Khi Sylvette David 19 tuổi, cô gặp danh họa Pablo Picasso. Tuy không trở thành người tình của ông, song cô là “nàng thơ” của danh họa và trở nên bất tử trong hơn 60 tác phẩm mang tên The Girl With A Ponytail (Cô gái có túm tóc ngựa).
“Yêu râu xanh” Picasso?
Theo Francoise Gilot, người sống cùng Picasso trong những năm 1940 và 1950, Picasso giống như Yêu Râu Xanh (Bluebeard), nhân vật trong một truyện cổ tích nổi tiếng cùng tên của nhà văn Pháp Charles Perrault, một quý tộc hung bạo. Trong cuốn hồi ký của mình, Life With Picasso (1964), Gilot kể lại chuyến thăm lâu đài của Picasso ở Boisgeloup, phía Đông Bắc Paris. “Tôi bắt đầu có cảm giác rằng nếu tôi nhòm vào một phòng kín, tôi sẽ thấy có tới nửa tá vợ cũ của ông ấy bị treo cổ. Picasso là người có những đặc tính giống với nhân vật Yêu Râu Xanh” - Gilot viết trong cuốn hồi ký.
Gilot viết có vẻ hơi ngoa ngoắt, tuy nhiên cũng không phải không có cơ sở, bởi thực tế là một số người phụ nữ từng có quan hệ với Picasso đã phải chịu những kết cục đầy bi kịch. Người tình của ông là Marie-Therese Walter và người vợ thứ 2 của ông là Jacqueline Roque đều tự vẫn. Tuy nhiên, có một người phụ nữ từng gắn bó với ông trong một thời gian lại “bình an vô sự”. Đó chính là cô gái Pháp, Sylvette David.
2 người gặp nhau hồi mùa Xuân năm 1954, khi đó Picasso đã ngoài 70 tuổi, sống ở Cote d’Azur. Picasso có một studio ở thị trấn Vallauris. Picasso lập tức bị hấp dẫn trước vẻ đẹp trẻ trung của Sylvette, cô gái xinh đẹp 19 tuổi. Ở Sylvette toát lên vẻ đẹp hiện đại mà Picasso yêu thích và dáng vẻ đặc trưng của kỷ nguyên đó: vóc người cao ráo, mái tóc vàng dài buộc túm lên kiểu đuôi ngựa.
Vài tháng trước khi gặp Picasso, Sylvette và vị hôn phu của mình là Toby Jellinek đã chuyển tới Vallauris để sống cùng mẹ cô. Toby là một nhà thiết kế nội thất cấp tiến, xưởng làm việc của anh không xa studio của Picasso và mỗi khi tới gặp vị hôn phu của mình, Sylvette thường đi qua cửa sổ studio của Picasso.
Sylvette có cuộc chạm trán đầu tiên với Picasso sau khi danh họa mua 2 chiếc ghế từ xưởng của Toby. Sau đó, Toby đã chuyển chúng tới ngôi biệt thự La Galloise của Picasso ở trên đồi Vallauris, và Sylvette đi cùng anh. Vài tuần sau, khi Sylvette đang ngồi uống cà phê, hút thuốc và chuyện trò với bạn bè tại nơi làm việc của mình, một trong những xưởng gốm lớn nhất của thành phố, cạnh studio của Picasso, cô nhìn thấy danh họa đang cầm một bức tranh. Đó là hình vẽ đơn giản một phụ nữ trẻ tóc để mái bằng, đằng sau buộc đuôi ngựa. Sylvette nhận ra đây chính là chân dung mình.
“Bức tranh đó giống như một lời mời” - sau này Sylvette kể lại. Và thế là cô và bạn bè mình đã tới gõ cửa studio của Picasso. Danh họa vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy Sylvette và ôm chầm lấy cô. “Tôi muốn vẽ cô, vẽ Sylvette!” - Picasso vừa khóc vừa nói.
Người tạo “Kỷ nguyên sáng tạo mới” của Picasso
Vài tháng sau đó, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, Picasso đã thuyết phục Sylvette ngồi làm mẫu và ông đã cho ra đời hơn 60 bức chân dung cô, trong đó có 28 bức tranh, nhiều phác họa và tác phẩm điêu khắc. Đây là lần đầu tiên Picasso làm việc thành công với một người mẫu. Khi được trưng bày ở Paris mùa Hè năm đó, loạt tác phẩm này đã nhận được những sự phản ứng tích cực. Người xem “lóa mắt” với sự đa dạng của chúng, từ những bức chân dung mô tả chi tiết, vô cùng tự nhiên, tới những sự miêu tả theo xu hướng lập thể, đầy tính thử nghiệm, hầu hết bằng gam màu đen, trắng và xám. Loạt tác phẩm này còn thể hiện bản chất mối quan hệ của nghệ sĩ với cô gái trẻ đẹp Sylvette, rất lịch sự, nhưng nhút nhát. Tạp chí Life tuyên bố đây là kỷ nguyên sáng tạo nghệ thuật mới của Picasso: “Thời kỳ Đuôi ngựa” (ý chỉ loạt tranh vẽ Sylvette với kiểu buộc tóc đuôi ngựa).
Tuy nhiên sau đó, nhiều sử gia nghệ thuật đã cố tình gạt bỏ loạt tác phẩm chân dung Sylvette. Khi Picasso gặp Sylvette, cuộc sống riêng tư của ông đang đầy xáo trộn. Mùa Hè trước đó, tháng 9/1953, “đối tác” lâu năm của ông là Gilot, người đã sinh cho ông 2 đứa con, đã rời bỏ ông. Gilot là người phụ nữ đầu tiên “cả gan” làm như vậy. Bị tổn thương và lo lắng mình sắp chết, Picasso gặp khủng hoảng về sáng tạo và cả trong cuộc sống. Song sau khi gặp Sylvette, ông đã tìm thấy niềm an ủi và sự khuây khỏa từ sự trẻ trung của cô.
Mặc dù gần gũi và thân thiết như vậy, nhưng 2 người chưa bao giờ “chung chăn gối”. Sylvette luôn bẽn lẽn và rụt rè khi làm người mẫu nude cho Picasso. Thế nhưng, Picasso đã ngừng sáng tác về Sylvette ngay sau khi ông bắt đầu mối quan hệ tình cảm với Roque, người phụ nữ ông kết hôn vào năm 1961. Chính vì vậy mà loạt tác phẩm về Sylvette thường bị coi là hời hợt, thiếu cảm xúc đặc trưng của Picasso, chỉ là những bức vẽ “lấp chỗ trống” trong thời gian ông tìm kiếm tình yêu mới.
Đối với nhiều nhà phê bình, loạt tác phẩm này còn thể hiện một cách thái quá những xu thế thời trang “chóng tàn”, tóc buộc kiểu đuôi ngựa, áo choàng có mũ chùm đầu với những chiếc khuy to do vị hôn phu của Sylvette thiết kế. Chiếc áo này xuất hiện trong nhiều bức tranh vẽ Sylvette của Picasso.
Tuy nhiên, Christoph Grunenberg, Giám đốc Kunsthalle Bremen, lại không đồng tình với nhận định trên. “Hết sức thiển cận khi cho rằng loạt tác phẩm này thiếu cảm xúc. Tôi cho rằng Picasso cảm thấy Sylvette hấp dẫn và thấy cần phải gặp cô một phần do thấy cô khó thu phục. Vì Picasso không chinh phục được Sylvette ngoài đời nên ông nhất thiết phải chế ngự được cô trên các tấm toan, trên giấy và trong nghệ thuật điêu khắc. Cho dù đây là những bức chân dung vẽ hết sức sơ sài, Picasso cố gắng mô tả Sylvette với vài đường vẽ và nhát cọ, song trong đó vẫn chứa đựng cảm xúc mãnh liệt của nghệ sĩ”.
Đối với Grunenberg, loạt tác phẩm về Sylvette là bằng chứng nữa cho thấy “tài năng siêu việt của Picasso. Ông không hề ngại ngần chuyển đổi phong cách”.
Giờ đây, hơn nửa thế kỷ sau khi loạt tác phẩm này ra đời, Sylvette (đổi tên thành Lydia Corbett sau khi kết hôn), đã đi qua nhiều nước và cũng là một họa sĩ, song bà chưa bao giờ “thoát” được quá khứ. Bà kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình với một triển lãm tại Phòng trưng bày Francis Kyle ở London. Bà luôn biết ơn Picasso. Sylvette có một chiếc túi da và bà gọi đó là “túi hồi ức” bởi trong đó chứa rất nhiều bài báo và ảnh đen trắng ghi lại thời kỳ bà làm “nàng thơ” của Picasso.
“Tôi không thể nói hết lời cảm ơn của mình với Picasso. Ông đã làm cho hình ảnh của tôi trở nên bất tử. Tôi giống như Mona Lisa. Thật kinh ngạc, bạn có nghĩ như vậy không?” - Sylvette nói nhẹ nhàng.
Bức chân dung Sylvette được Picasso vẽ ngày 2/5/1954 là bức tranh cuối cùng trong loạt tác phẩm về người phụ nữ này. Olivier Widmaier Picasso, cháu nội của Picasso, từng nói với tờ The Chicago Sun-Times rằng, Sylvette còn là chủ đề của tác phẩm điêu khắc Chicago Picasso đồ sộ và nó đã khiến rất nhiều người tò mò kể từ khi được khánh thành ở Daley Plaza (Chicago) hồi năm 1967. Năm Brigitte Bardot 20 tuổi và còn là một gương mặt vô danh, cô nhìn thấy Sylvette tản bộ dọc Croisette ở Cannes và đã lập tức bắt chước phong cách của Sylvette. “Mặc dù Bardot không có mái tóc vàng tự nhiên giống tôi” - Sylvette kể. Trong vài năm, thế giới chìm ngập trong “cơn sốt Sylvette” khi nhiều cô gái trẻ khắp thế giới đã thay đổi phong cách, đua nhau nhuộm tóc vàng và buộc tóc đuôi ngựa giống những hình ảnh chân dung Sylvette do Picasso vẽ. Năm 1998, Laurence Anholt còn tung ra cuốn truyện thiếu nhi, trong đó mô tả một cô gái tuổi vị thành niên tên là Sylvette gặp Picasso ở Vallauris và trở thành người mẫu của ông. |
Theo Phúc Quyên - TT&VH