàng ở Vienna, nhưng cũng chính nghề này về sau đã ảnh hưởng không nhỏ đến hội họa của ông. Tranh của ông mang đậm yếu tố trang trí với những mảng màu rực rỡ, thậm chí được dát vàng.

Thời kỳ đầu vẽ tranh, Klimt theo khuynh hướng ấn tượng mới và đây là lúc ông vẽ những tranh phong cảnh đẹp nhất của mình. Thế kỷ XX, Klimt chuyển sang vẽ phụ nữ và tình yêu, thậm chí dường như chỉ vẽ chủ đề này cho tới cuối đời. Đây cũng là chủ đề quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, làm nên một Gustav Klimt bất tử trong lịch sử hội họa hiện đại và có lẽ khiến ông trở thành một trong vài tác giả mỹ thuật được yêu thích nhất.

Các tác phẩm của ông toát lên vẻ thanh lịch, yêu kiều và quyến rũ. Sự sáng tạo trong tranh của ông gần gũi với cả phương Đông lẫn phương Tây. Klimt cũng hòa nhập được giữa cách diễn tả khối và trang trí khái quát thành sự tương phản của cái thật và cái ảo. Trong bức Mãn nguyện (1905), Klimt đã thể hiện rất thành công chiều hướng, hình thể của đôi nam nữ bên nhau, kết hợp với những hình trang trí mang tính ẩn dụ, diễn tả tình cảm của lứa đôi.

Còn trong bức Adèle Bloch-Bauer I (thường gọi là Adèle giàu sang), Klimt đã dùng hầu như khắp tranh toàn vàng, làm nổi bật chân dung một phụ nữ sang trọng, đôi mắt to mơ màng, đôi môi hé mở quyến rũ. Xung quanh bức chân dung, Klimt đã tổ chức chia cắt thành những mảng hình to, nhỏ hài hòa, tạo nên tổng thể sang trọng. Cái siêu phàm của ông là sắp xếp khéo léo những miếng vàng giống nhau tạo cảm giác có hơi nóng, hơi lạnh khác nhau mà vẫn hài hòa. Bức tranh này đã làm xôn xao giới mỹ thuật hồi tháng 6.2006 khi nó bán được với giá cao nhất từ trước đến nay - 135 triệu USD, “hất cẳng” bức tranh cao giá nhất ngự trị từ năm 2004 Chàng trai với chiếc tẩu thuốc (104 triệu USD) của Picasso.

Trong bức tranh Sự sống và cái chết (1916), Klimt sử dụng bố cục đăng đối giả, màu sắc tương phản mạnh nhằm diễn tả sự đối lập của hai trạng thái. Thần chết đang rình rập với cái áo khoác đầy hình những cây thập ác, thật bé nhỏ so với dòng người tràn đầy sức sống, sinh sôi nảy nở, niềm lạc quan thật mạnh mẽ trong con người Klimt.

Tuy nhiên, bức tranh Nụ hôn (1908) mới là “tượng đài” bất diệt của tình yêu. Chưa có bức tranh nào diễn tả tình yêu lại thành công rực rỡ như thế - hạnh phúc lan tỏa khắp không gian tranh, chiếc áo người đàn ông với những hình vuông, chữ nhật, người phụ nữ tìm được điểm tựa say đắm đón nhận tình yêu trong chiếc áo của những hình tròn và xoắn ốc, mặt đất đầy hoa tung hô cho tình yêu đôi lứa. Đường nét quyện vào nhau, màu sắc trang trí tràn ngập và tình cảm nồng nàn. Tính tượng trưng và trang trí đã tạo nên trường phái hội họa thành Vienna. Hiện Nụ hôn đang được trưng bày tại gallery Osterreichische trong cung điện Belvedere ở Vienna. Tác phẩm nổi tiếng này đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Áo, nên vào tháng 11.2003, Ngân hàng Trung ương Áo đã phát hành đồng vàng 100 euro với hình ảnh Nụ hôn.

Do Gustav Klimt được ái mộ, nên những triển lãm tranh của ông thời gian qua bao giờ cũng lôi cuốn một lượng người xem kỷ lục. Lãng mạn và luôn đuổi theo cái đẹp trong tranh, nhưng ngoài đời ông sống rất khép mình. Ông có gia đình hạnh phúc và cũng có những quan hệ tình cảm khác, nhưng bí mật tuyệt đối để tránh những xìcăngđan tình ái, nhất là khi có điều kiện ở cạnh nhiều phụ nữ đẹp. Đặc biệt, Gustav Klimt chưa bao giờ vẽ chân dung mình.

Theo giới phê bình nghệ thuật, những họa phẩm của Gustav Klimt sẽ còn tinh tế và sâu sắc hơn nhiều nếu chúng ta được thưởng thức trong bối cảnh văn hóa thực tại của thủ đô nước Áo.

Theo Công Minh - NDBND

Các bài mới
Các bài đã đăng