Từ lâu đã được đưa sang Nhật Bản và Hoa Kỳ trong những hoàn cảnh không rõ, những bức tranh Phật giáo có nguồn gốc từ bán đảo Triều Tiên đang quay trở lại Hàn Quốc sau khi vắng mặt trong nhiều thế kỷ.
Vào tháng 6 năm ngoái, thầy Jong Geol, vị sư trụ trì 59 tuổi của chùa Dongguksa, tỉnh Jeollabuk-do, rất ngạc nhiên khi xem một trang web đấu giá của Nhật Bản.
Một người bán đồ cổ ở tỉnh Oita đã đưa một "bức tranh cổ Phật giáo Hàn Quốc" ra bán đấu giá. Kiểm tra đặc điểm nét mặt trên các tu sĩ Phật giáo và các dụng cụ âm nhạc trong tranh, thầy xác định rằng đó là một bức tranh Phật giáo được vẽ tại bán đảo Triều Tiên.
Chùa Dongguksa, được xây dựng trong thời gian cai trị của thực dân Nhật Bản và đã đăng ký là tài sản văn hóa hiện đại của Hàn Quốc. Thầy Jong Geol đã liên lạc với phía Nhật Bản, và đã đấu giá thành công.
Người bán đồ cổ đấu giá tác phẩm giải thích rằng "một ngôi chùa nhỏ đã đưa nó cho tôi". Sau khi kiểm tra đã xác nhận rằng nó không phải là tài sản văn hóa tại Nhật Bản; sau khi được cấp phép thông quan, bức tranh Phật giáo đã đến chùa Dongguksa vào tháng 7 sau đó.
Tác phẩm có chiều rộng 0,87 m và chiều dọc là 2.24 m. Một chuyên gia kiểm tra bức tranh và xác định đã được tạo tác trong thế kỷ 16, thuộc triều đại Joseon (1392-1910). Lý do tại sao bức tranh đã đến Nhật Bản không được rõ.
Thầy Jong Geol nói rằng thầy tìm kiếm các tài sản văn hóa từ bán đảo Triều Tiên và thường kiểm tra các trang web có liên quan tại Nhật Bản.
"Tôi nghĩ rằng tài sản văn hóa sẽ thể hiện giá trị lớn hơn chỉ với cách đơn giản là được trở về nơi khai sinh ra chúng", thầy nói. "Khi được trở về với quê hương, những bức tranh Phật giáo có thể cũng sẽ cảm thấy an lạc".
Thầy Jong Geol có kế hoạch đệ đơn với Cục Quản lý Di sản Văn hóa của Hàn Quốc để đăng ký bức tranh như một tài sản văn hóa.
Những bức tranh Phật giáo khác cũng đã trở về Hàn Quốc. Một bức được làm từ lụa có kích thước 3,2m mỗi bên đã được công bố vào tháng Giêng tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul. Một bảo tàng tư nhân ở bang Virginia (Hoa Kỳ) đã hiến tặng tác phẩm này cho Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài tại Seoul (ảnh dưới). Quỹ đã xác định bức tranh được vẽ ở tỉnh Gyeongsangnam-do trong hoặc khoảng năm 1730, thuộc triều đại Joseon, nhưng danh tính của chủ sở hữu ban đầu của nó không được rõ.
Một nhân viên của quỹ đã phát hiện bức tranh Phật giáo này trên mạng hồi tháng 5 năm ngoái. Theo các nguồn tin, kể cả hồ sơ bảo tàng tư nhân, vào đầu thế kỷ 20 khi bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản, bức tranh vì một lý do không rõ đã lọt vào tay của Yamanaka và Co, một đại lý mỹ thuật Nhật Bản. Công ty này, nổi tiếng là một đại lý về nghệ thuật phương Đông đã bán các tác phẩm nghệ thuật từ Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên ở phương Tây, có văn phòng tại Hoa Kỳ, nơi bức tranh Phật giáo được cất giữ.
Sau khi bùng nổ cuộc chiến tranh Thái Bình Dương vào năm 1941, Hoa Kỳ tịch thu tài sản của công ty trong phạm vi biên giới của mình theo một chính sách trừng phạt kinh tế chống lại Nhật Bản. Chính phủ Hoa Kỳ đã bán đấu giá bức tranh vào năm 1944, và bảo tàng tư nhân đã trúng thầu. Nhưng theo báo cáo trong 40 năm qua nó chủ yếu trong tình trạng được cất giữ.
Một cuộc điều tra của Cục Quản lý Di sản Văn hóa phát hiện thấy có khoảng 152.900 tài sản văn hóa từ bán đảo Triều Tiên đang ở các nước khác. 40% trong số này, hay khoảng 67.000 di sản, đang ở Nhật Bản, trong khi đó khoảng 42.000 di sản đang ở tại Hoa Kỳ.
Việc tạo ra những bức tranh Phật giáo trên bán đảo Triều Tiên phát triển mạnh trong triều đại Goryeo (918-1392) - giai đoạn văn hóa Phật giáo phát triển mạnh - và trong triều đại Joseon tiếp theo đó. Nho giáo là cơ sở cho việc quản lý các công việc của nhà nước trong triều đại này, nhưng công chúng vẫn còn tiếp tục tin vào Phật giáo.
Có khoảng 300 bức tranh Phật giáo được tạo ra trong 2 thời kỳ này được biết đang còn tồn tại. Trong số này khoảng 20 bức đang ở Hàn Quốc, trong khi đại đa số được biết là đang ở tại Nhật Bản.
Lý do tại sao các tác phẩm vượt biển chưa được biết trong nhiều trường hợp, nhưng ở Hàn Quốc người ta cho rằng chúng đã bị cướp bởi quân đội của Toyotomi Hideyoshi, xâm chiếm bán đảo Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16, và trong thời gian cai trị thuộc địa của Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo Chung Woo-thak, giáo sư tại khoa Lịch sử Mỹ thuật tại Đại học Dongguk ở Hàn Quốc nổi tiếng với nghiên cứu của mình trên những bức tranh Phật giáo, trong khi những bức tranh Phật giáo cũ bị hư hỏng tại các chùa ở Hàn Quốc có thể bị đem đi đốt bỏ, thì ở Nhật Bản chúng là những bảo vật đức tin quý giá.
"Hoàn toàn có thể hiểu theo cách rằng người Nhật Bản đã mang những bức tranh Phật giáo vốn sẽ bị tiêu hủy này đến Nhật Bản", giáo sư Chung nói.
Giáo sư Chung, người cũng nghiên cứu những bức tranh Phật giáo từ bán đảo Triều Tiên mà ngày nay được bày trí trên khắp nước Nhật, đã mượn một bức tranh như thế có niên đại từ triều đại Goryeo từ một ngôi chùa ở tỉnh Yamanashi vào tháng 10 năm ngoái và trưng bày nó trong một triển lãm đặc biệt tại bảo tàng trường đại học của mình.
Sự trở lại của những tượng Phật bị đánh cắp bởi một đường dây trộm cắp của Hàn Quốc trên đảo Tsushima, Nagasaki, đã trở thành một vấn đề đang chờ giải quyết giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hậu quả đó đã dẫn đến việc trì hoãn các cuộc triển lãm di sản văn hóa dự kiến ở cả 2 nước.
Theo Văn Công Hưng - GNO