Văn nghệ thế giới
Chuyện về người phụ nữ “vừa xấu nhất vừa đẹp nhất” trong hội họa
14:47 | 25/04/2014

Cùng là một người phụ nữ nhưng đã có 2 cách xuất hiện khác nhau trên 2 bức tranh nổi tiếng nhất của lịch sử hội họa Mỹ.

Chuyện về người phụ nữ “vừa xấu nhất vừa đẹp nhất” trong hội họa
Bức “American Gothic”.
Là em gái, cũng đồng thời là người mẫu quen thuộc của họa sĩ nổi tiếng người Mỹ - Grant Wood, sinh thời, bà Nan Wood đã gặp phải nhiều phen “điêu đứng” vì những bức chân dung anh trai khắc họa mình.
 
Khi họa sĩ nổi tiếng người Mỹ Grant Wood (1891-1942) khắc họa em gái Nan Wood Graham (1899-1990) trong bức tranh “American Gothic”, cả hai đã không nhìn thấy trước những ảnh hưởng mà bức tranh có thể đưa đến đối với cuộc sống của người em gái.

Xuất hiện trong bức “American Gothic” là hai người quen thuộc đối với họa sĩ Grant Wood - em gái ông (khi đó 31 tuổi) và một bác sĩ nha khoa quen thuộc của gia đình - ông Byron McKeeby (1867-1950, khi đó 63 tuổi).

Bức tranh chân dung này không ngờ đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử mỹ thuật Mỹ. Mỗi khi chiêm ngưỡng, người xem luôn bị thu hút bởi cách biểu cảm khó nắm bắt và có phần bí ẩn của hai nhân vật chính, đặc biệt là người phụ nữ. Giới phê bình mỹ thuật đã hài hước nói rằng đây chính là “nàng Mona Lisa của nước Mỹ”.

Tuy vậy, chân dung của Nan Wood Graham cũng đồng thời gây nên những tranh cãi thường thấy xung quanh một tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng. Khi bức “American Gothic” mới được đem trưng bày năm 1930, một số nhà phê bình đã chê bai nhan sắc và biểu cảm của nhân vật nữ.

Nhiều người khác lại nhầm tưởng rằng trong tranh là một cặp vợ chồng, trong khi thực tế ý tưởng ban đầu của Grant Wood là khắc họa hai cha con. Khoảng cách tuổi tác giữa bác sĩ McKeeby và cô Nan Wood cũng là 32 tuổi. Những chê bai về nhan sắc cùng việc người ta tưởng lầm đây là một cặp vợ chồng khiến Nan Wood rất buồn bã.

Để xin lỗi em gái, Grant đã vẽ bức “Portrait of Nan” (Chân dung của Nan) - một trong những tác phẩm hội họa đẹp đẽ nhất của ông. Nó giống như một lá thư xin lỗi đầy tình cảm mà người anh trai gửi tới cho em gái. Sinh thời, Grant Wood rất yêu quý em. Vì vậy, bức tranh chân dung “đền tội” này thể hiện cả sự gần gũi giữa hai anh em.

Bức chân dung khắc họa người phụ nữ 32 tuổi với trang phục hợp “mốt” và mái tóc được uốn rất thời thượng. Trong một tay, Nan cầm quả mận và trong tay còn lại là một chú gà con. Màu lông chú gà giống với màu tóc của Nan và màu quả mận lặp lại màu nền.

Bức “Portrait of Nan”.
Bức “Portrait of Nan”.

Vậy là, vì có “American Gothic” nên mới ra đời “Portrait of Nan”. Cả hai bức tranh đều nổi tiếng trong lịch sử hội họa Mỹ. Ở bức tranh chân dung thứ hai, còn có một nhân vật đặc biệt khác, đó là chú gà con nằm trong tay Nan. Vị họa sĩ đã mua chú gà này và dành khá nhiều tình cảm cho nó.

Sống một mình và thường làm việc về đêm, kể từ khi có chú gà, Grant Wood cảm thấy vui vẻ hơn hẳn. Chú gà cũng nhanh chóng “điều chỉnh giờ sinh học” để thức cùng họa sĩ trong những giờ ông làm việc. Wood thường để chú gà trong một chiếc bình sành.

Một đêm, sau khi làm việc suốt nhiều giờ, Grant vô tình đặt một cuốn sách trên miệng chiếc bình sành và hoàn toàn không để ý gì tới hành động đó. Tới sáng hôm sau khi thức dậy, ông vội vàng nhấc quyển sách lên.

Vì thiếu không khí, chú gà con đang hấp hối. Grant nhanh chóng “cấp cứu” cho nó bằng cách vẩy nước và ngồi quạt cho chú gà suốt một tiếng đồng hồ. Chú gà tỉnh lại nhưng còn khá yếu ớt và cả ngày hôm đó Grant không thể tập trung làm việc nổi. Em gái ông đến để ngồi làm mẫu cũng đành bỏ về sớm.

Trong bức chân dung đẹp đẽ nhất của Nan, Grant đã đưa vào hình ảnh chú gà con mà ông yêu mến, nó thể hiện sự dịu dàng của Nan. Hoa trái trong hội họa vốn là biểu tượng cho sự nữ tính của phụ nữ, vì vậy, trong tay kia, ông để em gái cầm một trái mận.

Không như nhiều họa sĩ khác thường tìm những mẫu nữ khêu gợi và thậm chí có quan hệ tình ái với người mẫu để gia tăng cảm xúc sáng tạo, “nàng thơ” của Grant Wood lại chính là cô em gái.

Sau khi thực hiện bức “Chân dung của Nan”, Grant Wood nói với em rằng: “Đây là bức chân dung cuối cùng anh thực hiện, cũng là lần cuối cùng em ngồi làm mẫu vẽ cho anh”. Nan đã rất ngạc nhiên bởi suốt nhiều năm qua, bà đã ngồi làm mẫu vẽ cho anh trai. Grant chỉ giải thích ngắn gọn rằng: “Giờ đây, khuôn mặt em đã trở nên quá nổi tiếng rồi”.

Theo Bích Ngọc - dantri

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng