Bằng con mắt sắc sảo của nhà báo ba lần đoạt giải Pulitzer, tác giả viết về lịch sử, những nét hiện thực đặc trưng của vùng đất Trung Đông.
Tác giả Thomas Loren Friedman là nhà báo, nhà bình luận người Mỹ. Ông là chủ một chuyên mục xuất hiện trên The New York Times. Thomas Friedman chủ yếu viết về đề tài đối ngoại bao gồm thương mại toàn cầu, Trung Đông và các vấn đề môi trường.
Độc giả Việt Nam biết tới tên tuổi nhà báo từng ba lần đoạt giải Pulitzer qua ba cuốn sách: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Olive, và cuốn Nóng, phẳng, chật. Nhưng Từ Beirut đến Jerusalem mới chính là cuốn sách đầu tiên làm nên tên tuổi Thomas Friedman và mang về cho ông giải Pulitzer.
Được viết trong những năm 1980 của thế kỷ trước, sách đã đoạt giải Nation Book Award cho hạng mục phi hư cấu. Khi viết cuốn sách, Thomas L.Friedman còn là phóng viên thường trú khu vực Trung Đông của tờ New York Times.
"Cuốn sách chính là con đường từ Beirut tới Jerusalem mà tôi đã rong ruổi, bằng cách này hay cách khác, suốt thời trưởng thành của mình. Đó là một con đường khác thường, hài hước, thi thoảng có bạo lực và thường là không thể lường trước được", Thomas Friedman bộc bạch ngay đầu sách.
Giống như các cuốn sách dầy cộp khác của Thomas Friedman, Từ Beirut tới Jerusalem có gần 900 trang, chia thành nhiều chương khác nhau trong hai phần rõ ràng. Ở phần thứ nhất - Beirut, tác giả tái hiện sống động cuộc nội chiến của người dân Libăng, từ những xung đột nội bộ gay gắt đến khi nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến bằng cách nào và diễn biến ra sao. Trong phần thứ hai - Jerusalem, tác giả vẽ nên bức tranh thu nhỏ về nền văn hóa của người Do Thái, nguồn gốc của người Israel. Từ đó, ông phân tích lịch sử, diễn biến xung đột của người Palestine và người Israel.
Thomas Friedman - nhà báo, nhà bình luận Mỹ ba lần đoạt giải Pulitzer. |
Mỗi trang viết của tác giả đều tái hiện những khoảnh khắc sống động, trải nghiệm của bản thân ông khi đối mặt ranh giới của sự sống và cái chết. Về những cuộc chiến triền miên chưa tìm thấy hồi kết ở Trung Đông, tác giả đưa ra quan điểm của mình, đôi khi là sự châm biếm, có lúc lại đả kích, nhưng đằng sau đó luôn là sự trăn trở về bản chất chiến tranh và lòng tin của con người.
Theo Lam Thu - vnexpress