Văn nghệ thế giới
Garcia Marquez - 'người khổng lồ không bao giờ chết'
08:11 | 21/04/2014

Với “Trăm năm cô đơn” cùng hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn phong cách hiện thực huyền ảo, Garcia Marquez được mệnh danh là "người khổng lồ của văn học thế kỷ 20".

Garcia Marquez - 'người khổng lồ không bao giờ chết'
Nhà văn Garcia Marquez. Ảnh: Reuters.

Chủ nhân Nobel Văn học năm 1982 sáng tác dựa trên bối cảnh Mỹ Latin nhưng tiếng nói của ông trong các tác phẩm mang tính toàn cầu. Những cuốn sách của Marquez được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Ông nằm trong danh sách những nhà văn kinh điển của thế giới, cùng các tên tuổi như Charles Dickens, Leo Tolstoy, Ernest Hemingway...

“Mỗi tác phẩm của ông được cả giới phê bình và độc giả đón nhận như một sự kiện quan trọng của thế giới”, Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá khi trao giải Nobel cho Marquez.

Garcia Marquez là bậc thầy của dòng văn học hiện thực huyền ảo - được coi như một thứ ma thuật, trong đó hội tụ cả hiện thực và những điều kỳ ảo. Thế nên, tiểu thuyết và truyện ngắn của ông là những cơn bão tố thịnh nộ suốt nhiều năm với những hình ảnh về bông hoa trôi tuột khỏi bầu trời, những bạo chúa tồn tại hàng thế kỷ, linh mục biết bay và những xác chết không bao giờ phân hủy...

Hiện thực huyền ảo, Marquez nói, bắt nguồn từ lịch sử của những nhà độc tài và những cuộc cách mạng lãng mạn của Mỹ Latin, của những năm dài đói khổ, bệnh tật và bạo lực. Như nhiều trí thức và nghệ sĩ Mỹ Latin, Marquez cảm thấy sự thôi thúc cần phải lên tiếng về những vấn đề chính trị thời kỳ ông sống. Cuối những năm 1940 - đầu những năm 1950 được biết đến như một thời kỳ đầy bạo lực ở Colombia. Bối cảnh này vì thế xuất hiện như phông nền trong nhiều tiểu thuyết của Garcia Marquez. Thế giới văn chương của ông chính là cuộc sống vùng đất Mỹ Latin với tình yêu, đam mê, mê tín, bạo lực, bệnh tật, đói nghèo... Ông nhìn nhận thế giới bằng quan điểm cánh tả, đối lập cực đoan với tướng Augusto Pinochet, nhà độc tài cánh hữu của Chile, và ủng hộ vô điều kiện đối với chủ tịch Cuba Fidel Castro. Marquez và Castro trở thành những người bạn thân tới mức nhà văn có thể đưa cho Castro đọc những cuốn sách chưa xuất bản, thậm chí cả những bản thảo của mình.

Không bản thảo nào quan trọng hơn bản thảo Trăm năm cô đơn. Biên tập viên của Marquez bắt đầu đọc nó ở nhà trong một ngày mưa, và khi lật mở những trang viết của một tác giả người Colombia chưa hề có tên tuổi, ông đã rất phấn khích. Người này lập tức gọi điện cho tiểu thuyết gia Tomás Eloy Martínez và đề nghị ông tới nhà mình.

Eloy Martínez nhớ lại, ông bước vào cửa nhà với đôi giày ướt mưa, và bắt gặp ngay những trang sách nằm vương vãi trên sàn do người biên tập quá háo hức trong khi đọc tác phẩm. Chúng là những trang đầu tiên trong cuốn sách xuất bản năm 1967, đưa tên tuổi Garcia Marquez nổi tiếng toàn thế giới. Cuốn sách sau đó được Gregory Rabassa dịch sang tiếng Anh. Với một bản tiếng Tây Ban Nha và một bản tiếng Anh, Trăm năm cô đơn khiến người đọc ấn tượng ngay từ những dòng đầu tiên: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendia đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy Macondo là một làng gồm vài chục nóc nhà tranh vách đất dựng bên bờ con sông nước trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín, trắng bong, to như những quả trứng thời tiền sử. Thế giới lúc ấy còn ở buổi hồng hoang, chưa có tên gọi các đồ vật và để gọi chúng cần phải dùng ngón tay chỉ đích vào từng cái một”.

Cuốn sách được khởi viết năm 1965. Trước đó bốn năm, nhà văn không hề viết bất cứ tiểu thuyết nào. Cảm hứng đến với Marquez trong một lần ông lái xe từ thành phố Mexico tới khu nghỉ mát Acapulco. Trở về nhà, ông bắt đầu đóng cửa phòng, viết liền một mạch trong 18 tháng. “Khi tôi viết xong, vợ tôi hỏi: 'Anh đã thực sự hoàn thành nó chưa? Chúng ta đã nợ 12.000 USD'”, nhà văn kể.

Khánh kiệt vì cuốn sách nhưng Marquez trở nên vĩ đại cũng nhờ nó. Nhà thơ Chile Pablo Neruda đã gọi Trăm năm cô đơn là “tác phẩm vĩ đại nhất viết bằng tiếng Tây Ban Nha kể từ Don Quixote”. Trong khi tiểu thuyết gia William Kennedy ví đó là “tác phẩm văn học đầu tiên nên được phổ biến rộng rãi cho toàn thể nhân loại, kể từ Kinh Sáng thế”. Marquez không khỏi choáng váng trước những lời khen ngợi. Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn nói ông ghét Trăm năm cô đơn, bởi sợ rằng những tác phẩm tiếp theo của mình sẽ không vượt qua được cái bóng của nó trong mắt người đọc. Nhưng nhà văn đã không cần phải lo lắng vì các tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn khác của Marquez cũng được độc giả và các nhà phê bình đón nhận nồng nhiệt.

Garcia-va-vo-9628-1397808416.jpg

Marquez hạnh phúc bên vợ - bà Mercedes Barcha.

Sinh ra ở thị trấn nhỏ, phía bắc của Colombia, Garcia Marquez, người con cả trong gia đình có 12 anh chị em, sống chín năm đầu đời trong ngôi nhà rộng lớn nhưng xiêu vẹo của ông bà nội. Ngôi nhà đã ảnh hưởng đến những trang viết của Marquez, nó dường như luôn có sự xuất hiện của những bóng ma mà bà nội ông đã tạo ra trong các câu chuyện kể.

Ông nội của Marquez, Nicolás Márquez Mejía, một đại tá quân đội về hưu, cũng ảnh hưởng nhiều tới nhà văn. “Người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”, Marquez từng nói về người ông. Ông nội nhà văn có nhiều điểm tương đồng với nhân vật đại tá Buendia, nhân vật chính trong Trăm năm cô đơn, và ngôi làng huyền thoại Macondo trong cuốn sách có nhiều điểm giống miền quê Aracataca của Marquez. Nhiều tiểu thuyết khác của ông cũng mang dáng dấp khác nhau của Macondo, giống như quận Yoknapatawpha - một địa danh hư cấu - trở đi trở lại trong các tiểu thuyết của William Faulkner.

Sau Trăm năm cô đơn, Garcia Marquez còn viết nhiều tiểu thuyết khác. Mùa thu của vị trưởng lão xuất bản năm 1975, Tình yêu thời thổ tả ra đời năm 1985, Tướng quân giữa mê hồn trận (1989), Tình yêu và lũ quỷ khác (1994)... Ông đọc nhiều, từ các nhà văn Mỹ như Hemingway, Faulkner, Mark Twain và Melville tới các nhà văn châu Âu như Dickens, Tolstoy, Proust, Kafka và Virginia Woolf. “Tôi không thể hình dung ai đó có thể nghĩ tới việc viết tiểu thuyết mà không có ít nhất một cái nhìn sơ lược về 10.000 năm văn học trước đó. Nhưng tôi không bao giờ cố gắng bắt chước các tác giả mà tôi ngưỡng mộ. Tôi làm tất cả những gì có thể để không sao chép họ”, nhà văn từng nói.

Sau khi bị chẩn đoán ung thư bạch huyết năm 1999, Marquez dành phần lớn thời gian để viết các cuốn hồi ký, ngoại trừ cuốn tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi xuất bản năm 2004.

Tháng 7/2012, người em trai của nhà văn, Jaime, tiết lộ Garcia mắc chứng mất trí nhớ và đã ngừng viết. “Đôi khi tôi khóc vì tôi cảm thấy như mình đã mất anh ấy”, Jaime nói. Pera, biên tập viên của tác giả tại nhà xuất bản Random House Mondadori, nói rằng thời điểm đó nhà văn vẫn đang làm việc về một cuốn tiểu thuyết có tên We’ll See Each Other in August (tạm dịch: Chúng ta sẽ gặp nhau trong tháng Tám) nhưng chưa hẹn ngày xuất bản.

Nhà văn trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Mexico City, Mexico hôm 17/4, thọ 87 tuổi. Garcia Marquez qua đời để lại vợ, người ông kết hôn năm 1958, cùng hai con trai Rodrigo và Gonzalo. Sự ra đi của ông là nỗi mất mát không chỉ của riêng gia đình Marquez mà là của cả thế giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, thế giới đã mất đi một trong những nhà văn "có tầm nhìn vĩ đại nhất". "Tôi xin dành mọi ý nghĩ của mình tới gia đình, bạn bè ông, những người tôi hy vọng sớm khuây khỏa trước sự thật rằng những tác phẩm của Gabo sẽ sống mãi với mọi thế hệ", Obama nói.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos chia sẻ trên Twitter: "Một nghìn năm cô đơn và đau buồn trước cái chết của nhà văn Colombia vĩ đại nhất mọi thời. Xin chia buồn với vợ và gia đình ông. Những người khổng lồ không bao giờ chết". Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cũng bày tỏ sự đau buồn trước mất mát lớn của "một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thời đại chúng ta".

Nhà văn Chile Luis Sepúlveda gọi Marquez là "nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha quan trọng nhất thế kỷ 20" và nhấn mạnh rằng quả bom văn học Mỹ Latin đã "cách mạng hóa mọi thứ: trí tưởng tượng, cách kể một câu chuyện...". Nữ ca sĩ Colombia Shakira viết: "Chúng con sẽ nhớ mãi cuộc đời ông, Gabo kính yêu, như một món quà độc nhất vô nhị". Marquez vẫn được biết tới với biệt danh "Gabo" khi còn sống.

Không chỉ là một nhà văn vĩ đại, Garcia Marquez còn được nhớ đến như một nhà báo tài ba, một biên kịch, một chính trị gia nổi tiếng.

Theo Hoàng Anh - vnexpress

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng