Văn nghệ thế giới
'Đợi bọn mọi' - sách đặt nghi vấn về bản chất của văn minh
08:07 | 15/07/2014

Cuốn tiểu thuyết bậc thầy của J.M. Coetzee - nhà văn đoạt giải Nobel vừa được phát hành ở Việt Nam.

'Đợi bọn mọi' - sách đặt nghi vấn về bản chất của văn minh

Tác phẩm hiện lên qua lời kể ở ngôi thứ nhất của vị Quan tòa. Bối cảnh tác phẩm là thị trấn hẻo lánh nơi vùng biên giới xa xôi của một Đế Chế giả tưởng. Bao năm, Quan tòa luôn là người đầy tớ trung thành của Đế Chế.

Lấy cớ có tin đồn về việc những thổ dân bên kia sông - những người bị gọi là "bọn mọi" - đang tìm cách tấn công thị trấn, đại tá Joll xuất hiện. Một cuộc bắt bớ người mọi đưa tới thị trấn diễn ra, sau đó là sự tra tấn dã man, vài người bị giết hại... Tận mắt chứng kiến cảnh những người tự cho là đại diện của văn minh và pháp luật tra tấn dã man người mọi, Quan tòa nảy sinh lòng xót thương những kẻ yếu thế mà trước nay ông vốn chẳng quan tâm. Khi giúp đưa cô gái mọi trở về với cộng đồng của cô, Quan tòa bị kết tội phản bội, và là "kẻ thù của Đế Chế". Từ đó, những khổ nạn của ông bắt đầu.

Tác giả J.M. Coetzee không đặt tác phẩm của mình trong liên hệ trực tiếp đến một vùng đất, thời gian, con người hay sự kiện cụ thể nào. Tuy nhiên, độc giả sẽ tìm thấy sự trùng hợp giữa những chi tiết hư cấu trong tác phẩm và đời thực, cũng như suốt nhiều năm, tác phẩm được áp đặt và gán ghép vào nhiều bối cảnh không gian, thời gian và sự kiện khác nhau. Tác phẩm do đó giống một truyện ngụ ngôn, một cuốn sách có ý nghĩa ở mọi thời đại.

Tác phẩm còn dễ khiến độc giả tin rằng đây là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc vì sự "đơn giản" bề ngoài của nó: câu chuyện diễn ra trong một không gian hẹp, một khung thời gian không dài và số lượng nhân vật không nhiều và họ thậm chí không có một cái tên riêng. Nhưng Đợi bọn mọi sẽ là tác phẩm vương vấn trong tâm trí họ với những suy tưởng day dứt về cái thiện, cái ác, bản chất con người.

Cuốn sách đặt ra những câu hỏi lớn về bản chất của văn minh. Đọc sách, độc giả không khỏi nghi hoặc: đâu mới thực sự là dã man? Liệu tự cho rằng mình văn minh có là văn minh khi cứ áp đặt thô bạo chuẩn mực của mình lên những người có cách sống khác, hoặc đối xử với họ như kẻ thù? 

Báo The New York Times đánh giá về tiểu thuyết: "Với Đợi bọn mọi, từng trang sách, từng diễn biến của câu chuyện chính là những gì chúng ta mong đợi ở một cuốn tiểu thuyết về Đế quốc Mỹ trong những năm đầu của thế kỷ 20. Người ta yêu mến cuốn sách vì nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài tình của J.M. Coetzee. Vừa khó nắm bắt, vừa dễ hiểu, rất đáng sợ, nhưng cũng thật quen thuộc, đó là điều đặc biệt làm nên sự cuốn hút của Đợi bọn mọi".

Ra đời năm 1980, tên sách được Coetzee lấy ý từ bài thơ Chờ đợi bọn man rợ của nhà thơ Hy Lạp Constantine P. Cavafy. Đợi bọn mọi được lựa chọn vào danh sách Những cuốn sách của thế kỷ 20. Nhà soạn nhạc người Mỹ Philip Glass đã viết một vở opera cùng tên dựa theo nội dung cuốn sách. 

Tác giả John Maxwell Coetzee sinh năm 1940 tại Nam Phi. Ông từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh, làm giáo sư giảng dạy văn học. Coetzee bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 1969 với tác phẩm Duskland. Danh tiếng của ông được khẳng định nhờ tác phẩm Life & time of Michael K. Những tổn thương do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc gây ra là chủ đề xuyên suốt các tiểu thuyết. J.M. Coetzee nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá, như giải văn chương Nam Phi, giải CNA, hai lần đoạt giải Booker, và nhận giải Nobel năm 2003.

Coetzee đã có những tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam như Giữa miền đất ấy, Cuộc đời và thời đại của Michael K, Ruồng bỏ.

Theo An Hạ - vnexpress

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng