Khi nhà văn Nigeria huyền thoại Chinua Achebe qua đời hồi tháng 3/2013 ở tuổi 82, khắp thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc ông. Một năm sau ngày mất của ông, nhiều nhà phê bình đánh giá Achebe là nhà văn có ảnh hưởng nhất hiện nay ở châu Phi. Di sản ông để lại không chỉ là những cuốn sách mà còn là cảm hứng mà ông đã truyền cho những nhà văn tài năng nhất Nigeria hiện nay.
1. Tác phẩm gây tiếng vang nhất của ông là cuốn tiểu thuyết đầu tay Things Fall Apart (Quê hương tan rã, 1958), đã được dịch ra 50 thứ tiếng. Tiểu thuyết này được ông viết năm 28 tuổi, phản ánh những ảnh hưởng của thuộc địa hóa đối với xã hội của người Igbo.
Truyện có bối cảnh vào cuối thế kỷ 19, kể về Okonkwo, từ một người nghèo khó trở thành một nông dân giàu có và là trưởng làng Igbo. Tuy nhiên, các nhà thống trị người Anh đã làm cho cuộc đời ông xáo trộn và cuối cùng không thể chịu đựng được nữa, ông giết chết một người Phi làm việc cho người Anh, trước khi tự vẫn.
Things Fall Apart thể hiện những cảm nghĩ đầu tiên của Achebe về chống chủ nghĩa thực dân và niềm khát khao dùng văn học làm vũ khí chống lại những thành kiến của phương Tây.
“Tôi có thể giải thích một cách đơn giản tại sao cuốn tiểu thuyết Things Fall Apart lại thu hút độc giả ở đất nước tôi” - Achebe từng nói. “Bởi vì qua cuốn truyện này, người dân nước tôi gần như là lần đầu tiên được thấy họ là những cá nhân tự trị, chứ không phải là người mọi rợ. Chúng tôi không phải là những người mọi rợ, mà là người hoàn chỉnh”.
Sinh thời, Achebe cùng với những tên tuổi như Christopher Okigbo, Wole Soyinka (nhà văn châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, năm 1986), và John Pepper Clark, được gọi là: “bộ tứ tiên phong của nền văn học đương đại Nigeria”. Sau khi ông qua đời, Wole Soyinka và John Pepper Clark đã đưa ra tuyên bố chung tôn vinh các tác phẩm của Achebe và gọi ông là vị “nhạc trưởng” của văn học Nigeria.
2. Đến nay, những người chịu ảnh hưởng của Achebe đang tạo nên một lãnh địa văn học mới và được ghi nhận là những cây bút sáng tạo nhất, trong đó có Chimamanda Ngozi Adichie, Ben Okri và Chris Abani.
“Điều khủng khiếp đã xảy ra” - nhà văn Chimamanda Ngozi Adichie (37 tuổi) viết trong bài tiểu luận của mình sau cái chết của Achebe. “Ai sẽ là người mang lại niềm tự hào cho chúng ta? Giờ đây ai sẽ lên tiếng cho chúng ta trong cuộc tranh cãi về ý chí? Ai sẽ chuẩn bị đường cho chúng ta đi?”.
Adichie vừa đoạt giải của Hiệp hội các nhà phê bình Sách Quốc gia (Mỹ) với tiểu thuyết Americanah. Cô sinh ra và lớn lên ở Nigeria. Năm lên 7 tuổi, cô và gia đình chuyển tới sống trong khu tập thể của Trường Đại học Nigeria và lúc đó Achebe là Trưởng khoa tiếng Anh của trường.
Adichie gặp Achebe vài năm trước khi ông qua đời, tại các sự kiện kỷ niệm 50 năm xuất bản cuốn tiểu thuyết Things Fall Apart. “Achebe là người rất tốt bụng và tài năng. Khi hay tin ông qua đời, tim tôi như vỡ ra. Ông viết văn cực kỳ siêu việt, song không cầu kỳ, kiểu cách” – Adichie bày tỏ.
3. Sinh thời, khi nói về việc chuyển “gậy chỉ huy” cho thế hệ trẻ hơn, Achebe đã chọn Ben Okri. Sinh năm 1959 ở Minna, Nigeria, Okri hiện sống ở London và đã xuất bản 10 tiểu thuyết, thơ và tuyển tập truyện ngắn. Nổi bật nhất trong số đó là The Famished Road, viết về truyền thống truyền khẩu và các tín ngưỡng của Nigeria. Tiểu thuyết này đã đoạt giải Man Booker năm 1991.
The Famished Road được so sánh với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn ( One Hundred Years Of Solitude) của Gabriel Garcia Marquez và Những đứa bé lúc nửa đêm (Midnight’s Children) của Salman Rushdie, 2 tác phẩm điển hình của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Khi Achebe qua đời, Okri nói: “Người đàn ông vĩ đại đã ra đi”.
4. Chris Abani đọc cuốn The Arrow Of God của Achebe khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học ở Nigeria và có ấn tượng sâu sắc với cuốn tiểu thuyết này. “Đây là cuốn tiểu thuyết không thể tin nổi. Nó tạo ảnh hưởng sâu sắc tới tôi” - Abani bày tỏ.
Đến nay, Abani đã xuất bản 7 cuốn thơ, một số tiểu thuyết, trong đó có cuốn The Secret History Of Las Vegas, vừa được phát hành trong năm nay.
Các cuốn tiểu thuyết của Abani cũng có tính bao quát như các tác phẩm của Achebe, thể hiện sự cân bằng giữa cá nhân và chính trị, những yếu tố mang tính riêng tư và lịch sử.
Abani không bao giờ đưa ra bất cứ một sự phán xét nào về các nhân vật của mình, để cho độc giả tự thấu hiểu và đánh giá. “Trong các tiểu thuyết của tôi, yếu tố tinh thần của các nhân vật luôn trong trạng thái lơ lửng, không thể hiện rõ đó là người tốt hay kẻ xấu. Tôi để cho độc giả tự đánh giá. Cách viết này khởi nguồn từ những câu chuyện dân gian của người Igbo. Tôi lớn lên trong cộng đồng Igbo, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa này. Trong con người luôn tồn tại cả tính thiện và ác và đó là cách người Igbo nhìn nhận về thế giới. Về cơ bản, thế hệ của Achebe đã đặt nền móng để cho những người như tôi có thể cầm bút” - Abani nói.
Theo Việt Lâm - TT&VH