Mùa thu năm 1921, giới báo chí Mỹ xôn xao khi biết tin Chaplin, một diễn viên nổi tiếng vì hài kịch và phim câm, định đóng vai Hamlet. Đi tới đâu ông cũng bị họ vây lại để “hỏi cho ra nhẽ”. Nhưng lần nào cũng vậy, ông đều đưa ra một câu trả lời dè dặt và khá mơ hồ: “Tại sao lại không được? Tôi không hiểu.”
Năm 1921, Chaplin ra mắt The Kid (Đứa trẻ), bộ phim hài đầu tiên có độ dài như phim chính và là một bộ phim đặc biệt, pha trộn hài hòa giữa chất bi và chất hài. Tham vọng của Chaplin là muốn ngay lập tức có thể “hút” được mọi cung bậc cảm xúc của khán giả trong khi không làm mất đi sự thống nhất trong cốt truyện.
Nhiều người cho rằng Chaplin quá tham vọng, nhất là với phương tiện ông sử dụng là điện ảnh. Chính trị gia Gouverneur Morris, người bạn vong niên của ông, can ngăn: “Rồi chẳng đâu vào đâu đâu. Phải chọn thuần một thứ thôi, hoặc là bi hoặc là hài; cậu không thể trộn lẫn cả hai lại được, nếu không sẽ hỏng cả câu chuyện.”
Nhưng từ trước đó, Chaplin đã biết về những cảm xúc phức tạp, không tuần túy vui vẻ hay thuần túy buồn đau mà ông tạo ra cho các khán giả của mình. Năm 1914, sau khi xem một vở hài kịch dài 20 phút của ông, một nữ diễn viên tìm đến ông, vừa khóc vửa nói: “Tôi biết đây là phim hài, nhưng không hiểu sao ông lại khiến tôi phải khóc thế này.”
The Kid thành công rực rỡ. Nhưng cái giá phải trả cho sự thành công đó là sức khỏe của Chaplin, cả về thể chất và tinh thần. Bộ phim ra mắt tháng 1/1921; tới mùa thu cùng năm, ông bị ốm và trầm cảm, và da diết nhớ nước Anh.
Ông bị người hâm mộ bám đuổi khắp nơi; có lúc ông còn bị họ xô vào giành giật khiến quần áo đang mặc trên người cũng bị xé toạc. Đến đâu ông cũng bị phát hiện ra: trong các câu lạc bộ, trong các phòng tắm công cộng, thậm chí là cả trong các phòng tắm hơi – nghĩa là dù mặc gì hay không mặc gì trên người, ông vẫn bị phát hiện. Đối với Chaplin, danh tiếng có nghĩa là con người thực tế của ông, xét ở nhiều khía cạnh, đã khiến người hâm mộ thất vọng. Họ băn khoăn: Tại sao trông ông lại “loẻo khoẻo” thế này? Tại sao ông không thấp bé hẳn đi, sao chân không to hẳn ra, và ngoại hình thậm kỳ quặc vào? Về thực chất, người hâm mộ muốn nhìn thấy ở ông một người giống với nhân vật Gã Lang thang mà ông đã thể hiện rất thành công. Vậy nên khi nhìn thấy ông ngoài đời, “ai ai cũng nghi hoặc không biết tôi có đích là Charlie Chaplin thật hay không,” ông nói.
Những sự ngờ vực này cũng ám ảnh bản thân Chaplin, khiến ông rơi vào tình thế bế tắc hệt như Hamlet. Thực ra, vào năm 1921, ông rơi vào trạng thái bế tắc ở mọi phương diện. Lúc này, ông đang trong quá trình hoàn thiện hợp đồng vay vốn với ngân hàng và đang chuẩn bị thành lập hãng sản xuất phim riêng, United Artists. Ông cũng vừa trải qua cuộc ly dị đầy cay đắng với người vợ đầu Mildred Harris. Ông lập kế hoạch đi châu Âu để nghỉ ngơi, nhưng rốt cuộc chuyến đi này lại khiến cho cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của ông lên tới đỉnh điểm.
Năm 1922, Chaplin là ai? Ông không biết câu trả lời. Ông chỉ có thể nhìn thấy bản thân mình qua con mắt của những người hâm mộ, những người mà tình yêu của họ dành cho ông vừa khiến ông sợ lại vừa khiến ông cảm thấy hồ hởi. Ai gặp ông cũng nói với ông rằng hẳn là ông phải hạnh phúc lắm khi được yêu mến như vậy, khi có bạn bè khắp nơi trên thế giới như vậy. Nhưng không phải thế. “Chaplin” kia mới là người có bạn bè khắp nơi trên thế giới. Chaplin này lại rất đỗi cô đơn.
***
Trong bối cảnh này, hoàn toàn có thể hiểu được tại sao ông lại mong muốn được chạy thoát khỏi chính mình như thế. Vào thời gian này, ông vẫn đang mê mải tìm hiểu ý nghĩa của hai từ đất nước đối với mình. Liệu nước Mỹ có phải là quê hương hay chỉ là sân khấu của ông?
Các nhân vật của ông cũng đứng trước tình trạng này. Các bộ phim của Chaplin đâu đó đều nhấn mạnh đến sự không chắc chắn, bất ổn định, mất mát và thay đổi.
Và vì vậy, nhân vật Hamlet kia có lẽ cũng phù hợp với ông. Hamlet cũng băn khoăn và bế tắc, không biết mình phải là người như thế nào, là con người của hành động, một vị thần báo thù hay một kẻ ngớ ngẩn điên dại và lảm nhảm, không biết mình là ai và khiến mọi người xung quanh phải chịu đựng vì điều đó.
Về sau này, ý niệm quê hương còn khiến ông nhức nhối hơn nữa khi ông bị buộc phải rời bỏ Mỹ, đất nước mà ông thừa nhận làm Tổ quốc, vì lập trường chính trị. (Năm 1952, khi Chaplin quay trở lại Anh nhằm quảng bá cho bộ phim mới của mình, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cấm ông trở lại Mỹ do họ cho rằng ông theo Chủ nghĩa Cộng sản) Năm 1957, ông chuyển tới Switzerland và sống những ngày cuối đời trong một tòa lâu đài (tòa lâu đài này hiện nay trở thành bảo tàng tưởng niệm cuộc đời và sự nghiệp của ông). Giống như Gã Lang thang, gần như suốt cả cuộc đời mình ông là kẻ tha phương không quê quán, và ông ý thức rõ về điều này một cách đau đớn.
“Con người ta không thể quay trở lại quá khứ,” ông viết lời kết trong cuốn hồi ký My Trip Abroad (tạm dịch: Chuyến ra nước ngoài của tôi). “Anh ta cứ tưởng rằng mình có thể, nhưng nhiều chuyện đã xảy đến trong cuộc đời anh ta. Anh ta có thêm những ý tưởng mới, những người bạn mới, những mối gắn kết mới. Anh ta không thuộc về quá khứ của mình, chỉ là quá khứ đã đặt những dấu ấn lên cuộc đời anh ta, có lẽ vậy.”
Về Hamlet, Chaplin chưa một lần vào vai nhân vật này. Tuy nhiên, vài năm sau chuyến đi nước ngoài định mệnh vào năm 1910 đó, khi một phóng viên của New York Times đặt cho ông câu hỏi: “Ông có muốn vào vai Hamlet không?”, ông đã có một câu trả lời khá thẳng thắn: “Con người tôi có quá nhiều bi kịch nên không thể vào vai Hamlet. Chỉ có một diễn viên hài thật vĩ đại mới có thể vào vai nhân vật ấy.”
Nguồn: Quỳnh Ca (theo The Paris Review) - Tia Sáng