Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, người đảm nhận vai trò giám khảo cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ vừa diễn ra ở Moscow, Nga, cho biết, ông Andrei Sherbak, Chủ tịch Hiệp hội cuộc thi Tchaikovsky ngỏ ý muốn đưa cuộc thi này tới Việt Nam.
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy chia sẻ, cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, anh vinh dự được mời làm giám khảo cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ lần thứ VIII được tổ chức tại Moscow.
Cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ (International Tchaikovsky Competition for Young Musicians) được tổ chức lần đầu vào năm 1992. Các lần tiếp theo được tổ chức luân phiên tại Nhật Bản (1995, 2004), Nga (1997), Trung Quốc (2002), Hàn Quốc (2009), Thụy Sĩ (2012)… Năm 2014, cuộc thi lại được tổ chức tại Moscow sau 22 năm.
Đây là cuộc thi có truyền thống lâu năm, một trong những cuộc thi có uy tín bậc nhất dành cho các nghệ sĩ trẻ tuổi chơi piano, violin, cello và cũng là niềm tự hào của nước Nga. Những tên tuổi đã từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi này có thể kể đến như Lang Lang, Alexander Mogilevsky, Jennifer Koh, Sirena Huang, Ailen Pritchin, Daniel Muller Schott…
Bùi Công Duy cũng chính là người đoạt giải Nhất cuộc thi này vào lần thứ III, năm 1997 được tổ chức tại thành phố St. Petersburg.
Theo chia sẻ của nghệ sĩ Bùi Công Duy, cuộc thi Âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho giới trẻ lần thứ VIII có sự tham gia của gần 150 thí sinh đến từ 20 quốc gia, được chọn lọc kỹ lưỡng qua vòng gửi băng. Ban giám khảo của mỗi bộ môn gồm 11 thành viên, đều là những Giáo sư, nghệ sĩ có uy tín đang giảng dạy, biểu diễn và được ghi nhận nhiều năm trên thế giới, từng đoạt giải thưởng Tchaikovsky.
La Li 12 tuổi đến từ Trung Quốc giành giải Nhất Cello
“Tôi hoàn toàn choáng ngợp và bất ngờ với trình độ xuất sắc của nhiều thí sinh tài năng và một số thí sinh "thiên tài" đã đến tham dự cuộc thi lần này, đây có lẽ không phải là thí sinh nữa mà đã là các "nghệ sỹ" trưởng thành. Đó là La Li 12 tuổi đến từ Trung Quốc giành giải Nhất Cello; Alexander Malofeev 12 tuổi đến từ Nga giành giải Nhất Piano; Ruslan Turuntaev 16 tuổi đến từ Kazakhstan giành giải Nhất Violin; Soo Been Lee 14 tuổi đến từ Hàn Quốc giành giải Nhì Violin…”, anh nói.
Cũng theo Bùi Công Duy, cuộc thi năm nay ở cả ba bộ môn đều có sự cạnh tranh khốc liệt vì trình độ chung của các thí sinh rất cao, có quá nhiều thí sinh xứng đáng để có thể vào vòng chung kết nên ban giám khảo đã rất khó khăn để đưa ra lựa chọn của mình, đặc biệt là ở vòng chung kết khi mỗi bộ môn chỉ được phép chọn 6 thí sinh và duy nhất 1 giải Nhất không được chia.
Ngồi ghế giám khảo cuộc thi âm nhạc danh tiếng này, Bùi Công Duy kinh ngạc trước tài năng của các thí sinh nhí đến từ các nước và thật sự tiếc nuối vì cuộc thi vắng mặt các thí sinh Việt Nam. Anh cho biết, gần 20 năm nay, kể từ khi anh tham gia và đoạt giải, Việt Nam chưa hề có thêm thí sinh lọt vào vòng tranh giải cuộc thi này.
“Có thể nói, thí sinh Việt không thua kém gì thí sinh quốc tế về tài năng nhưng chúng ta thua họ về đầu tư thời gian. Thí sinh các nước dành 7-10 tiếng/ngày để luyện tập trong khi đó ở Việt Nam chỉ dành 2 tiếng/ngày đã khiến thầy mừng lắm rồi”, Bùi Công Duy trải lòng.
Cũng theo anh, các thí sinh nước ngoài không chỉ gác lại toàn bộ việc học văn hóa ở trường để tập trung luyện tập cho mỗi cuộc thi âm nhạc mà trong cuộc sống đời thường họ thường xuyên đọc sách âm nhạc, được đi xem ba- lê và thưởng thức hòa nhạc. Anh cảm nhận các thí sinh cuộc thi năm nay không phải là dự thi mà họ như những nghệ sĩ thực thụ biểu diễn trên sân khấu khiến giám khảo say mê.
Ruslan Turuntaev 16 tuổi đến từ Kazakhstan giành giải Nhất Violin
Ngoài chia sẻ về chất lượng cuộc thi âm nhạc nổi tiếng uy tín của thế giới, Bùi Công Duy tiết lộ Hiệp hội cuộc thi Tchaikovsky đang muốn đưa cuộc thi này về tổ chức tại Việt Nam. “Họ muốn một quốc gia châu Á đăng cai, sau khi từng tổ chức ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và cũng bởi Việt Nam lại từng có thí sinh đoạt giải cuộc thi này. Ông Andrei Sherbak, Chủ tịch Hiệp hội cuộc thi Tchaikovsky và bản thân tôi đều muốn đưa cuộc thi âm nhạc này về Việt Nam”, anh khẳng định.
Theo anh, đây là cơ hội lớn để quảng bá và đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam tiếp cận với thế giới. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh Việt Nam cố gắng luyện tập cọ sát, thể hiện trong một sự kiện âm nhạc tầm cỡ thế giới.
Tuy nhiên, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy cũng không giấu giếm sự lo ngại về kinh phí tổ chức cuộc thi âm nhạc này tại Việt Nam. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp hội như dàn nhạc, nhạc công đệm đàn, mỗi bộ môn 11 giám khảo… đều phải đạt tầm quốc tế thì anh ước tính để tổ chức cuộc thi này cần đến kinh phí tương đương khoảng 10 tỷ đồng.
“Nếu so với kinh phí để tổ chức một chương trình truyền hình thực tế thì số tiền trên không thấm vào đâu. Nhưng hiện tại, để tìm được công ty kết hợp tài trợ tổ chức cuộc thi âm nhạc lớn này cũng khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi hi vọng sớm tìm được nguồn vốn để tổ chức cuộc thi âm nhạc thế giới đầy uy tín này tại Việt Nam. Nếu mọi việc suôn sẻ thì khoảng 2016- 2017 cuộc thi sẽ diễn ra tại Hà Nội”, Bùi Công Duy trải lòng.
Theo Nguyễn Hằng - Dân Trí