Các nhà khoa học và chuyên gia tại bảo tàng nghệ thuật Phillips Collection ở Washington đã vừa phát hiện bức chân dung một người đàn ông, được vẽ ẩn dưới kiệt tác Blue Room (1901) của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso.
Phân tích kỹ thuật, các chuyên gia khẳng định rằng bức chân dung này là một tác phẩm của Picasso. Bức tranh này đã được ông tạo ra, trước khi đè nó dưới những lớp màu của kiệt tác Blue Room.
Bức Blue Room mô tả một người phụ nữ đang tắm, được Picasso vẽ trong giai đoạn đầu Thời kỳ Xanh của ông, giai đoạn ông làm việc ở Paris, Pháp. Họa phẩm này nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật Phillips Collection từ năm 1927.
Tranh nằm dưới tranh
Trong 5 năm qua, các chuyên gia tại tại bảo tàng nghệ thuật Phillips Collection, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, trường Đại học Cornell và Bảo tàng Winterthur đã thu được các hình ảnh rõ nét hơn về bức tranh bí ẩn nằm dưới Blue Room.
Từ lâu, các chuyên gia nghi ngờ có gì đó nằm dưới bức tranh. Những nhát cọ trong tranh không ăn khớp với hình ảnh phác họa mô tả một người phụ nữ đang tắm tại xưởng vẽ của Picasso.
Năm 2008, lần đầu tiên các chuyên gia đã sử dụng công nghệ kiểm tra tranh bằng tia hồng ngoại và nhìn thấy gương mặt một người đàn ông có râu, với bàn tay đeo 3 chiếc nhẫn chống lên mặt. Ông còn mặc một chiếc áo vest và thắt nơ ở cổ.
“Khi nảy sinh ra một ý tưởng gì mới, Picasso liền vội vã vẽ đè lên ngay một bức tranh đã hoàn chỉnh khác. Và không phải lúc nào có ý tưởng mới, ông cũng sử dụng toan vẽ sạch. Nhiều khi Picasso còn vẽ lên cả tấm bìa cứng, vì toan vẽ đắt giá hơn nhiều” – giám tuyển Susan Behrends Frank cho biết.
Giờ đây, các nhà bảo tồn tại bảo tàng nghệ thuật Phillips Collection đang hy vọng giải mã được câu hỏi: Người đàn ông trong tranh là ai và tại sao Picasso lại vẽ ông ta?
Theo họ, đây có lẽ là một nhà buôn nghệ thuật ở Paris tên Ambrose Villard, người đã tổ chức triển lãm đầu tiên của Picasso hồi năm 1901. Tuy nhiên, không có bất cứ tư liệu hay thông tin nào để lại trên toan vẽ nên cuộc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.
Nhà bảo tồn Patricia Favero đang hợp tác với nhiều chuyên gia khác để kiểm tra bức tranh ẩn kỹ càng hơn, thông qua công nghệ hình ảnh đa quang phổ và vẽ bản đồ huỳnh quang bằng tia X. Họ cố gắng xác định và lập bản đồ màu sắc của bức tranh ẩn, qua đó tái tạo hình ảnh kỹ thuật số có màu sắc gần tương đương với màu sắc mà Picasso đã sử dụng.
Hình ảnh bên dưới kiệt tác The Blue Room của Picasso.
Không phải ca hiếm
Các giám tuyển đang có kế hoạch triển lãm bức tranh Blue Room vào năm 2017, coi đây là tác phẩm đầy ảnh hưởng trong sự nghiệp của Picasso. Triển lãm sẽ kể lại quá trình phát hiện ra bức chân dung bên dưới bức tranh, cũng như giới thiệu các họa phẩm khác của Picasso, bên cạnh mối liên kết của ông với các họa sĩ khác.
Thời gian này, Blue Room được trưng bày ở Hàn Quốc đến đầu năm 2015, khi quá trình nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn.
Ngoài Blue Room, các chuyên gia còn tìm thấy hình ảnh bên dưới nhiều bức tranh quan trọng khác của Picasso. Ví dụ phân tích kỹ thuật bức tranh La Vie tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, các chuyên gia thấy bức tranh này đã được Picasso vẽ đè lên một họa phẩm khác.
Tương tự, các nhà bảo tồn còn tìm thấy chân dung một người đàn ông có ria ở dưới bức tranh Woman Ironing của Picasso.
Ông Dorothy Kosinski, Giám đốc bảo tàng nghệ thuật Phillips Collection, nói rằng những hiểu biết mới về Picasso và quá trình sáng tạo của ông sẽ tiếp tục được phát hiện, nhờ sự phối hợp giữa các bảo tàng.
“Khán giả của chúng ta đang mong muốn được biết những điều này. Càng hiểu thì chúng ta lại càng có thể đánh giá được sâu hơn về ý nghĩa của những việc này trong cuộc đời Picasso” - Kosinski nói.
Theo Tuấn Vĩ - TT&VH