Văn nghệ thế giới
"Mỹ nhân Nga" - kiệt tác của Nabokov đến với người yêu văn Việt Nam
09:31 | 12/09/2016

Bốn năm sau khi bản dịch "Lolita" tiếng Việt ra mắt lần đầu, “Mỹ nhân Nga” - kiệt tác thứ hai của Vladimir Nabokov mới đến được với những người yêu văn chương đỉnh cao tại Việt Nam.

"Mỹ nhân Nga" - kiệt tác của Nabokov đến với người yêu văn Việt Nam
'Mỹ nhân Nga' - kiệt tác của Nabokov

Trên thực tế thì bản dịch "Lolita" đầu tiên của Dương Tường cũng kéo theo rất nhiều lời phê phán về chất lượng dịch thuật cũng như nguồn gốc của các chú thích mà dịch giả tự nhận là của mình.

Sau đó, chính Dương Tường thừa nhận việc lấy chú thích nhưng không ghi nguồn, còn nhà sách thì bỏ công ra sửa lại những lỗi dịch nhất định, và mọi chuyện sau đó mới tạm lắng xuống. Phải nói rằng Nabokov khá vất vả khi vào Việt Nam.

17 kiệt tác của một văn hào vĩ đại

Mỹ nhân Nga” bao gồm 17 truyện ngắn được Nabokov sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh. Cuốn sách này cũng là đầu tiên trong bộ sách 4 quyển tổng tập truyện ngắn Nabokov.

Điều thú vị là dự án dịch thuật công phu này được thực hiện bởi dịch giả Thiên Lương, người đã chỉ ra các lỗi dịch và tình trạng đạo văn trong bản dịch "Lolita" của Dương Tường. Được biết, chính Thiên Lương sau đó cũng dịch lại toàn bộ "Lolita" từ tiếng Anh nguyên bản, và bản dịch đó đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và những người mê sách ở Việt Nam.

Văn chương Nabokov nổi tiếng là khó dịch, ông vẫn được coi như một nhà văn của các nhà văn. Một nữ dịch giả từng có chút tên tuổi trong làng dịch Việt Nam đã phải thú nhận là hơn 4 lần mở Nabokov định dịch mà số trang bà làm được không bao giờ quá con số 10.

Vốn từ vựng phong phú và cách viết phức tạp, cầu kỳ, với kỹ năng sử dụng màu sắc, âm thanh, hình ảnh, nhịp điệu tuyệt vời đã làm cho văn chương Nabokov đẹp siêu phàm nhưng cũng vô cùng khó đọc và luôn là thử thách cho mọi dịch giả.

Truyện ngắn là lĩnh vực nơi các nhà văn thử thách kỹ thuật viết súc tích của mình, cho nên chính các truyện ngắn lại rất khó dịch, và chứa đầy cạm bẫy ngôn từ.

Nabokov từng nói rằng Chekhov là một người chạy nước rút rất giỏi, nhưng không dai sức. Do Chekhov chỉ viết truyện ngắn mà thôi. “Mỹ nhân Nga” là một ví dụ về việc một người giỏi chạy đường trường như Nabokov sẽ chạy nước rút thế nào.

Quả thật, rất khó so sánh truyện ngắn Nabokov với Chekhov, mặc dù cả hai ông đều là người Nga, và chất Nga trong các tác phẩm của hai ông đều đặc quánh, không thể không nhận ra. Mặc dù trong các truyện được viết sau năm 1940, khi đã qua Mỹ, thì Nabokov bắt đầu thay đổi dần phong cách của mình. Có lẽ nỗi cay đắng vì phải sống lưu vong, vì mất cha khi còn quá trẻ,… đã dần dần đi vào dĩ vãng, và nhà văn thoát được khỏi các ám ảnh đau thương để viết tiếp các kiệt tác mới, mà đỉnh cao là cuốn "Lolita."

Tuy nhiên, đến truyện ngắn “Dấu hiệu và Biểu hiệu,” một trong các truyện ngắn hay nhất của không chỉ một mình Nabokov mà còn của toàn bộ nền văn chương Anh ngữ hiện đại, thì các ám ảnh về cuộc sống lưu vong lại quay về, mặc dù khi viết nó, nhà văn đã ở tuổi 50.

Từ một ngày trong đời cặp vợ chồng già sống lưu vong, nương nhờ vào người thân, Nabokov đã vẽ lên cả một giai đoạn lịch sử đau thương và mất mát của loài người: thế chiến thế giới thứ hai và chủ nghĩa phátxít. Và đằng sau còn là nhiều câu chuyện khác về cõi nhân sinh, về những ám ảnh kiếp người, về định mệnh... hết thảy được viết lên bởi một nhà văn đang trên đỉnh cao sự nghiệp của mình.

Một thách thức không chỉ về dịch thuật

Thực ra, văn chương đỉnh cao tuy được dịch và in khá nhiều tại Việt Nam nhưng trong thời gian gần đây, không chỉ "Lolita" mà còn rất nhiều tác phẩm khác bị đem ra kiểm tra lại và cho thấy hầu hết chúng có vấn đề về chất lượng dịch.

Trong thời gian trước, các dịch giả rất thiếu tư liệu tra cứu, không có Internet, không có các từ điển mạnh, và thậm chí là chưa từng được sống ở nước ngoài, cho nên có thể nói các bản dịch có thể dễ đọc với độc giả bình dân, nhưng đều không thể hiện nổi chất văn và giá trị của bản gốc. Có thể nói là đó chỉ là các bản lược dịch hoặc phóng tác, hay nói như nhà văn Trung Trung Đỉnh, là được thực hiện theo phong cách… “đọc không thông mà dịch rất thạo."
 


Cuốn 'Mỹ nhân Nga'


Trong điều kiện khó khăn thời đó thì làm như vậy là cả một cố gắng, chúng ta không nên và không thể phủ nhận công lao những dịch giả đi trước. Tuy nhiên, đến lúc nào đó thì chúng ta cần dịch lại các kiệt tác cũ, và cách dịch tốt nhất vẫn phải là tín và đạt, không thể dịch sai mà hay được, nói thế chỉ là một sự ngụy biện đê tiện mà thôi.

Chưa có nhiều tác phẩm của Nabokov đến được với độc giả Việt Nam có lẽ cũng vì cách viết quá bác học của ông khiến cho việc dịch phóng tác hoàn toàn bất lực. Vẻ đẹp tác phẩm Nabokov không chỉ nằm trong cốt truyện mà cả kỹ thuật viết. Nếu dịch giả dịch sai thì cuốn sách coi như vứt đi, không còn ý nghĩa gì cả.

Chính vì vậy, “Mỹ nhân Nga” là một cuốn sách thách thức không chỉ với dịch giả và nhà xuất bản, mà còn với cả độc giả. Liệu người đọc có thói quen đọc kỹ, đọc chậm, đọc đi đọc lại để thấy vẻ đẹp của văn chương đích thực, hay đã quen lối đọc báo, đọc facebook và các bản dịch dễ dãi, “đọc rất thông dù dịch không thạo” đang tràn ngập trên thị trường?

Và liệu dịch giả Thiên Lương có vượt qua được chính mình để hoàn thành toàn bộ dự án lớn kéo dài nhiều năm này hay không? Với hơn một ngàn trang tiếng Anh, bộ sách này dày ngang với các cuốn sách lớn như Anna Karenhina, Ulysses... và cần rất nhiều thời gian của dịch giả và các biên tập viên. Đó cũng là một câu hỏi, vì rất nhiều dự án dịch thuật ở Việt Nam đã chấm dứt ngay sau tập đầu tiên.

Dẫu sao thì chúng ta vẫn nên hy vọng vào một tương lai tốt hơn cho nền dịch thuật đang chịu nhiều tai tiếng. Và rất mong các dịch giả sẽ chung sức dịch các tác giả lớn chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam, như Vladimir Nabokov, James Joyce, Marcel Proust.

Theo Chấn Hưng - Vietnam+

 

Các bài mới
Các bài đã đăng