Văn nghệ thế giới
Chuyện đời yogi có gì lạ?
14:58 | 17/09/2015

“Tác phẩm được Steve Jobs đọc lần đầu ở tuổi thiếu niên, sau đó đọc lại ở Ấn Độ và từ đó mỗi năm đều đọc lại một lần”, người viết tiểu sử của Steve cho hay. Dòng chữ này được in đậm và cài vào bìa cuốn Tự truyện của một Yogi - tác phẩm văn học tâm linh quan trọng của thế kỷ vừa được NXB Lao Động ấn hành.

Chuyện đời yogi có gì lạ?
Con tem do chính phủ Ấn Độ phát hành năm 1977, kỷ niệm 25 năm ngày Paramahansa Yogananda “nhập tịch”.

Như vậy cái tên Steve Jobs ngoài gắn với đời sống tiêu dùng còn có tác dụng quảng bá một trong 100 cuốn sách tâm linh hay nhất thế kỷ - danh sách do NXB HarperCollins lập năm 1999. Khoa học thực nghiệm mới chỉ phát triển mấy trăm năm trở lại đây đã đạt được những thành tựu như… Iphone. Còn những thành tựu tâm linh con người đạt được trong lịch sử ngàn vạn năm sẽ như thế nào? Thỉnh thoảng chúng ta hay đọc được những mẩu tin nói về một nhà yoga nhịn ăn, nhịn thở… trong nhiều ngày vẫn không hề hấn gì. Tự truyện của một Yogi của Paramahansa Yogananda, ra mắt lần đầu năm 1946 tại New York, ghi lại những năng lực còn hơn thế.

Với những tình tiết ly kỳ trong cuộc đời của các bậc thầy mà tác giả được chứng kiến, Tự truyện của một Yogi đã có sức hấp dẫn với độc giả tò mò. Cuốn sách bộc lộ một kiến văn rộng lớn và một tinh thần cởi mở. Ở Mỹ, Yogananda giảng Kinh thánh cho cả những tín đồ của đạo Thiên Chúa. Cảm nghĩ của TS. Binay R. Sen (nguyên Đại sứ Ấn Độ ở Mỹ) khi diện kiến Yogananda: “Tôi nhận thấy sự đồng cảm và tri kiến của thầy mở rộng đến cả những vấn đề đời thường nhất, dù thầy là một người của Tinh thần”.

Tất nhiên, Paramahansa Yogananda ghi chép kỹ lưỡng hơn bất kỳ ký giả nào vì ông là người trong cuộc và có trí nhớ siêu phàm. Và cũng không phải đệ tử nào cũng dám tả đến cả nỗi sợ của thầy mình (đoạn Sri Yukteswar biết tin mình sắp đi). Qua những chi tiết “đời” như vậy, tác giả như muốn chúng ta biết rằng các bậc thầy cũng (từng) là người thường, và người bình thường cũng tiềm ẩn trong mình năng lực như bậc thầy. Như Yukteswar sau khi xong các phận sự gia đình mới toàn tâm toàn ý với pháp môn yoga.

Paramahansa Yogananda dùng ngay những quy luật vật lý phổ quát giải thích những gì chúng ta cho là phép lạ. Ông khái quát thuyết tương đối của Einstein chỉ trong vài dòng. Bên cạnh những chân dung siêu phàm, tự truyện của Yogananda phác họa những nhân vật nổi tiếng cùng thời, không thể thiếu Rabindranath Tagore hay Mahatma Gandhi. Một tuyên ngôn của Mahatma Gandhi, người không cần gây mê khi mổ ruột thừa, được sách trích: “Tôi tự gọi mình là người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng chủ nghĩa dân tộc của tôi cũng bao la như vũ trụ. Phạm vi của nó bao gồm mọi dân tộc trên địa cầu…”. Với lòng cảm mến, Yogananda đã quỳ xuống chạm chân Gandhi, rồi đến lượt Gandhi lại nhận Yogananda làm sư phụ. Cùng quan tâm đến thế hệ tương lai, cả Yogananda và Tagore đều mở trường để trẻ em được phát huy năng lực bẩm sinh một cách tốt nhất.

GS W.Norman Brown (ĐH Pennsylvania, Mỹ) phát biểu: “Chúng tôi tin rằng không một ngành học nào, nhất là ngành nhân văn ở bất kỳ trường đại học lớn nào… mà lại thiếu một chuyên gia được đào tạo bài bản về môn học các giai đoạn phát triển của Ấn Độ”. Lúc lời này được phát ngôn (1939), trong tâm thức phương Tây, hai chữ Ấn Độ có lẽ gần như tương đồng với “minh triết”. Hơn 500 trang Tự truyện của một Yogi mở cánh cửa đủ rộng để người đọc tiếp cận Ấn Độ ở khía cạnh đẹp nhất: nơi lưu truyền những thành tựu tâm linh nhân loại.

Theo N.M. Hà - TP
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng