Văn nghệ thế giới
Nobel văn học: Không nhất thiết phải là anh hùng
10:09 | 01/10/2013

Nina Sabolik* (Mỹ, gốc Macedonia)

Tôi phải ghét Ismail Kadare. Tôi nên ghét ông ta vì tôi là người Macedonia, còn Kadare là người Albania. Hai dân tộc chúng tôi đã là kẻ thù trong nhiều thế kỷ, thậm chí còn đi đến chiến tranh, nhất là trong khoảng một chục năm trước đây.

Nobel văn học: Không nhất thiết phải là anh hùng

Tôi nên ghét Kadare vì ông ấy là người duy nhất từ chối ký tên vào đơn yêu cầu công nhận Macedonia tại một cuộc họp gần đây của Trung tâm Văn bút quốc tế ở Bled, Slovenia, trong khi tất cả các thành viên PEN tầm tuổi ông ấy đều không từ chối, và trong số đó cũng có cả năm nhà văn Albania khác. Tôi phải ghét Ismail Kadare vì ông ta đã cộng tác với chế độ độc tài Enver Hoxha (lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Albania), cũng không phản đối sự tàn ác của chính quyền Nam Tư (hậu Tito), những người đã tàn phá gia đình tôi suốt ba thế hệ. Tuy nhiên, sau khi đọc tiểu thuyết và những câu chuyện của Kadare, tôi không thể nào tiếp tục ghét ông ấy được nữa. Không chỉ thế, tôi còn muốn đề cử Ismail Kadare cho Giải Nobel văn học năm 2013. Hãy để tôi giải thích lý do tại sao.

 

Ismail Kadare sinh năm 1936, tại Gjirokaster, một thị trấn cổ tích của vùng núi miền Nam Albania, cái nôi cho những tác phẩm của nhà văn này ra đời, bao gồm cả Cuộc vây hãm (The Siege – 2008). Và, nơi mà Kadare sinh ra cũng là quê hương của nhà độc tài Enver Hoxha. Đồng thời, Kadare cũng là một thành viên quốc hội của chế độ Hoxha trong suốt 15 năm trước khi tị nạn tại Pháp vào năm 1990.  Ông còn là Chủ tịch của một Viện văn hóa được giám sát bởi vợ của nhà độc tài, bà Nexhmije Hoxha. Bên cạnh đó, Kadare đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết có tên là Mùa đông tuyệt vời (The great winter) như một khải hoàn ca để ca ngợi nhà lãnh đạo Albania, Enver Hoxha, người đã tuyên bố kiên quyết giữ vững lập trường bảo thủ từ giữa thập niên 1970 trở đi, kể cả khi đã tuyệt giao với chủ nghĩa Mao Trạch Đông trong giai đoạn 1976–1978.

 

Rất nhiều những cuốn sách của Ismail Kadare đã bị cấm trong 30 năm qua, vì ông là một nhà văn cộng sản Albania. Trong số đó, có cả cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông, Cung điện của những giấc mơ (The Palace of Dreams – 1990), viết về sự tồn tại song song giữa chế độ Hoxha và một quốc gia hư cấu. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, song, tài văn của Kadare không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh mẽ trong một đất nước mà ngay cả nhà văn cũng thường xuyên bị lưu đày, giam cầm hay kết án.

 

Khi đọc xong Cuộc vây hãm của Kadare, tôi đã thấy hình ảnh của dân tộc tôi trong đó. Nó là sự trộn lẫn giữa đường lối cứng rắn, các tầng lớp lao động, xã hội chủ nghĩa, tự do tư sản, chính sách bảo thủ, đời sống chính trị,… và Kadare không hề xác định một ranh giới rõ ràng nào giữa cái “xấu” và cái “tốt”. Thay vào đó, ông đã sử dụng ống kính của lịch sử để hiện thị và xây dựng các bất đồng quan điểm chính trị nói chung. Câu chuyện về sự đụng độ giữa quân đội Ottoman và kẻ thù Albania trong cuốn tiểu thuyết đã được các nhà phê bình đương đại biến thành một câu chuyện thời sự. Cuộc vây hãm là một câu chuyện ngụ ngôn ẩn trong một câu chuyện ngụ ngôn. Nó thể hiện sự mâu thuẫn nội tâm của Kadare. Trái tim của Cuộc vây hãm không chỉ là những phê phán đối với sự độc tài của Hoxha mà còn phản ánh về một nền văn hóa đại diện cho lịch sử.

Một nhà văn cộng sản Albania cũng giống như một nhà biên niên sử trong thời đại của Đế quốc Ottoman vậy. Chân dung của Tursun Pasha, vị tướng chỉ huy của quân đội Ottoman và Enver Hoxha cũng như các nhà độc tài quân sự khác ở khắp mọi nơi trong Cuộc vây hãm. “Đêm mang thai và ông nằm trong bụng của nó, chỉ một mình ông”, là một ví dụ. Đó là cách mà nhà biên niên sử này mô tả trạng thái cảm xúc của Pasha trước cuộc bao vây. Xét cho cùng, ông ta cũng chỉ là một nhân vật hỗn loạn trong những năm cuối đời, cảm thấy bị nghiền nát bởi những lo lắng về sự nghiệp quân sự cũng như sức nặng của công việc lẫn sức mạnh của các cá nhân mà ông đã đề bạt. Với những nghi kỵ, toan tính ấy, Tursun Pasha phải đối mặt với tất cả sự khắc nghiệt của đời người. Ông ta đã sống trung thành như một tên đầy tớ và bây giờ, một đế chế mới sắp ra đời. Với Tursun Pasha, điều này thật sự rất tàn nhẫn. Mặt trời đã lên sau những lời cầu nguyện, chân trời đỏ rực như báo trước một cuộc bao vây đẫm máu và cái chết cũng đang đến gần. Có thể thấy rằng, “đêm mang thai” của tác giả biểu thị cho nhiều mục đích khác nhau. Nó là biểu tượng của sự xung đột nội tâm của một con người không thể thoát ra khỏi sức nặng của lịch sử, của sự cai trị từ một đế chế khổng lồ, và cả hình bóng nặng nề của Stalin nữa. Sức mạnh đó đè bẹp Tursun Pasha, buộc ông ta phải tự tử vào cuối cuộc vây hãm để tự giải thoát chính mình. Cái chết trở thành một cái gì đó đại diện cho nơi này, “một nơi thật sự nằm ngoài tầm kiểm soát của pháp luật, bên ngoài thế giới và đế quốc”.

 

Không dừng lại ở đó, Kadare còn ẩn trong Cuộc vây hãm sự phê phán đối với ý tưởng tước quyền của Hoxha. Ông cho rằng, ý tưởng này tạo nên sự mục nát và ăn mòn quốc gia, tạo nên những thương tổn từ sâu bên trong và dần lan ra ngoài dẫn đến sự xuất hiện của cái ác. Kadare còn cho rằng, ý tưởng tước quyền của Hoxha có khả năng phá vỡ một quốc gia còn mạnh hơn cả chiến tranh. “Bạn không thể gọi một quốc gia là kẻ chinh phục cho đến khi nó đã chinh phục được cả thiên đàng của nó”. Quân đội Ottoman hùng mạnh đã thất bại trong cuộc cách mạng đẫm máu. Nó không thể phá vỡ được pháo đài Albania bằng vũ lực bởi vì pháo đài ấy được xây dựng từ trái tim và ý chí của người dân. Nối tiếp ý nghĩa này từ Cuộc vây hãm, Kadare tiếp tục một tiểu thuyết khác có tên là Tai nạn (The Accident) vào năm 2010, để bóc trần những ảnh hưởng tham nhũng từ phương Tây đã bóp méo chủ nghĩa hậu cộng sản tại Đông Nam châu Âu. Kẻ thù trong Tai nạn không chỉ là nhà độc tài, mà còn có cả những tư tưởng của phương Tây nhân danh quyền tự do. Tất cả chúng đã phá hủy cốt lõi đạo đức của chủ nghĩa hậu cộng sản Albania.

Kadare khác với các tác giả bất đồng chính kiến từ các chế độ khác ở chỗ, ông không nhìn thấy một ánh sáng nào ở cuối đường hầm của lịch sử. Nói một cách khác, Kadare không có cách nào để thoát ra khỏi chu kỳ vĩnh cửu của xung đột và hòa giải. Cho nên, các cuộc chiến vẫn tiếp tục, dưới nhiều dạng khác nhau. Không có sự cứu rỗi ở phía bên kia đường biên, cũng không có một cuộc cánh mạng cao quý ở đầu chiến tuyến. Với Kadare, cách duy nhất để chống lại một chế độ độc tài, dù dưới hình thức nào, là phá hủy nó từ sâu bên trong. Lưu vong chỉ là một niềm tin ngây thơ về hạnh phúc ở một nơi khác. Vai trò của một nhà văn không phải là lựa chọn phe phái nào, hay phục vụ cho một bên nào. Nhà văn phải là những người tham gia một cách chân thành, phê bình thấu đáo và cuối cùng là luôn hướng về nhân loại.

 

Tất cả các phản đối đối với đề cử Kadare cho giải Nobel năm nay xuất phát từ một nguồn duy nhất. Đó là sự bất lực của khán giả phương Tây đối với tính địa phương của một nền văn hóa rất riêng và Kadare không phải là một nhà văn nằm trong khuôn mẫu văn học thế giới. Giống như James English đã mô tả, đó là một sự pha trộn đa văn hóa tại một địa phương có phong vị riêng.

 

Nguyên nhân phản đối đầu tiên là vì cho rằng, Kadare không đủ sự bất đồng chính kiến và ông cũng đã hợp tác với chế độ Hoxha. Thực tế, đây chỉ là một sự lợi dụng thông thường, hời hợt của phương Tây về sự bất đồng chính kiến, luôn cho chống cộng mới là số một. Họ chỉ thích một cái diễn biến là chống cộng, sau đó di cư đến Tây phương và kết thúc là một cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc tại nơi này. Trong khi đó, Kadare thuộc về đám đông vô hình, ông chống lại chế độ độc tài từ bên trong, và đó thực sự là một kỳ công, khó khăn hơn nhiều so với việc làm một anh hùng. Kadare đã sống sót trong hơn 40 năm qua, xuất bản lặng lẽ nhưng không hề thiếu sức mạnh ngay dưới mũi của nhà độc tài Enver Hohxa. Điều này cũng có nghĩa, ông đã làm được nhiều hơn so với việc trở thành một anh hùng, kẻ cố chết dưới sự đàn áp rồi công bố những câu chuyện chống chế độ từ đâu đó, đặc biệt trên thiên đường.

 

Sự phản đối thứ hai đến từ khẩu vị của văn học phương Tây. Nhà phê bình của tờ The New Yorker, James Wood, đã nhận xét về cuốn tiểu thuyết mới nhất của Kadare, Tai nạn, rằng: nó là một dự phòng và khá mạnh mẽ, nhưng cũng bởi vì sự dự phòng mà cái sườn của câu chuyện là ẩn dụ. Thông qua câu chuyện ngụ ngôn này, ý nghĩa hiển thị trong sự đau đớn. Wood cho rằng, cách trình bày của Kadare là “một câu chuyện ngụ ngôn mới về con mồi và sự bỏ tù của chế độ độc tài hậu cộng sản”. Kadare đã dám tấn công những tư tưởng thiêng liêng nhất của tất cả các đế quốc phương Tây là quyền tự do. Ông thậm chí còn khẳng định rằng, sự tự do mà phương Tây tạo ra sau khi tàn phá chủ nghĩa cộng sản thậm chí còn tồi tệ hơn cả bản thân sự độc tài mạo danh cộng sản. Đó cũng là lý do mà báo chí phương Tây rất ngại Kadare. Ông không tấn công trực diện mà luôn có những cách để lặng lẽ phủ nhận đối phương từ sâu trong tiềm thức. Đó là một cách tấn công yên tĩnh nhưng vô cùng tinh tế. Cho nên, vấn đề ở đây, trong sự phản đối này, không liên quan gì đến giá trị văn học. Nó chỉ đơn thuần là một cuộc đụng độ về tư tưởng mà thôi.

 

Sự phản đối cuối cùng được lặp lại bởi tờ New York Sun từ năm 2005, là quá khó để dịch tác phẩm của Kadare. Tác phẩm của ông, bắt nguồn từ đất nước của ông, và mang hơi hướng của vùng núi miền Nam Albania, quá xa lạ đối với khán giả phương Tây. Các chủ đề trong đó là những biểu tượng về đế quốc cũ và mới, những câu hỏi lịch sử và ý nghĩa lịch sử, niềm tin, sự kiên trì, thời gian và ranh giới. Bối cảnh của các câu chuyện không chỉ là Albania tại các thời điểm lịch sử khác nhau, nó còn là chính bối cảnh của chúng ta, những người đọc, và thế giới mà chúng ta đang tạo ra trong tâm trí của mỗi người. Ngôn ngữ của Kadare thật sự rất riêng, quá khó khăn để có thể giữ lại được sự thơ mộng và sáng tạo của nó trong quá trình dịch. Việc dịch văn học luôn đòi hỏi một sự nỗ lực tuyệt vời của trí tuệ và sự đồng cảm với tác giả. Nhưng, từ bỏ một nhà văn chỉ vì khó để hiểu và dịch tác phẩm của ông ta, thì rõ đơn thuần là một sự lười biếng, chưa kể là còn gây thiệt hại không thể tha thứ vì đã làm mất mát đi của nhân loại một báu vật vô giá.

Cuối cùng, tôi muốn đặt một câu hỏi. Có phải giải thưởng văn chương thế giới ngày nay đang hướng theo những gì được gọi tên là chủ nghĩa lý tưởng hoặc một “tác phẩm văn chương theo hướng lý tưởng”? Lý tưởng không phải là những người sống trong tháp ngà, nhìn ra thế giới qua một ô cửa bé tẹo, thấy bầu trời và cây lá xanh tươi rồi tự mình nhận định rằng, thế giới thật yên tĩnh, thanh bình và hạnh phúc. Lý tưởng thường khá cáu kỉnh, đôi khi còn rất thù địch. Đối với họ, một bầu trời xanh biếc không phải luôn tương ứng với một tương lai tươi sáng. Nói một cách khác, họ đang sống với hiện tại. Kadare không chọn cách nổi tiếng bằng việc chà đạp lên quá khứ của chủ nghĩa cộng sản mắc lưới độc tài, cũng không củng cố danh tiếng của mình bằng cách chỉ trích những người cộng sản khác. Thay vào đó, ông đã chọn cách để nói về những gì khó chịu nhất, luôn lẩn quất trong cuộc sống hiện đại này, đặt ra các câu hỏi mà không hề trả lời, buộc chúng ta phải nhìn lại chính mình. Tôi cho rằng, đây mới chính là chủ nghĩa lý tưởng. Và đây cũng chính là lý do tại sao Ismail Kadare nên là người chiến thắng trong giải thưởng Nobel Văn học năm 2013.

Vũ Nam (Lược dịch theo Worldliteraturetoday.org)

-------

*Nina Sabolik là một nghiên cứu sinh ngành Văn học Anh, tại Đại học Arizona State (Mỹ). Hiện tại, cô đang chuẩn bị luận án với chủ đề: Tác động của nhập cư với chủ nghĩa dân tộc trong các tác phẩm của các nhà văn di dân đương đại Nam Tư ở Tây Âu và Hoa Kỳ.

                                                                             (Văn nghệ số 38/2013)

                                                                            phiên bản điện tử PhongDiep.net

 

Các bài mới
Các bài đã đăng