Văn nghệ thế giới
Trung Quốc xây dựng nền văn học mạng “lành mạnh, chất lượng”
08:57 | 12/01/2015

Theo chỉ thị mới được Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SAPPRFT) ban hành, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nền công nghiệp văn học  mạng nhằm tạo nên môi trường sáng tạo lành mạnh và chất lượng hơn trong vòng 3-5 năm tới.

Trung Quốc xây dựng nền văn học mạng “lành mạnh, chất lượng”

Chỉ thị này được đưa ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị quan trọng diễn ra hồi tháng 10/2014, với sự tham dự của nhiều nhà văn, diễn viên, nhà biên kịch nổi tiếng. Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình thúc giục các nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật sâu sắc và truyền cảm hứng về đạo đức nhằm phục vụ công chúng và và nêu được những giá trị xã hội cốt lõi hiện nay. Các nghệ sĩ không nên “đánh mất mình trong nền kinh tế thị trường hay đi lạc lối, nếu không tác phẩm của họ sẽ thiếu sức sống. Nghệ thuật không nên là “nô lệ của thị trường và tiền bạc”.

Theo chỉ thị mới ban hành, văn học mạng đã trở thành một phần quan trọng trong nền công nghiệp xuất bản kỹ thuật số của Trung Quốc, đang tạo dựng được tiếng vang rộng rãi trong độc giả trẻ và người yêu văn học.

Tuy nhiên, văn học mạng đang tràn ngập những tác phẩm bị cáo buộc “đạo văn”, sao chép nhằm tìm kiếm lợi nhuận kinh tế. Hơn nữa, nền công nghiệp này còn chưa được các nhà chức trách giám sát một cách đúng mức.

Chỉ thị này còn nhấn mạnh rằng, nền văn học mạng nên phục vụ công chúng và chủ nghĩa xã hội, nên đi theo xu hướng thời đại và đáp ứng được nhu cầu của công chúng, nên ưu tiên các tác động và giá trị xã hội. Thêm nữa, các nhà văn nhất thiết phải coi công chúng là trung tâm và chủ đề trong các tác phẩm của họ. Các nhà xuất bản trong nền công nghiệp này nên chú trọng tới các tác phẩm có chất lượng với những ý tưởng mang tính cách tân nhằm đẩy mạnh được sức lôi cuốn của văn học mạng.

Chỉ thị còn kêu gọi thiết lập cơ chế hành chính cho các nhà văn, tăng cường đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, khuyến khích các công ty xuất bản nhà nước xuất bản trên mạng và văn học mạng Trung Quốc nên gia nhập vào thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, chỉ thị còn nêu ra một số biện pháp nhằm nuôi dưỡng nền công nghiệp văn học mạng, như hướng dẫn các nhà phê bình trực tuyến, thiết lập hệ thống đánh giá, thúc đẩy công nghệ mới nhằm quảng bá văn học mạng, đẩy mạnh việc bảo vệ tác quyền và trừng nghị nghiêm những nội dung khiêu dâm và “gây hại” khác.

Theo Tuấn Vĩ - TT&VH

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng