Văn nghệ thế giới
Sẽ trục vớt quả chuông chìm dưới sông hơn 400 năm
15:44 | 18/11/2013

Ông Khin Shwe, doanh nhân kiêm chính khách cao cấp của Myanmar nói rằng ông dự tính sẽ quyết tâm trục vớt quả chuông khổng lồ Dhammazedi chìm dưới lòng sông Yangon dù chi phí dự án, theo ước tính của các chuyên gia nước ngoài, có thể lên đến 10 triệu USD.

Sẽ trục vớt quả chuông chìm dưới sông hơn 400 năm
Tranh vẽ chùa Vàng và chuông Dhammazedi

Trao đổi với phóng viên tờ Irrawaddy, ông Zay Thiha, con trai của ông Khin Shwe, cho biết gia đình ông sẽ tài trợ trọn gói 100% chi phí trục vớt chuông. Nếu trục vớt thành công, quả chuông sẽ được trao trả về chùa Vàng (chùa Shwe Dagon), nơi nó đã bị đánh cắp cách đây hơn 400 năm.

Chuông Dhammazedi được cho là quả chuông lớn nhất thế giới đã chìm dưới lòng sông Yangon hơn 400 năm. Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay, đã có nhiều dự án trục vớt của cá nhân và chính phủ nhưng chưa thành công.

Vua Dhammazedi (1409-1492), vị vua người Mon sáng suốt, mộ đạo và nổi tiếng trong lịch sử Myanmar, thuộc triều đại Hanthawaddy (đóng đô ở cố đô Pegu, nay là thành phố Bago) vốn là một Tăng sĩ Phật giáo. Ông làm cố vấn cho triều đình và theo lời mời của hoàng hậu Shin Sawbu, ông hoàn tục, được hoàng hậu gã công chúa và truyền ngôi vua vào năm 1471. Năm 1484 vua cho kiến tạo quả chuông rất lớn hiến cúng cho chùa Vàng ở thành phố Yangon. Chuông được đặt tên theo tên của vua, đúc bằng đồng, vàng, bạc và hợp kim, nặng 270 tấn, cao chừng 5 - 6m và rộng khoảng 3 - 4m, là quả chuông lớn nhất thế giới.

Chuông được đặt ở chùa Vàng mãi cho đến năm 1608, Filipe de Brito e Nicote - lính đánh thuê người Bồ Đào Nha - kiểm soát khu vực bờ nam sông Rangoon (Yangon) ngang nhiên chiếm đoạt quả chuông (để đúc súng đại bác). Theo đó,  Filipe de Brito e Nicote cho chuông lăn xuống đồi (chùa Vàng ở trên một ngọn đồi cao) rồi vận chuyển quả chuông về căn cứ của ông ta bằng đường sông nhưng khi đến ngã ba sông Yangon và sông Pegu (sông Bago), quả chuông tuột xuống sông kéo chìm luôn cả sà lan và tàu chiến của Bồ Đào Nha.

Đến cuối thế kỉ XIX, nhiều người vẫn nhìn thấy đỉnh của quả chuông mỗi khi thủy triều hạ. Quả chuông khổng lồ mất tích này là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu trong cũng như ngoài nước và là mục tiêu săn lùng của các nhà săn lùng báu vật khắp nơi trên thế giới.

Năm 1995, Jim Blunt, thợ lặn người Mỹ phối hợp cùng chính quyền Myanmar, mang theo 116 thợ lặn và sau hơn hai năm tìm kiếm, ông ta nói rằng tay ông ta đã chạm được quả chuông và nghe phát ra âm thanh. Một vài thợ lặn đã hy sinh trong quá trình tìm kiếm, bao gồm hai thợ lặn của hải quân Myanmar. Nhưng việc trục vớt cũng không thành công.

Gần đây nhất, tháng 6 năm ngoái, Phòng Nghiên cứu lịch sử thuộc Bộ Văn hóa Myanmar và công ty SD Mark International LLP Co. của Singapore đã tổ chức hội thảo về kế hoạch trục vớt chuông. Các chuyên gia cho biết, kinh phí có thể lên 10 triệu USD và dự tính mất 18 tháng cho công việc trục vớt, cạy bùn, đánh bóng chuông và vận chuyển về Yangon - đưa chuông lên đồi cao (chùa Vàng). Dự án sau đó bị hủy bỏ do thiếu kinh phí.

Tháng 10 vừa qua, ông Khin Shwe phát tâm tài trợ toàn bộ kinh phí cho dự án. Vài tuần sau đó, các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Mon lên tiếng muốn tham gia vào dự án cũng như việc chủ quyền quả chuông.

Tờ Irrawaddy đưa tin, trong cuộc họp báo tuần qua, các thành viên của Ủy ban Văn hóa và Văn học Mon nói rằng, họ là những người chủ quyền hợp pháp quả chuông và yêu cầu chính phủ cũng như các tộc người khác tôn trọng di sản văn hóa của họ. Họ cho rằng dự án trục vớt chuông nên là một nỗ lực hợp tác của nhiều thành phần hơn là để cho một cá nhân độc quyền. Nai Ye Zaw, một thành viên của Ủy ban nói: “Chúng tôi muốn mọi người gọi đó là Đại hồng chung Mon Dhammazedi vì nó được đúc và cúng bởi vua Dhammazedi, người Mon”.

Nai Za Naing, một thành viên khác của Ủy ban cho biết: “Các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mon không có ý đòi đem chuông về tiểu bang Mon, chúng tôi chỉ muốn mọi người thừa nhận quả chuông chính là di sản văn hóa của người Mon”.

Nhà lập pháp người Mon, tiến sĩ Dr. Banya Aung Moe cho hay, đã có nhiều cuộc thảo luận ở Quốc Hội Myanmar nhưng chưa có câu trả lời cụ thể nào từ phía các nhà chức trách.

Cho đến ngày 15-11-2013, chưa có thông tin nào được tiết lộ về dự án. Tuy nhiên mọi người, từ nhà tài trợ đến các nhà chuyên môn trong và ngoài nước cũng như nhân dân Myanmar đều mong muốn quả chuông lớn nhất thế giới này sẽ được nhìn thấy ánh sáng trong một ngày gần nhất. Việc quả chuông được trục vớt và đem về an trí tại ngôi chùa Vàng linh thiêng là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với người dân Myanmar.

Theo Thông Tiên - GNO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng