Văn nghệ thế giới
Người khổng lồ của tiểu thuyết hiện đại Mỹ
08:19 | 18/06/2015

Saul Bellow là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học hiện đại Mỹ thế kỷ XX. Tác phẩm của ông khiến người đọc chìm sâu trong những suy nghĩ đầy ắp trí tuệ. 

Với rất nhiều giải thưởng văn học đã nhận, trong đó có giải Nobel danh giá, ông được coi là một trong số ít những nhà văn Do Thái tên tuổi nhất xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Nhà văn Saul Bellow sinh ngày 10/6/1915, tại tỉnh Quebec, Canada, trong một gia đình người Do thái di cư từ Nga. Khi lên 9 tuổi, ông cùng với gia đình chuyển đến sinh sống ở Chicago. 

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, Bellow đã đọc Shaskespeare, nói thông thạo 4 ngoại ngữ. Ông học nhân chủng học, xã hội học và văn học ở Đại học Chiacago, Mỹ.

Không chỉ là một trong những nhà văn hiện thực hàng đầu nước Mỹ, tên tuổi của Saul Bellow còn vượt ra khỏi biên giới và đã trở thành một hiện tượng văn học thế giới. Ông hay dùng biểu tượng và miêu tả xã hội những người Do Thái lưu vong, tủi nhục và những người trí thức Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Các nhân vật của Bellow thường có một tâm hồn khắc khoải, cô quạnh không thông cảm được với xã hội đương thời, nhưng tác giá vẫn tôn trọng giá trị con người và có hoài bão nhân đạo.

Nhà văn Saul Bellow ở Chicago năm 1976.

Bắt đầu nghề viết bằng những bài điểm sách cho các báo, ông đã bước dần vào làng văn và được đánh giá cao ngay từ tác phẩm đầu tay: “Tứ cố vô thân” (Hay còn được dịch là Người lơ lửng - Dangling Man, xuất bản năm 1944), kể về một kẻ không có vị trí xã hội, không biết thích ứng với hoàn cảnh.

Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của Augie March”, xuất bản năm 1953, khắc họa hình ảnh một thanh niên trưởng thành trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ. Tác phẩm là một ví dụ kinh điển của những cuốn tiểu thuyết viết về quá trình từ một chàng trai mới lớn trở thành một người đàn ông thực thụ, thông qua hàng loạt những sự việc và biến cố, những công việc và các mối quan hệ... Tác phẩm này đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp văn chương của ông, mang lại cho Bellow giải thưởng văn học quốc gia đầu tiên vào năm 1954. 

Tác phẩm “Sống từng ngày” (xuất bản năm 1956), nói về người Mỹ Do Thái; “Henderson, thần mưa” (xuất bản năm 1959), nói về một giấc mơ một cuộc sống hài hòa có ý nghĩa..., đến năm 1964, Bellow hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Herzog”. Đây là một cuốn tiểu thuyết có nhiều nét tự truyện, nói về đời sống nội tâm của một trí thức Mỹ với những phân tích sâu sắc về tương quan xã hội và các trào lưu tư tưởng ở Mỹ trong những năm 50 của thế kỷ XX. Tác phẩm này đã đưa Bellow đến với giải thưởng văn học quốc gia thứ hai vào năm 1965. Ông tiếp tục được trao giải thưởng này vào năm 1971 với tác phẩm “Hành tinh của ông Sammler”. 

Trong những năm cuối thế kỷ XX, Bellow còn tiếp tục viết nhiều tác phẩm ngày càng sắc bén hơn trong việc đề cập đến những vấn đề chính của sự tồn tại như: “Nhiều người chết vì con tim tan nát” (xuất bản năm 1987); “Thời sự” (xuất bản năm 1997); “Ravelstein” (xuất bản năm 2000)... Để các nhân vật lơ lửng giữa bầu trời và mặt đất, nhà văn ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thế giới của "bầu trời" - những bí mật của cái chết, cái mỏng manh của sự sống, vào sức mạnh của tình yêu.

Theo giới phê bình văn học, nhân vật trong tiểu thuyết của Bellow thường là hình ảnh của một kẻ mất chân đứng hay một kẻ cố gắng tìm một chỗ đứng trong khi lang thang qua thế giới đang lung lay sụp đổ. Tác phẩm của ông để lại cảm giác về sự phong phú trong tư tưởng, đưa người đọc chìm sâu trong những suy ngẫm đầy ắp trí tuệ, độ căn tuyệt đối về triết lý. 

Saul Bellow là người khổng lồ của tiểu thuyết hiện đại Mỹ.

Ông biết mô tả một cách rõ ràng và tổng thể sự tồn tại của những thành phố khổng lồ kiểu Mỹ và nhịp sống thường nhật. Trong tiểu thuyết của ông không chỉ có các tư tưởng, mà còn có tiếng chim hót, cảnh tuyết tan, mưa rơi, đường phố ồn ào, tiếng bánh xe rít trên đường ray. Một nhà chính luận đã viết: "Nếu tâm hồn là sự thể hiện tinh khiết nhất, rõ ràng nhất, sống động nhất và sâu sắc nhất của lý trí, thì Below đã đem lại cho nền văn học Mỹ tâm hồn đó".

Với những tác phẩm có giá trị và tầm ảnh hưởng lớn nên đến năm 1976, Saul Bellow đã được trao Giải Nobel văn chương, vì ông đã đưa "chủ nghĩa nhân văn hòa quyện với sự phân tích chính xác, sâu sắc văn hóa đương đại". Giải thưởng danh giá này đã đưa tên tuổi của Saul Bellow lên ngang hàng với những nhà văn Mỹ đi trước ông như Ernest Hemingway, William Faulkner. 

Ngày 6/7/2005, nhà văn Saul Bellow đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Brookline, bang Masachuset, thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại một “khoảng trống” lớn cho giới văn học Mỹ và thế giới. 

Nhận xét về Saul Bellow, tiểu thuyết gia lừng danh người Mỹ, Philip Roth đã nói: Saul Bellow là người khổng lồ của tiểu thuyết hiện đại Mỹ. Cùng với một nhà văn nổi tiếng khác là William Faulkner, Saul Bellow được coi là trụ cột của văn học Mỹ thế kỷ XX.

Theo TL - TTXVN

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng