Văn nghệ thế giới
Những bí ẩn từ một ngôi mộ cổ
09:40 | 19/05/2009
Bộ phim truyền hình nhiều tập Trung Quốc Truyền kỳ về nàng Tân Truy (đang được chiếu trên Đài Truyền hình Hà Nội) đã thu hút sự đón xem của đông đảo khán giả yêu phim ảnh. Nhưng không phải ai cũng biết xuất phát của bộ phim này bắt đầu từ một cuộc khảo cổ cách đây 37 năm với những bí mật mà cho tới nay vẫn chưa được giải mã hoàn toàn.
Những bí ẩn từ một ngôi mộ cổ
Khuôn mặt người phụ nữ bí ẩn được vẽ lại theo thi hài

Năm 1972, một đơn vị quân đội Trung Quốc trong quá trình đào hầm phòng không ở khu vực ngoại thành của thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đã phát hiện ngôi mộ cổ Mã Vương Đôi đời Hán và liền báo cáo về Viện Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Người phụ trách Viện Khảo cổ khi đó là ông Hạ Nãi cùng một số nhân viên lập tức tới hiện trường. Được hơn 30 xã viên của một đội sản xuất gần đó trợ giúp, Viện Khảo cổ đã khai quật được thi hài một phụ nữ chôn từ đời nhà Hán cách đây hơn 2.000 năm mà da vẫn tươi và đàn hồi khi sờ vào! Phát hiện này gây chấn động giới khảo cổ. Khi đó Thủ tướng Chu Ân Lai nói: Thi hài người phụ nữ trong mộ Mã Vương Đôi đã được bảo quản hơn 2.000 năm, liệu Trung Quốc có thể bảo quản thêm 200 năm nữa không? Bí ẩn từ ngôi mộ cổ này đã đặt ra cho các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ khi đó hai vấn đề.
 
Một là, kỹ thuật bảo quản xác ướp của người xưa ra sao để có thể giữ thi hài hơn 2.000 năm mà không bị thối rữa? Thứ hai, người phụ nữ này là ai mà lại được an táng theo nghi thức bậc nhất như vậy?
 
35 năm trôi qua, ngày 15/1/2007, Chủ nhiệm Trung tâm bảo vệ văn vật cổ khu mộ Mã Vương Đôi thuộc Đại học Trung Nam, giáo sư - tiến sĩ La Học Cảng, cho biết thi hài ở ngôi mộ đời Hán nói trên là của Tân Truy phu nhân. Trước đó 5 năm, Viện Khảo cổ đã cho di chuyển thi hài này tới nơi có khả năng bảo quản lâu hơn. Phòng bảo quản luôn duy trì nhiệt độ từ 0 tới 4°C, vô trùng, quan tài được bịt kín trong chân không, đồng thời có dung dịch chống phân hủy. Tuy nhiên do khi khai quật, điều kiện bảo quản không tốt, vì vậy hiện giờ da mặt của thi hài trắng xanh, không được hồng hào, thân thể hơi bị trương lên, nhưng xương cốt vẫn tốt.

Giáo sư La nói rằng cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được những bí ẩn về thuốc ướp xác giúp giữ thi hài không bị thối rữa mà vẫn hồng hào trong hơn 2.000 năm. Theo ông La, khi khai quật, trong quan tài có dung dịch màu hồng, được xem là thuốc ướp xác. Qua nghiên cứu cho thấy dung dịch này rất phức tạp, bao gồm các chất như thạch tín, chu sa, thủy ngân... Ngoài ra, còn phát hiện trong quan tài có rất nhiều vị thuốc bắc. Thời gian qua, Trung Quốc cũng khai quật nhiều mộ cổ khác và phát hiện những chất tương tự như trên trong quan tài, nhưng thi hài lại bị phân hủy chỉ còn lại hài cốt, còn của Tân Truy phu nhân vẫn nguyên vẹn. Bí ẩn này có thể do phương pháp và tỷ lệ pha chế các chất ướp xác. Ngoài ra, môi trường khi chôn khô ráo, quan tài bịt rất kín, cách biệt hoàn toàn với không khí bên ngoài cũng có thể là những yếu tố góp phần giữ thi hài hơn 2.000 năm.

Một phụ nữ địa vị không cao, chỉ là phu nhân của Tướng quốc Trường Sa, mà lại được chôn cất theo cách thức đặc biệt như vậy, với những thứ đồ táng xa xỉ, trong đó có chiếc áo bằng the mỏng chỉ nặng 49 gram, là bí ẩn khiến các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử đau đầu. Sau một thời gian dài nghiên cứu, đối chiếu các tư liệu lịch sử, tới năm 2003, các nhà khoa học tạm giải mã về bí ẩn này như sau:

Năm 202 trước công nguyên, Tân Truy là cô gái 16 tuổi vùng Hồ Nam có sắc đẹp tuyệt trần được gả cho Giang Hạ Vương Phủ. Trong ngày hôn lễ, khi bị đại quân Hàn Tín tấn công phá thành, vương thất của Giang Hạ quyết không đầu hàng nhưng chỉ có Tân Truy dám mở cửa thành chất vấn Hàn Tín về hành động này. Vẻ đẹp cũng như tính tình của Tân Truy khiến Hàn Tín đem lòng yêu mến người nữ tù binh này. Hoàng đế Lưu Bang khi thấy Tân Truy đã say đắm và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng từ tay Hàn Tín. Vậy là mâu thuẫn trong triều Hán bắt đầu nảy sinh, Lưu Bang tìm cách diệt các vị tướng có công dựng nước vì sợ họ làm phản, trong đó có Hàn Tín, đồng thời đoạt lấy mỹ nhân Tân Truy.
 
Sau thời gian ở với Lưu Bang, Tân Truy đã trốn khỏi cung trong khi mang thai. Đứa con mà Tân Truy sinh ra được mạo nhận là con của vương phi họ Bạc để đưa vào cung và lấy tên là Lưu Hằng, còn Tân Truy lưu lạc trong thiên hạ. Sau khi Lưu Bang chết, Lã Hậu phế bỏ Thái tử Lưu Thắng để xây dựng thế lực họ Lã. Các quan trong triều đã liên kết với nhau để tiêu diệt họ Lã, lập Lưu Hằng lên ngôi, hiệu là Hán Văn Đế. Sau khi biết về mẹ đẻ của mình, Hán Văn Đế đã cho người đi tìm khi Tân Truy đang là vợ của một thường dân. Hán Văn Đế đưa bà về cung và phong cho người cha dượng là Tướng quốc Trường Sa. Tân Truy qua đời lúc trên 50 tuổi và được Hán Văn Đế cho an táng với nghi lễ cao nhất.
 
Sau khi nghiên cứu các tư liệu lịch sử, năm 2004 đạo diễn Lý Vĩ đã làm bộ phim truyền hình Khúc bi ai Đại Hán. Phim công chiếu lần đầu vào năm 2005, sau đó được sửa lại và lấy tên là Truyền kỳ về nàng Tân Truy.

Đạo diễn Lý Vĩ cho biết: “Tân Truy là một nhân vật thực sự huyền bí, truân chuyên, khát khao tình yêu... Nhưng quan hệ tình yêu của bà đã nằm trong vòng xoáy mâu thuẫn của lịch sử khi đó. Tất cả những gì bà đã trải qua là một thiên tình sử bi ai. Tư liệu lịch sử cũng cho biết một trong những nguyên nhân khiến Hàn Tín bị Lưu Bang hãm hại là vì mối tình sâu nặng với Tân Truy. Bởi vậy, khi xây dựng phim này, chúng tôi lấy Tân Truy và tình yêu làm điểm nhấn, đồng thời đã đưa lên màn ảnh các nhân vật lịch sử cũng như tính cách của họ, qua đó thể hiện những âm mưu, mâu thuẫn, sự tranh giành quyền lực trong triều đại nhà Hán khi đó... Khi hư cấu các tình tiết của truyện phim, chúng tôi đều tham khảo ý kiến của Giám đốc Viện bảo tàng văn vật Khu mộ cổ đời Hán Mã Vương Đôi. Và khi duyệt phim, Đài Truyền hình Trung ương cũng mời 3 chuyên gia về đời Hán tham gia thẩm định ở khía cạnh lịch sử để đảm bảo tính chân thực ...”. Điều thú vị là nữ diễn viên thủ vai Tân Truy trong phim này - Tả Tiểu Thanh - cũng sinh ra ở Hồ Nam, cùng quê với nhân vật mà cô thể hiện.

                                                                                               Theo TT&VH Cuối tuần

Các bài mới
Các bài đã đăng