Các bảo tàng và phòng trưng bày trên toàn thế giới hiện đang mang từ trong bóng tối ra những tác phẩm của các nữ họa sĩ vĩ đại - những người đã phải chịu thiệt thòi và đang bị lịch sử lãng quên.
“Vì sao thế giới không có những nữ họa sĩ vĩ đại?” là bài tiểu luận có tiếng vang lớn của nhà sử học nghệ thuật Linda Nochlin công bố từ năm 1971. Bài viết chỉ ra rằng thế giới thật sự có những nữ họa sĩ như vậy nhưng nếu nhìn vào bộ sưu tập tại các viện bảo tàng hay triển lãm tranh, sẽ không ai nhận ra điều đó.
Lấy lại tên cho những nữ họa sĩ vĩ đại
Clara Peeters - người có những bức tranh kiệt tác vừa được trưng bày tại bảo tàng Rockox House ở quê nhà Antwerp, Bỉ - là một trong những nữ họa sĩ đang được thế giới trả lại tên tuổi. Các tác phẩm của bà hiện đã được chuyển tới Madrid, Tây Ban Nha và khi được trưng bày từ ngày 25/10 này, bà sẽ trở thành nữ họa sĩ đầu tiên có triển lãm cá nhân tại đây.
Như một ví dụ hiếm hoi về nữ họa sĩ thành danh ở thế kỷ 17, Peeters là người có nhiều sáng tạo cả về hình thức và nội dung. Vào thời điểm đó, khi phụ nữ bị từ chối tại các trường đào tạo chính quy, chủ đề tranh của họ khá hạn chế, nhưng Peeters đã đẩy hạn chế này tới một giới hạn mới.
“Không được phép có được một không gian lớn, vì vậy, bà quyết định tập trung vào những cái nhỏ hơn và đã làm rất tốt”, phụ trách bảo tàng tại Madrid, ông Alejandro Vergara nhận định.
Bỏ qua những lý tưởng cao siêu của Peter Paul Rubens - người đang thống trị không gian nghệ thuật tại Antwerp, nữ họa sĩ Peeters chọn trường phái hiện thực. “Nếu bạn vẽ theo trường phái hiện thực ở Antwerp, bạn thực sự khác tất cả mọi người ở đây” - ông Vergara nhấn mạnh.
Trong khi các kiệt tác vẫn đang được thế giới nhớ đến rất rõ mang nhiều tính ngụ ngôn, thì tranh của Peeters đặc trưng bởi hình thức và kết cấu rõ ràng. Nhìn vào tranh của bà, người xem sẽ không bị gợi nhớ tới những thứ trừu tượng như cái chết, mà thay vào đó, có thể cảm thấy đói!
“Chúng tôi biết rõ rằng những nhà sưu tập hàng đầu thế giới sở hữu tranh của bà” -ông Vergara khẳng định.
Chi tiết về đời sống riêng tư của nữ họa sĩ Peeters đến nay vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy chút manh mối từ những bức chân dung tự họa nhỏ xíu ánh lên trong những chiếc ly mạ vàng ở tranh của bà. Không họa sĩ lừng danh nào thời đó có lối tự họa như vậy. Nó như một lời loan báo thầm kín rằng tác giả bức tranh là một nữ họa sĩ tài năng.
Clara Peeters chỉ là một trong nhiều nữ họa sĩ tài năng, được người cùng thời công nhận (có phần miễn cưỡng) nhưng đang dần bị lãng quên.
Triển lãm "O’Keeffe, Stettheimer, Torr, Zorach: Women Modernists of New York" mới diễn ra tại Mỹ |
Thế kỷ chối bỏ phụ nữ
Triển lãm O’Keeffe, Stettheimer, Torr, Zorach: Women Modernists of New York vừa diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Portland, Mỹ, đã có cái nhìn cận cảnh về những chướng ngại vật mà các nữ nghệ sĩ phải đối mặt đầu thế kỷ 20.
Một trong những trở ngại đó tới từ chính những người thân. Với Georgia O’keeffe, ám ảnh về dục tính trong tranh của bà chịu sự áp đặt của chồng - nhà tổ chức nghệ thuật Alfred Stieglitz.
Marguerite Zorach - một trong những bậc thầy đầu tiên của Mỹ về chủ nghĩa biểu hiện - đã phải hi sinh nghệ thuật, chuyển qua làm in và thêu hoa để nuôi sống các con.
Các tác phẩm của Florine Stettheimer - đặc trưng bởi màu sắc rực rỡ và hình khối mỏng manh khác thường - chịu nhiều định kiến của xã hội. Kết quả là bà ít khi trưng bày và từ chối bán tranh mình.
Helen Torr - người được biết đến nhiều nhất trong bốn họa sĩ của triển lãm, và được giới phê bình đánh giá cao - buồn thay, lại bị dằn vặt bởi nỗi nghi ngờ chính bản thân. Cuối cùng, sự nghiệp của bà bị nghiền nát do bệnh tật và những nghĩa vụ gia đình.
Người phụ trách triển lãm Ellen Roberts còn cho rằng, tranh của Torr không được triển lãm nhiều do nhà tổ chức Stieglitz thấy bà là mối đe dọa cho vị trí của vợ mình, Georgia O’keefe.
Trong khi Stettheimer và Zorach đều sắp có những triển lãm cá nhân, tranh của Helen Torr có nguy cơ bị chìm vào bóng tối một lần nữa.
Những nữ họa sĩ vĩ đại là có thật, tuy nhiên, bị người đương thời chối bỏ do nhiều định kiến xã hội. Ngay cả đến nay, việc lấy lại tên tuổi cho họ vẫn chỉ là những phong trào nhỏ lẻ.
Theo Thể thao & Văn hóa