Văn nghệ thế giới
CARVER VỚI NHỮNG DIỄN NGÔN THẦM THÌ
10:18 | 22/03/2013

Tác giả bài báo này, Jay Mclnerney,nhà tiểu thuyết gia và nhà biên kịch điện ảnh Mỹ, một trong những người sáng lập nhóm văn chương  Brat Pack . Ông đã theo học sáng tác văn chương với Raymond Carver trong nhiều năm sau đó về  làm việc tại tờ tạp chí văn chương nổi tiếng The New Yorker trước khi trở thành nhà văn tự do.Hiện ông sống tại New York cùng với gia đình.

 

CARVER VỚI NHỮNG DIỄN NGÔN THẦM THÌ

Hình ảnh luôn trở đi trở lại trong tâm trí tôi khi nghĩ về Raymond Carver đó là hình ảnh của một người đang đứng (hay ngồi) nói chuyện với ông, họ luôn phải nghiêng mình, ghé tai về phía trước trong một cố gắng điên cuồng để có thể nắm bắt được những gì ông nói.T.S Eliot trước đây khi mô tả về Ezta Pound, người thầy tinh thần của mình đã ví Pound “ như một người đang cố gắng giải thích cho một kẻ điếc nặng hiểu được rằng ngôi nhà họ mà đang có mặt trong đó đang bốc cháy dữ dội”.Ứng xử của Carver chính xác là những gì ngược lại hoàn toàn với Pound.Căn phòng phải sặc sụa khói và tấm thảm dưới chân phải bén lửa cháy rừng rực mới có thể khiến ông thầm thì nói : “ Thưa…, ông có cảm thấy không khí ở đây có chút gì nóng hơn bình thường không nhỉ?”. Và người đối thoại, đang ngồi ở chiếc ghế phô tơi đối diện, cúi gập người về phía ông để cố nghe được những lời thì thầm của ông: “ Xin lỗi Ray..Ông nói gì tôi không nghe rõ..”.Với một thói quen không bao giờ nhấn mạnh, rất hiếm khi khẳng định rành rọt một điều gì, người ta sẽ rất khó khăn khi hình dung ra ông khi đứng trên bục giảng của trường đại học...

 

 

Từ những tiệc rượu tưng bừng cho đến cơn nghiện ngập mỗi ngày.

 

Việc được tiếp xúc với những sáng tác của Carver vào những năm 70 (của thế kỷ XX) , đối với nhiều nhà văn của thế hệ chúng tôi đã giống như là một cú sốc, tương tự như cú sốc xẩy ra hơn nửa thế kỷ trước khi người ta biết đến những câu văn ngắn gọn mang đậm phong cách báo chí của Hemingway: Cùng một sự đơn giản, cùng một sự sáng sủa, cùng những cách thức nhắc lại hay nhấn mạnh, cùng nhịp điệu rất gần gũi với nhịp điệu của văn nói, cùng một thứ chính xác trong những mô tả của khoa học.Nhưng ở Carver không còn chút dấu tích gì của một thứ dấu ấn cá nhân cuồng nhiệt giống như một chiếc áo khoác đã lỗi thời mà rất nhiều nhà văn trong nửa sau của thế kỷ XX đã vụng về khoác lên mình trong một sự cố gắng bắt chước cho được Hemingway. Những quán cà phê, những quán trọ, các chiến trường nồng nặc khói súng của lục địa Châu Âu giờ đây đã nhường chỗ cho những  khu camping với những ngôi nhà di động của tầng lớp nghèo khó, những khu đô thị mới, những nghề nghiệp với những công việc thảm hại không mang lại một chút hy vọng gì cho tương lai.Trong những truyện ngắn của Carver, các nhân vật như những con cá nhỏ bơi trong các khe suối và dần biến dạng đi thành những con quỷ hút máu, sự biến dạng gây nên bởi tình trạng ô nhiễm gia tăng dần. Những chai vang vùng nông thôn được thay thế bởi rượu gin rẻ tiền. Những tiệc rượu tưng bừng hào hứng lúc ban đầu nhanh chóng dẫn tới cái trạng thái u mê trì độn của một kẻ nghiện ngập với thói quen nốc rượu hàng ngày.Một số nhà bình luận đã cho rằng các truyện ngắn của Carver làm người đọc cảm thấy bi quan hay yếm thế, nhưng với rất nhiều nhà văn trẻ, ông là người mở lối tự do.Cái mà Carver nói với chúng ta ( kẻ cả với những ai chưa từng đặt chân tới một xưởng cưa hay một bãi của những chiếc caravane – những chiếc nhà di động dành cho tầng lớp dân nghèo) đó là việc người ta có thể tạo ra văn chương bằng cách quan sát chăm chú cuộc sông, nơi chốn và phương cách mà cuộc sống đã trôi đi..Đôi khi truyện ngắn của ông chỉ bắt đầu bằng sự kiện  một chai nước ép cà chua nhãn Heinz được đặt trên bàn và tiếng nhạc trong chiếc máy thu hình ở cuối phòng đột nhiên tắt lịm.Trong cái thời đại mà thể loại “văn chương hậu hiện đại” , được định danh và cổ súy bởi giới đại học và giới hàn lâm,  đang cố chiếm lấy ngôi độc tôn thì những sáng tác của Carver quả là một tín điều, một sự “ cao cả” mới trong văn chương. Những sáng tác của Carver không chỉ như một ví dụ về việc đổi mới cho thể loại truyện ngắn, nó còn cấp cho chúng ta một cái nhìn chặt chẽ và nghiêm túc về một hiện thực Mỹ.

 

Một niềm đam mê với Tchekhov và Tourgueniev

 

Dẫu rằng ông đã dành một phần đời rất dài để giảng dậy văn hoc, nhưng Carver chẳng bao giờ tìm cách quy tụ một nhóm các môn đệ / đệ tử xung quanh mình, trái lại ông không nhận ra rằng ông đã đào tạo ra rất nhiều những “ đối thủ” cạnh tranh với ông.Vào cuối những năm 1970 , đầu những năm 1980 thời kỳ mà tôi đang bay lượn giữa các trường đại học và những nhà xuất bản ở New-York, Carver chưa hề là nhà văn được nhắc tới nhiều nhất ( và được bắt chước nhiều nhất ) trong số các nhà văn hay xuất hiện ở những buổi đọc sách trước công chúng  hay những buổi gập gỡ của giới văn chương.Nhưng dần dần qua những tác phẩm,chân dung ông đã hiện ra rõ nét như một tác giả truyện ngắn đã gây ra một sự hứng khởi hiếm thấy trong cái thế giới văn chương nhỏ bé, sự hứng khỏi mà lâu lắm rồi mới lại xuất hiện kể từ những năm 1960 với sự ra mắt các tác phẩm của Donald Barthelme.

 

Bị khuất phục hoàn toàn bởi vẻ đẹp văn chương của Carver ngay lần đầu tiên khi đọc tập truyện ngắn Xin lỗi, em có thể im đi được không ( cuốn sách thu hút tôi ngay từ cái tít của nó), vài năm sau tôi có may mắn được làm quen với ông rồi sau đó tham dự các bài giảng của ông ở trường đại học Syracuse vào đầu những năm 1980. Dẫu rằng ngay từ thời đó đã xuất hiện rất nhiều các trại sáng tác,một loại  xưởng sản xuất văn chương gắn với các trường đại học ( ngày nay các trại sáng tác loại đó có thể đếm ở con số hàng ngàn),cho tới tận hôm nay cũng không ai có thể trả lời một cách thuyết phục cho câu hỏi rằng người ta thực sự có thể dậy hay không thể dậy viết văn. Quả thực Faukner và Fitzgerald đã không bao giờ kết thúc được việc học hành của họ,  nhưng đó không thể xem là một luận cứ để phủ nhận khả năng dậy viết văn…Carver đích thực là một sản phẩm của hệ thống này. Ông đã học viết văn tại cái trại sáng tác nổi tiếng mang tên Writer Workshop của đại học Iowa và đại học Stanford và sau đó việc dậy viết văn trở thành nghề kiếm sống của ông.

 

Ông giảng dậy chỉ vì ông cần phải làm việc đó. Thực sự ông không thấy thoải mái với vai trò của một giáo sư. Đó chỉ là một công việc để kiếm sống, đành rằng công việc này bớt gò bó hơn so với những việc mà ông đã làm trước đây: Công nhân trong một xưởng cưa, người gác đêm trong bệnh viện, nhân viên trạm xăng, hầu bàn, nhân viên của hàng phô tô, Ông cũng thấy bằng lòng với việc được hoạt động trong một nghề nghiệp tao nhã và lịch sự như vậy, nhưng thực sự ông vẫn không giải thích được tại sao một cá nhân lại có đủ tư cách để giảng dậy, để “ lên lớp” người khác chỉ vì anh ta có một chút năng khiếu viết lách..Hơn thế nữa, Carver là một con người rất nhút nhát, những ngày ông có giờ dậy, ông cũng bồn chồn lo lắng như một sinh viên sắp phải trải qua kỳ thi cuối năm. Giống như các nhà văn khác khi tham gia giảng dậy trong trường đại học, Ray được giao đảm nhiệm một giáo trình về tiếng Anh cộng thêm một giáo trình về “ sáng tác văn học”. Một trong những chuyên đề mà ông được phân dậy mặc dù trong thâm tâm ông không hề muốn , đó là chuyên đề nằm trong khuôn khổ các giáo trình giai đoạn 2 của trường đại học, giáo trình mang tên gọi: “ Các dạng và các lý thuyết về truyện ngắn”. Phương pháp giảng dậy của Ray là giao sinh viên mỗi tuần phải đọc một tuyển tập truyện ngắn được lựa chọn, ở đó xen kẽ và hòa trộn các tác giả đương đại và những tác giả của thế kỷ XIX, không bỏ qua các tác giả nước ngoài. Sau khi đọc xong, chúng tôi, những người tham gia khóa học, sẽ thảo luận về chúng trong hai giờ.Ann Beattie, Flannery O’Connor,Tchekhov, Maupassant, Frank O’Connor, John Cheever, Mary Robinson, Tourgueniev, và rồi lại Tchekhov ( ông có một niềm say mê thực sự với những tác gia Nga thế kỷ XIX ). Ray luôn bắt đầu bài giảng của mình bằng câu hỏi đại loại như “ Thế nào các bạn trẻ, các bạn  hài lòng với Eudora Welty chứ ? ”.Ông thích lắng nghe chúng tôi hơn là đóng vai trò diễn giả, nhưng ông cũng không ngần ngại đọc các trích đoạn yêu thích và giải thích cho chúng tôi biết những gì đã gây cho ông ấn tượng và lưu giữ mãi trong tim ông. Ông tập trung vào các chi tiết, không bao giờ đi lan man hay lạc lối quá xa văn bản, đôi lúc khi ông nói với chúng tôi về những cảm xúc nẩy sinh trong ông khi đọc những tác phẩm này, khuôn mặt ông trở nên rất xa vời..

 

Có một lần khi tôi trách ông đã quá khoan dung với một sinh viên mà với tôi, những kết quả học hành của anh ta quá ư là tồi tệ. Ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông vừa tham gia vào một hội đồng chấm giải văn chương rất nổi tiếng. Người được giải trước đó đã có những tác phẩm được đánh giá rất cao bởi dòng thác những lời ngợi ca trên báo chí, tác phẩm lần này của anh ta đã được bình chọn với số phiếu nhất trí tuyệt đối. Điều đáng nói ở đây là anh ta đã từng là một sinh viên của ông, một sinh viên rất kém cỏi, trường hợp tuyệt vọng nhất mà ông đã gập trong hai mươi năm dậy học của mình. “ Vậy nếu hai mươi năm trước tôi đã làm anh ta nhụt chí bằng những lời chỉ trích của mình thì chuyện gì sẽ xẩy ra hôm nay”.Với ông , đỉnh cao của việc phê bình đó là nhấn mạnh với một ai đó: “ Vậy là bạn đã hoàn thành xong truyện ngắn này, giờ đây bạn đã bỏ nó lại phía sau lưng, theo tôi đó là một điều rất tốt, rất tốt..”.Tôi nghĩ rằng ông muốn ám chỉ tới những vùng đất mà chúng ta bắt buộc phải đi qua trước khi leo lên tới đỉnh vinh quang. Trong các đoạn đối thoại của Platon, người ta thấy cái cách Socrate liên tục hạ mình có một cái gì đó mang chút tính toán..Nhưng sự khiêm nhường, thậm chí là nhún nhường của Ray là không hề giả dối, nó sâu sắc và không chút ẩn ý. Đó chính là khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất trong nhân cách của ông. Khi ông mời một sinh viên bầy tỏ ý kiến, ông thực sự mong muốn được biết đến ý kiến đó. Đó là một phong cách sư phạm không quá phổ biến nhưng thực sự nó rất khích lệ những sinh viên của ông. Về phần mình ông luôn bầy tỏ những ý kiến cá nhân với một sự thận trọng hiếm có và người nghe luôn cảm thấy ông đã cân nhắc rất kỹ và rất chín khi phát biểu.

 

Dẫu rằng chưa bao giờ ông thực sự thấy thoải mái với vai trò người giảng dậy việc sáng tác văn chương, Raymond Carver vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của rất nhiều những sinh viên đã theo học ông.Việc may mắn có được ông làm thầy đã thay đổi căn bản cuộc đời tôi, một sự thay đổi không thể đảo ngược được.Và tôi sẽ không bao giờ tìm được những hình ảnh chính xác hơn để nói về điều này : giờ đây tôi tiếp tục hướng về ông, cúi sát hơn nữa để cố nắm bắt cho được những tiếng thầm thì của ông.

 

Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp : “ Carver à mots couverts “ . Tác giả Jay

Mclnerney. Bài đăng trên tạp chí Le Magazine LittéraireTháng 9 năm 2010.Bản dich đăng báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 24/3/2013. Phiên bản điện tử phongdiep.net

Các bài mới
Các bài đã đăng