Cuộc đời của Vincent van Gogh là sự đan xen giữa những giây phút tỉnh táo và mất trí.
Danh họa trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc khi ông lạc quan về sự nghiệp hội họa của mình và về những công trình mà ông đang sáng tác. Ông cũng có nhiều khi rơi vào tuyệt vọng khi nhận ra mình bị bệnh và căn bệnh này sẽ khiến ông không thể sống cuộc đời bình thường được. Tuy nhiên, xuyên suốt những giai đoạn lên xuống thất thường đó, ông cũng có cho mình một vài điều bất biến – đó là khao khát vẽ và người em trai Theo. Theo luôn chăm sóc cho Vincent, cả về mặt tinh thần và vật chất. Nhưng ngay cả Theo, người em trai kiêm người bạn tâm tình của van Gogh, cũng không thể ngăn cản cái kết đầy bi kịch cho câu chuyện cuộc đời của họa sĩ.
Tại Arles, khi đang sống và vẽ tranh cùng Paul Gauguin, van Gogh lại gặp một đợt rối loạn tâm thần. Nhận thấy thần kinh của họa sĩ bị mất ổn định nghiêm trọng, những người gần gũi với ông, đặc biệt là Theo, đã giục ông vào điều trị trong một bệnh viện tâm thần gần Arles. Trong một lá thư gửi anh trai, Theo an ủi rằng đó chỉ là “một sự nghỉ ngơi tậm thời để anh quay lại với nguồn sức mạnh mới”. Nhận thức được tình trạng bệnh tật của mình, van Gogh đồng ý đi theo một bác sĩ vào viện. Nhưng ngay cả khi đó, vì biết rằng mình sẽ bị hạn chế nhiều, nên tâm trí họa sĩ vẫn hướng về những bức tranh. Ông viết thư cho Theo để bàn về tác phẩm mới của mình.
Đầu tháng Năm năm 1889, van Gogh chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Saint-Paul ở Saint-Rémy. Trong một năm tiếp theo, hầu như van Gogh chỉ sinh hoạt trong khuôn viên bệnh viện. Tại đây, ông đã vẽ nên nhiều trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình như bức Hoa Diên Vĩ và Đêm Đầy Sao. Tháng Năm năm sau, ông viết thư cho Theo nói rằng: “Anh cảm thấy ổn định lại rồi, và trong tình trạng hiện nay, anh không cho rằng một đợt rối loạn thần kinh nào có thể dễ dàng xảy đến với anh đâu.” Cho rằng không còn việc gì làm ở Saint- Rémy nữa, van Gogh quay trở về bắc vào tháng Năm năm 1890.
Họa sĩ Camille Pissarro khuyên Theo nên đưa van Gogh tới Auvers-sur-Oise, phía bắc Paris, để điều trị với bác sĩ Gachet. Theo cho rằng van Gogh sẽ hòa hợp với bác sĩ Gachet bởi ông là người yêu thích nghệ thuật và sưu tập nhiều bức tranh của những nghệ sĩ mà van Gogh kính trọng. Khi tới Auvers, lúc đầu van Gogh không có ấn tượng gì đặc biệt với bác sĩ Gachet, nhưng cho rằng cứ nên thử xem sao. Ngay từ đầu van Gogh đã bỏ qua lời khuyên của bác sĩ Gachet, ông không thuê trọ ở quán rượu mà bác sĩ giới thiệu mà lại quyết định ở quán Auberge Ravoux.
Trong nhiều tuần lễ, tinh thần của van Gogh rất thoải mái. Ông tới thăm gia đình em trai Theo ở Paris, nhưng nhận thấy nhịp sống thành thị ồn ào quá nên ông quay trở về với khung cảnh thôn dã ở Auvers. Trong những tuần cuối cùng, ông đã vẽ 70 bức tranh – quả là một cách hoàn hảo để một người nghệ sĩ có thể khỏi bận tâm về chính mình. Ông vẽ cảnh thị trấn, phong cảnh, và con người. Ông cũng vẽ nhiều bức chân dung bác sĩ Gachet, người mà ông đang ngày càng có nhiều thiện cảm. Van Gogh cũng vẽ chân dung của Adeline Ravoux, cô con gái 13 tuổi của người chủ quán rượu nơi ông ở trọ. Tuy còn trẻ, song Adeline nhớ được rất nhiều chi tiết về thời gian van Gogh ở đó, và cô cũng là người chứng kiến những ngày cuối đời của họa sĩ.
Tháng Bảy năm 1890, dường như van Gogh đang có sức khỏe rất tốt. Ông không bị suy nhược thần kinh, không viết về những cơn điên, và vẽ rất nhiều. Tuy nhiên, có lẽ Theo đã cảm nhận được điều gì đó trong những lá thư của van Gogh. Ngày 22 tháng Bảy, Theo viết cho anh trai: “Em sợ là có điều gì đó đang khiến anh phiền lòng hay có trục trặc gì đó. Nếu đúng thế thì anh hãy tới gặp bác sĩ Gachet nhé.” Van Gogh viết thư hồi âm, song không nhắc tới chuyện bệnh tật hay các vấn đề về thần kinh mà chỉ nói về chuyện vẽ tranh.
Phần lớn những gì chúng ta biết được về những ngày cuối đời của Vincent van Gogh cũng như về cái chết của ông đều là qua lời tường thuật của cô bé Adeline Ravoux nhỏ tuổi. Cô kể lại rằng van Gogh duy trì một thói quen sống đều đặn hàng ngày. Buổi sáng ông thức dậy, ăn sáng rồi rời quán rượu để đi vẽ. Sau khi quay về quán để ăn trưa, ông hoặc là ở trong nhà để vẽ tiếp bức tranh còn dang dở hoặc là lại ra ngoài vẽ. Sau bữa tối, ông thường ở trong nhà chơi đùa cùng đứa bé con út của người chủ quán rượu hoặc viết thư. Adeline còn nhớ những đồ họa sĩ thường mặc trên người: một chiếc áo khoác ngắn màu xanh không cổ và một chiếc mũ phớt hoặc mũ rơm. Cô rất thích khi van Gogh ở lại nhà mình. Cô nói: “Ở Auvers, ông ấy lúc nào cũng ôn tồn và dịu dàng. Chúng tôi rất kính trọng ông ấy và thường gọi ông ấy một cách thân mật là ngài Vincent.”
Chủ nhật ngày 27 tháng Bảy năm 1890, van Gogh bắt đầu ngày mới như bình thường với bữa sáng. Họa sĩ rời quán trọ vào lúc trước 9 giờ sáng. Hôm đó, ông không về ăn trưa, cũng không về ăn tối. Gia đình Ravoux thấy lạ bởi van Gogh chưa từng phá lệ. Vào lúc 9 giờ tối, khi cả gia đình họ ngồi ngoài thềm cửa chờ thì van Gogh trở về. Adeline viết:
“Vincent đi cúi gập người, tay ôm bụng, thật khác với thói quen đi lệch vai của ông. Mẹ tôi cất tiếng hỏi: “Ngài Vincent, chúng tôi lo quá. Thật mừng khi thấy ngài quay lại. Ngài gặp chuyện gì sao?”
Ông trả lời, giọng khó khăn: “Không, nhưng tôi…” Ông không nói hết câu mà đi qua phòng khách, bước lên cầu thang và trèo lên phòng ngủ. Tôi đã chứng kiến cảnh đó. Khi ấy trông Vincent lạ quá, đến nỗi bố tôi phải đứng lên đi theo ông để nghe ngóng xem chuyện gì đang xảy ra.”
Nghe thấy tiếng rên, cha cô bước vào phòng và thấy van Gogh đang nằm trên giường, tay ôm bụng. Đáp lại câu hỏi của ông chủ quán trọ, van Gogh vén áo sơ mi lên, chỉ tay vào một vết thương gần tim và nói: “Tôi vừa định tự tử.”
Van Gogh kể lại chuyện ông đi tới cánh đồng lúa mì nơi ông từng vẽ. Theo Emile Bernard, người bạn nghệ sĩ kém van Gogh 15 tuổi, ông để giá vẽ dựa vào một đống cỏ khô và tới đi tới cánh đồng phía sau một tòa lâu đài. Vào buổi chiều, khi ngồi ở cánh đồng, van Gogh rút một khẩu súng lục ra và tự bắn vào mình. Vết thương không gây tử vong ngay lập tức và van Gogh ngã xuống đất nằm bất tỉnh. Nhiều giờ sau, không khí lạnh của buổi tối khiến van Gogh tỉnh dậy. Ông đứng lên và lảo đảo quay lại quán rượu.
Yêu cầu đầu tiên của họa sĩ là tẩu thuốc lá, và ông chủ nhà Ravoux đi châm tẩu thuốc cho ông. Theo yêu cầu của van Gogh, Ravoux cũng cho người đi gọi bác sĩ Gachet tới để băng bó vết thương. Vị bác sĩ đến nhưng không mấy lạc quan về khả năng qua khỏi của van Gogh. Khi bác sĩ Gachet bày tỏ mong ước có thể cứu được van Gogh, họa sĩ nói: “Nếu thế thì tôi phải làm lại một lần nữa.” Khi cảnh sát tới thẩm vấn, van Gogh nói: “Đừng kết tội ai cả, chính tôi muốn tự sát.” Cảnh sát để bác sĩ Gachet và ông Ravoux chăm sóc van Gogh đêm đó. Sáng hôm sau, họ gửi điện tín cho Theo, và Theo lập tức lên đường tới Auvers ngay chiều hôm đó. Tới chiều tối, van Gogh rơi vào trạng thái hôn mê và trút hơi thở cuối cùng lúc 1:30 sáng thứ Ba, ngày 29 tháng Bảy năm 1890.
Xung quanh cái chết của Vincent van Gogh còn có một giả thuyết khác do Steven Naifeh và Gregory White Smith đưa ra trong cuốn tiểu sử Van Gogh: Một cuộc đời ra mắt năm 2011. Họ cũng kết luận rằng vụ bắn xảy ra vào ngày 27 tháng Bảy, và họa sĩ có trở về quán trọ vào buổi tối như lời kể của Adeline Ravoux. Tuy nhiên, họ lại đưa ra giả thuyết khác về những gì xảy ra trên cánh đồng lúa mì. Naifeh và Smith cho rằng van Gogh bị hai thanh niên bắt nạt, trong đó có Rene Secretan lúc đó 16 tuổi. Trong cuộc phỏng vấn năm 1956, Secretan nói rằng anh và người em trai của mình từng lén bỏ rắn vào hộp vẽ của van Gogh và bỏ muối vào cốc cà phê của ông. Em trai Secretan thích ăn vận như cao bồi và hai anh em thường trêu chọc van Gogh, ném trái cây vào người ông. Hai tác giả này cho rằng một trong hai cậu bé khi đó cầm khẩu súng và súng vô tình cướp cò. Sẵn ý định tự tử, van Gogh tự nhận hết trách nhiệm để giúp hai cậu bé tránh bị trừng phạt.
Giả thuyết này tuy được nhiều người tán thành vì tình tiết cảm động song không được giới học giả nghiên cứu về van Gogh đánh giá cao. Trong cuộc phỏng vấn, Secretan không trực tiếp thừa nhận đã giết họa sĩ, và điều đó càng làm nảy sinh nhiều giả thuyết nhưng có rất ít bằng chứng xác thực.
Dù thực hư về cái chết của ông ra sao, song có một điều chắc chắn: tang lễ của ông là một sự kiện xúc động, những người đến đưa tiễn ông là những người biết và tôn trọng van Gogh ở cương vị một con người và một họa sĩ. Bernard kể lại rằng ông đã vội vã tới Auvers, nhưng khi đến nơi thì quan tài đã đậy nắp. Sau tang lễ, ông viết:
“Những bức tranh cuối cùng của họa sĩ được treo lên khắp bốn bức tường trong căn phòng đặt thi hài ông. Những bức tranh tạo thành vòng hào quang cho ông,và cái thiên tài toát ra từ chúng khiến cho cái chết này càng trở nên đau đớn hơn nữa đối với những người nghệ sĩ chúng tôi có mặt tại đó. Quan tài được phủ giản dị bằng một tấm vải trắng, xung quanh là vô số hoa, những đóa hướng dương mà họa sĩ hết mực yêu quý, những đóa thược dược vàng, hoa vàng khắp nơi. Đó là màu sắc yêu thích của ông, biểu tượng của ánh sáng mà ông mường tượng rằng nó tồn tại trong trái tim mỗi người cũng như trong các tác phẩm nghệ thuật.
Phía trước quan tài còn có giá vẽ, chiếc ghế gấp, và cọ vẽ của họa sĩ. Nhiều người đã tới dự tang lễ, chủ yếu là các họa sĩ, trong số đó tôi nhận ra Lucien Pissarro và Lauzet, những người khác tôi không biết. Ngoài ra còn có một vài người dân trong vùng, tuy không biết nhiều về ông, chỉ gặp ông một hai lần nhưng họ quý mến ông bởi ông thực tử tế, thực nhân hậu …”
Một số thông tin khác về van Gogh
Con đường sự nghiệp trắc trở của van Gogh
Van Gogh sinh ra trong một gia đình trung lưu giàu có; ông bắt đầu làm việc từ năm 16 tuổi khi được bác xin cho vào làm thợ học việc ở một công ty kinh doanh đồ nghệ thuật ở The Hague. Sau đó, ông được công ty cử đi làm việc ở các chi nhánh ở London và Paris nhưng tới năm 1876, ông bị cho thôi việc. Sau đó, ông dạy học một thời gian ngắn ở Anh, sau đó quay về Hà Lan làm việc trong một cửa hàng bán sách. Năm 1878, ông tới Borinage, Bỉ và sống cùng với những người dân nghèo tại đây trên cương vị người thuyết giáo. Ông đã đem cho hết đồ đạc của mình và ngủ trên sàn nhà, nhưng chưa đầy một năm sau, tổ chức tôn giáo đài thọ cho ông nhận thấy rằng ông không phù hợp để làm mục sư nên đã sa thải ông. Lựa chọn nghề nghiệp tiếp theo của ông – họa sĩ – sẽ khiến tên tuổi ông nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng danh tiếng đó chỉ đến với ông sau khi ông qua đời.
Chiếc tai của van Gogh
Tháng Hai năm 1888, sau hai năm ở Paris, van Gogh chuyển tới thị trấn Arles ở phía nam nước Pháp; ông hi vọng sẽ thành lập được một cộng đồng nghệ sĩ ở đây. Ông mời họa sĩ Paul Gauguin mà ông đã gặp ở Paris tới ở cùng mình. Lúc này tên tuổi của Paul Gauguin cũng chưa được biết đến rộng rãi và như nhiều nghệ sĩ đương thời khác, ông luôn sống trong cảnh túng thiếu nên không đủ tiền để đến ở cùng van Gogh. Sau đó, được em trai van Gogh là Theo nhận trách nhiệm tài trợ cho việc ăn ở của mình, Paul Gauguin mới chuyển tới ở cùng nhà với van Gogh. Ban đầu, mối quan hệ giữa hai người bạn diễn ra tốt đẹp, nhưng dần trở nên căng thẳng. Đêm ngày 23 tháng Mười hai năm 1888, hai người cãi nhau và Gauguin rời khỏi nhà. Van Gogh chạy đuổi theo bạn ra phố, tay cầm một chiếc dao cạo; tuy nhiên, ông lại không tấn công bạn mình mà quay về nhà lấy dao tự cắt một phần chiếc tai trái rồi bọc nó lại trong một tờ báo và gửi cho một cô gái bán hoa giữ hộ. Đây là những thông tin đã được tiếp nhận rộng rãi, nhưng vào năm 2009, hai học giả người Đức đã ra mắt một cuốn sách trong đó họ đưa ra một giả thuyết khác về sự cố này. Theo họ, Gauguin là một người đánh kiếm cừ, nên trong lúc tranh cãi với van Gogh, ông đã dùng kiếm cắt tai của bạn mình. Vì không muốn để mất tình bạn nên van Gogh đã đồng ý che đậy sự thực để giúp Gauguin không bị tù giam.
Bác sĩ Gachet
Với bộ tóc màu đỏ, cũng có vẻ ngoài giống với van Gogh một cách kỳ lạ, và điều đó càng làm sâu sắc thêm sợi dây liên hệ giữa hai người. Van Gogh từng viết cho em gái Wilhelmina rằng: “Anh mới tìm được một người bạn thực sự là bác sĩ Gachet, có gì đó như tình anh em vậy, bọn anh giống nhau từ ngoại hình tới tâm hồn.”
Tuy vậy, ban đầu van Gogh dè dặt khi quan sát thấy rằng vị bác sĩ “lập dị” này cũng bị chứng “rối loạn thần kinh” trầm trọng như giới nghệ sĩ. Nhưng chẳng bao lâu sau, van Gogh bắt đầu lui tới nhà vị bác sĩ thường xuyên hơn, ăn cùng gia đình bác sĩ và vẽ chân dung ông và con gái. Một trong những bức tranh này – bức Chân dung Bác sĩ Gachet – nằm trong số những bức tranh nổi tiếng nhất của van Gogh,trong đó họa sĩ nhấn mạnh đến nỗi buồn bản nhiên của ông hơn là đến sự thông thái của ông trong ngành y. Khi miêu tả bức chân dung này cho Gauguin, van Gogh viết rằng vị bác sĩ sở hữu “cái biểu hiện rầu rĩ của thời đại chúng ta."
Nguồn: Quỳnh Ca - Tia Sáng