Văn nghệ thế giới
Linh hồn Ba Tư trên thành phố hương thơm
14:21 | 02/01/2013

Chưa đến Shiraz và Esfahan thì tức là chưa đến Iran. Nhiều người nói như vậy. Đến Shiraz thì nên đến vào mùa xuân. Đấy là thành phố của hoa hồng và vườn cây, thành phố của hương thơm và họa mi, thành phố của thơ ca và học vấn… Người Ba Tư từ cổ đại đã cho thành phố này nhiều danh xưng như vậy.

Linh hồn Ba Tư trên thành phố hương thơm

Bói Kiều theo kiểu Iran

Ba Tư thời xưa có nhiều nhà thơ nổi danh trên thế giới. Đó là những Omar Khayyam, Saadi, Ferdosi, Rumi, Hafez… Nhưng trong những đại thi hào ấy, chỉ có một người mà dân gian chọn để bói như bói Kiều ở ta: Hafez (1324 - 1389). Thơ của ông đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày trong dân gian, đến mức hình thành một niềm tin rằng thơ Hafez bao trùm mọi khía cạnh đời sống. Cho đến ngày nay, trong nhà người Iran nào cũng có ít nhất hai cuốn sách: kinh Koran và tập thơ Hafez. Thậm chí có người còn đảo ngược trật tự ấy: thơ Hafez và kinh Koran. Người ta có xu hướng lật một trang thơ Hafez, đọc rồi suy đoán tương lai: chuyến đi sắp tới có thành công hay không? Ta sẽ có quý nhân phù trợ hay gặp rủi ro bất trắc? Người thân của ta sẽ sớm trở về hay tương lai còn đang mờ mịt? Tất cả đều có trong ấy, chỉ tùy thuộc vào cách suy đoán và lý giải mà thôi.

 


Lăng thi hào Hafez, mỗi trang thơ đều được đem ra bói

 

Ở lăng Hafez, lúc chiều tà, hệ thống loa văng vẳng giọng đọc thơ Hafez. Du khách Iran đến thăm lăng Hafez như nghi thức viếng thăm một đức thánh. Con vẹt mổ tờ giấy rút quẻ cho du khách. Cũng là một cách đoán vận may. Tôi tìm đến chỗ bói thơ Hafez. Người ta bảo giờ này nghỉ rồi, chúng tôi đã đóng cửa rồi. Nhưng nhìn thấy người ngoại quốc, tính thân thiện và mến khách của người Ba Tư lại nổi lên, ông bói thơ mời tôi vào văn phòng. Thực ra là văn phòng điều hành quần thể lăng. Bây giờ bạn hãy ngẫm nghĩ về tương lai, về hành trình sắp tới, sau đó hãy lật một trang sách bất kỳ.

Tôi lật một trang thơ Hafez. Một bên là trang thơ nguyên bản, một bên là trang giải nghĩa. Một thứ thơ mà người dân có thể thuộc lòng nhưng không phải ai cũng cắt nghĩa được. Tôi giơ máy ảnh chụp lại hai trang sách để kỷ niệm. Ở Tehran, tôi cũng có một tuyển tập thơ Hafez đồ sộ với những bức tranh minh họa theo phong cách tiểu họa Ba Tư, nhưng tất nhiên chưa biết cách lật trang thơ đoán hậu vận (faal-e Hafez), cũng không hiểu nghĩa những câu thơ trong ấy.

Sống trong lòng thế kỷ XIV, một thời loạn lạc, Hafez được nhiều vị hoàng đế trong và ngoài xứ Ba Tư có lời mời làm thi bá của triều đình, nhưng ông đều từ chối, ông không chịu rời khỏi thành phố của thi ca và học vấn. Ông được gọi là người thuộc lòng kinh Koran (Hafez) từ đó mà thành bút danh. Tập thơ nổi tiếng nhất của ông là Diwan-e Hafez, cực kỳ bí ẩn và không thể dịch được, chủ yếu nói về chim họa mi, về men say và hẹn hò với giai nhân.

Mộ của Hafez vốn đã thuộc về mảnh đất này, nhưng phải đến năm 1773 mới được hoàng đế Karim Khan cho xây bằng cẩm thạch, trên đó chạm khắc mấy dòng thơ. Còn cái lăng bát giác mái vòm hiện giờ thì được xây năm 1935, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Nhân tiện nói thêm, hoàng đế Karim Khan chỉ cầm quyền gần ba mươi năm, từ 1750 đến 1779, nhưng ông có công biến thành phố của thi ca và học vấn Shiraz thành kinh đô của Ba Tư. Dưới triều ông, nhiều công trình kiến trúc và mỹ thuật được thực hiện, như thành Karim Khan, giáo đường Nhiếp chính Masjed-e Vakil (Regent’s Mosque). Là người khiêm nhường, ông chỉ tự nhận mình là Nhiếp chính chứ không phải là hoàng đế.

 


Di tích cung điện Apadana, Persepolis

 

Trước Hafez một thế kỷ, Ba Tư có nhà thơ Saadi (1207 - 1291), cũng là một trong những thi hào nổi danh trên thế giới. Ở Việt Nam, hai tập thơ nổi tiếng của ông đã được biết đến qua bản trích dịch là Vườn hồng (Golestan) và Vườn quả (Bustan). Dễ hiểu là trong quần thể lăng của ông có những khu vườn rộng bao quanh. Mùi hoa hồng hoa cúc hoa dạ lan thơm nức. Giống như cả thành phố Shiraz lúc nào cũng có một mùi hương lơ lửng trong không gian. Cuối tháng 4.2012 đang là đầu xuân theo lịch Ba Tư. Mờ sáng, trong vườn khách sạn đã có tiếng chim họa mi và chỉ cần mở cửa sổ ra là hương hoa tràn vào khắp trong phòng.

Lăng Saadi cũng mới được xây lại vào đầu thế kỷ XX, do cùng một kiến trúc sư người Pháp thiết kế lăng Hafez. Sinh thời, Saadi có số phận khá giống Hafez: mồ côi cha từ sớm, phải đi học việc vất vả, rồi được những học giả và thi nhân danh tiếng đương thời dạy dỗ. Thời trẻ trai, ông đi khắp vùng Trung Á, Trung Đông, Tiểu Á, sang cả Ai Cập bên châu Phi. Ông cũng từng sung vào đội quân chiến đấu chống quân Thập Tự Chinh La Mã và trở về thương tích đầy mình. Cũng như Hafez sau này, Saadi đã làm rạng danh thầy dạy bằng cách nổi danh hơn thầy, tiếng vang ra ngoài cõi, sang tận châu Âu và lan ra khắp thế giới.

Tôi ngồi yên một lát trong góc vườn ở lăng Hafez lúc chiều tà, nghe giọng đọc thơ vang vọng khắp vườn, nhìn những đoàn học sinh, đoàn du khách nườm nượp kéo qua trước mặt. Thơ ca đích thực qua nhiều thế kỷ vẫn còn sống động, vẫn còn tham dự vào đời sống.

Linh hồn Ba Tư hiện hữu trên phế tích

Du khách đến Shiraz đều đi tiếp một giờ xe nữa, để đến với di tích thành Persepolis. Khu cung điện, đền đài xây hoàn toàn bằng cẩm thạch, đặc biệt là cẩm thạch trắng ngà, điểm xuyết cẩm thạch màu hồng, màu ngọc bích, ngọc lam. Bắt đầu khởi công từ năm 518 trước Công nguyên, rồi 150 năm sau đó xây bổ sung và hoàn chỉnh. Một kiệt tác, biểu tượng linh hồn và tư tưởng Ba Tư nhưng ở tầm quốc tế về kiến trúc và nghệ thuật. Nghệ nhân từ khắp nơi đã góp vào đó những cột đá trắng phong cách Hy Lạp, những đền đài mang dấu ấn La Mã, phù điêu đắp nổi trên đá phong cách Ba Tư, hòa trộn với màu sắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Tiếng vang khắp bốn cõi. Năm 320 trước Công nguyên, Alexander Đại đế từ xứ Macedonia, sau khi chinh phục Hy Lạp đã đánh đến Ba Tư. Ông đến thành Persepolis này, cho quân binh nghỉ lại hai tháng. Nơi từng là chốn hành lễ Noruz đón chào mùa xuân và đón tiếp sứ thần các nước, bây giờ thành chốn nghỉ chân cho đám binh lính khét tiếng trên toàn cõi. Rượu đổ ra như suối trong hai tháng ấy. Cho đến một ngày, dường như Alexander Đại đế nhớ đến chuyện một thế kỷ rưỡi trước đó, hoàng đế Ba Tư Xerxes đánh sang Hy Lạp và thiêu trụi thành Athens. Rượu đổ ra và lửa bùng lên. Người ta tin rằng Alexander Đại đế đã cố tình đốt thành Persepolis để trả thù cho thành Athens.

 


Phế tích cung điện xưa ở Persepolis

Lối vào chợ Ba Tư ở Shiraz

 

Cả thành Persepolis bằng đá, làm sao mà cháy được? Việc khai quật khu di tích vào những năm 1930 cho thấy lửa đã bùng lên, thiêu đốt những cột đá trong cung Apadana, thiêu đốt một trăm cái cột cẩm thạch của Bách Trụ Cung, làm giầm kèo bằng sắt và chì bị nung chảy. Mái vòm cung điện cứ thế mà sập xuống.

Trước khi thành Persepolis bị đốt, Alexander Đại đế đã vơ vét toàn bộ châu báu trong ngân khố của thành, chất lên ba nghìn con lạc đà, chuyên chở về xứ Macedonia của mình. Ông cũng cho bóc hết những lớp vàng dát lên cột đá, lên những bức phù điêu trên tường, trên các cầu thang. Xứ Ba Tư hồi ấy nổi tiếng nhiều vàng bạc châu báu, giàu sang bậc nhất dưới gầm trời.

Bây giờ di tích Persepolis là một trong những điểm du lịch đông đúc quanh năm của Iran. Chúng tôi đến thăm thành vào ngày 30.4.2012. Người chen chúc đi lên những bậc thang rất rộng và rất thấp, nghe nói rằng ngày xưa thiết kế bậc thang thấp như vậy để các bậc đế vương, các sứ thần áo choàng dài có thể thong dong đĩnh đạc mà bước lên. Trên các cổng vòm, các sườn cầu thang vẫn còn những bức chạm khắc trên đá, miêu tả hoàng đế Xerxes ngồi trên ngai, hoàng thái tử Darius, sau này cũng là một đại đế, đang đứng chầu đằng sau. Những bức phù điêu hoành tráng hiện diện sứ thần của hai mươi tám nước chư hầu, từ xứ Ethiopia đến Thổ Nhĩ Kỳ, Syria… trang phục, kiểu tóc và những cống vật đặc trưng. Phía trên những cổng đá là hình linh hồn con người theo quan niệm Hỏa giáo, tôn giáo thờ lửa là quốc giáo thời ấy: linh hồn con người bay lên thiên đường trong hình hài một ông già - biểu tượng của sự uyên áo. Ông già mang một đôi cánh có ba lớp lông vũ - biểu tượng cho tam bảo của Hỏa giáo: ý nghĩ, lời nói, hành động, cả ba đều phải có tính thiện. Ông già này cũng có hai cái đuôi - biểu tượng cái thiện và cái ác trong cùng một linh hồn.

 


Thành cổ Karim Khan ở Shiraz

 

Cung điện một trăm cột đá giờ chỉ còn những cái bệ cẩm thạch, bên cạnh lăn lóc những mảnh vỡ thân cột vốn cao ngất. Ở lối cổng Toàn xứ Môn (Gate of All Nations) vẫn còn ba cái cột đá cao gần hai chục mét, trên đỉnh vốn là pho tượng những con vật đầu chim, mình sư tử. Gần đó là những con bò có đôi cánh thanh thoát đang bay lên, những sphinx đầu người mình sư tử…

Chỉ còn là một khu di tích, nhưng sự hoành tráng của đống đổ nát vẫn đủ tạo nên một cảm xúc mạnh mẽ tuyệt vời. Bằng chứng vẫn còn sống động bày ra đấy: sự oai hùng một thời, sự giàu sang một thời, sự đa dạng văn minh một thời của đế chế Ba Tư, vốn trải rộng bao trùm khắp vùng Trung Đông, vùng Tiểu Á và sang cả một phần châu Phi ngày nay.

___________

(Rút từ cuốn Họ trở thành nhân vật của tôi, NXB Trẻ tháng 9.2012)

Theo Hồ Anh Thái - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng