Văn nghệ thế giới
Phát hiện tranh của Leonardo Da Vinci trong... tranh Van Gogh
14:32 | 16/03/2015

Mới đây, giới nghiên cứu hội họa lại “nóng lên” vì một phát hiện mới khi người ta tìm thấy trong tranh Van Gogh một bức tranh của… Leonardo Da Vinci.

Phát hiện tranh của Leonardo Da Vinci trong... tranh Van Gogh
Bức “Thềm quán cà phê về đêm” của Van Gogh khắc họa một nhóm người đang ngồi ở một quán cà phê khi đêm xuống trên thành phố Arles, Pháp.

Nhà nghiên cứu hội họa người Mỹ Jared Baxter mới đây đã đưa ra luận điểm thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật, rằng danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh có thể đã đưa bức “Bữa tối cuối cùng của Chúa” (Leonardo da Vinci, 1495-1498) vào bức “Thềm quán cà phê về đêm” (1888).
 

Bức
“Bữa tối cuối cùng của Chúa” do Leonardo da Vinci thực hiện.
Bức “Bữa tối cuối cùng của Chúa” do Leonardo da Vinci thực hiện.

Ông Baxter cho rằng nhóm người xuất hiện trong bức tranh của Van Gogh có một nhân vật đứng ở vị trí trung tâm với mái tóc dài, người này được vây quanh bởi 12 người khác, ngoài ra, còn có một người đứng tách ra khỏi đám đông - ở chỗ cửa quán. Những hình ảnh này gợi liên tưởng tới Chúa và 13 tông đồ trong “bữa tối cuối cùng”.

Thực tế, phát hiện của ông Jared Baxter cũng trùng khớp với nhận định đã được đưa ra từ lâu rằng Van Gogh thường lồng ghép những biểu tượng tôn giáo vào các tác phẩm hội họa của mình.

Phát hiện mà ông Baxter đưa ra nhận được sự ủng hộ từ nhiều chuyên gia nghiên cứu hội họa. Trong tranh, người ta còn bắt gặp hình ảnh những cây thập tự, rõ nét nhất là hình ảnh được tạo nên bởi chấn song cửa sổ nằm ở phía trên nhân vật trung tâm của bức tranh.

Nhân vật trung tâm này có mái tóc dài, đang mặc một chiếc áo dài màu trắng, là tạp dề của người phục vụ bàn, nhưng cũng đồng thời gợi nhớ tới hình ảnh Chúa. Ngoài ra, khi phóng đại hình ảnh nhân vật trung tâm này lên, người ta còn tìm thấy hình cây thập tự trên ngực nhân vật.

Chân dung tự họa của Van Gogh
Chân dung tự họa của Van Gogh

Nhà nghiên cứu Jared Baxter không phải là người đầu tiên nhận thấy rằng trong những bức tranh của Van Gogh có nhiều yếu tố tôn giáo.

Thập niên 1990, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Nhật - Tsukasa Kodera - cũng từng xuất bản một số cuốn sách nghiên cứu về việc Van Gogh thường đưa những biểu tượng Thiên Chúa vào các bức tranh của mình.

Ông Kodera đã lấy nhiều dẫn chứng, trong đó có bức “Người gieo hạt” (1888), hình ảnh mặt trời đang lặn ở phía hậu cảnh của bức tranh, tạo thành một vầng hào quang cho “người gieo hạt” - nhân vật chính của tác phẩm.

Bức
“Người gieo hạt” (1888)
Bức “Người gieo hạt” (1888)

Năm 2004, một giáo sư ở trường Đại học California (Mỹ) - bà Debora Silverman - cũng xuất bản cuốn “Van Gogh và Gauguin: Cuộc kiếm tìm nghệ thuật thần thánh”, trong đó, bà Silverman khẳng định “nghệ thuật của Van Gogh đã phát triển trở thành một phong cách sáng tác mang đầy tính biểu tượng, mà người ta có thể gọi là hiện thực thần thánh”.

Những bức tranh của Van Gogh luôn khắc họa những con người, cảnh vật, công việc hiện thực, nhưng đằng sau đó, lại kín đáo đưa vào những biểu tượng thần thánh.

Trước khi tìm đến với hội họa, Van Gogh đã từng muốn trở thành một mục sư giống như cha của mình - ông Theodorus van Gogh. Bác của Van Gogh cũng là một nhà thần học nổi tiếng ở Hà Lan.

Bức
“Người gieo hạt” (1888)
 

Trong những ngày tháng học tập để trở thành mục sư, Van Gogh đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ gia đình, nhưng cuối cùng, ông lại không đủ khả năng để tốt nghiệp khóa học và cũng không đạt được thành tựu nào trong những năm tháng làm một người thuyết pháp tự do cho dân nghèo.

Cuối cùng, ở tuổi 27-28, Van Gogh quyết định trở thành họa sĩ và thực hiện được gần 900 tác phẩm hội họa trong vòng một thập kỷ trước khi ông qua đời năm 1890.

Trong thời gian sáng tác bức “Thềm quán cà phê về đêm”, Van Gogh đã viết thư cho người em trai - Theo van Gogh - để nói rằng ông đang “có một nhu cầu dữ dội đối với chủ đề tôn giáo”.

Sắc vàng trong bức tranh đưa tới liên tưởng về thiên đường, hình ảnh chiếc đèn lồng và ánh sáng phát ra, tỏa xuống nhân vật trung tâm (người phục vụ bàn) có thể liên tưởng tới vầng hào quang. Ngoài ra, những hình ảnh họa theo cây thập tự cũng có thể được tìm thấy từ phía dãy nhà nằm khuất trong bóng tối.

Bức
“Bên trong nhà hàng Carrel ở Arles”
Bức “Bên trong nhà hàng Carrel ở Arles”

Có thể thấy một lòng sùng đạo thành kính trong tranh Van Gogh. Một ví dụ khác cũng thường được các nhà nghiên cứu nhắc tới, đó là bức “Bên trong nhà hàng Carrel ở Arles”. Người ta cho rằng bức này cũng lấy cảm hứng từ bức “Bữa tối cuối cùng của Chúa”.

Trong bức tranh, cũng xuất hiện một nhân vật đứng ở vị trí trung tâm - người phục vụ bàn mặc tạp dề trắng, hai bên là những người đang dùng bữa. Những dãy bàn chạy về phía tiền cảnh đặt bánh mì, chai nước, chai rượu…

Nguồn: Bích Ngọc (Theo Huffington Post) - Dân Trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng