Ngày 30/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển, vừa qua đời ở tuổi 94.
Với nhiều thế hệ độc giả, Kim Dung được nhắc đến như một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc và có ảnh hưởng bậc nhất đến nền văn học Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.
Chặng đường trở thành tiểu thuyết gia lỗi lạc
Tác giả Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia tộc có thể nói là "bảng vàng danh giá."
Ông có ông cố là nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh và ông nội làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.
Từ nhỏ, ông đã bộc lộ là một người thông minh, lanh lợi và rất yêu thích văn học.
Năm lên 8 tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và dần say mê với thể loại văn học này.
Sự nghiệp viết tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung bắt đầu từ năm 1955, khi ông 31 tuổi với tác phẩm đầu tay "Thư Kiếm Ân Cừu lục," đăng hàng ngày trên Hương Cảng Tân báo với bút danh Kim Dung, cái tên sau đó trở thành lừng lẫy.
Từ thành công của "Thư Kiếm Ân Cừu lục," Kim Dung bắt đầu được chú ý nhiều hơn trên văn đàn Trung Quốc.
Với sự ra đời tiếp đó của "Bích Huyết Kiếm" (năm 1956), tên tuổi của Kim Dung càng trở nên nổi tiếng hơn. Kể từ đây, ông và người bạn thân Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai lập ra dòng tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc hiện đại.
Năm 1959, Kim Dung cùng người bạn thân Trầm Bảo Tân lập ra tờ Minh Báo. Với những bài viết chính luận sắc sảo, ông đã đưa Minh Báo tới nhiều thành công.
Cho đến thời điểm hiện tại, Minh Báo vẫn đang hoạt động tốt và là một trong những nhật báo được đánh giá uy tín nhất tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).
Năm 1972, sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông chính thức nghỉ hưu và dành thời gian sau đó để biên tập, chỉnh sửa lại các tác phẩm của mình.
Trong suốt sự nghiệp cầm bút, Kim Dung đã hoàn thành tổng cộng 14 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Hầu hết trong số đó đều được đặt trong những bối cảnh có thật của lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Bên cạnh phần nội dung hấp dẫn, tình tiết ly kỳ và cách tạo dựng nhân vật độc đáo, các tác phẩm của Kim Dung còn được đánh giá rất cao về triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc.
Tất cả tạo nên một thế giới kiếm hiệp Kim Dung riêng biệt và là một phần không thể thiếu trong ký ức của nhiều thế hệ người hâm mộ.
Nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh
Ngày nay, nhắc đến Kim Dung là nhắc đến những tác phẩm lớn là nguồn cảm hứng bất tận trong điện ảnh. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình.
Người ta khó có thể đếm được số lần "Thiên long bát bộ," "Lộc Đỉnh ký" hay "Thần điêu đại hiệp" được dựng thành phim.
Theo thống kê, tính đến tháng 3/2017, đã có tất cả 98 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung, đây là một con số kỷ lục mà bất cứ nhà văn nào trên thế giới cũng phải mơ ước.
Trong số 15 tiểu thuyết và truyện ngắn đã phát hành của Kim Dung, "Ỷ Thiên Đồ Long ký” là tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất lên màn ảnh với 14 lần (7 phim điện ảnh và 7 phim truyền hình).
Những năm 1980 đến 2000 là thời kỳ điện ảnh Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hong Kong có nhiều bước nhảy vọt lớn. Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung (với 61 tác phẩm).
Với nguồn kịch bản "bất tận" từ các tác phẩm của Kim Dung, có thể nói, đây là một trong số những nguồn năng lượng lớn thúc đẩy nền điện ảnh Trung Quốc đại lục và Hong Kong tăng tốc mạnh mẽ, thu hút hàng triệu người hâm mộ trên toàn châu Á.
Kể từ năm 2000 trở về đây, tuy số lượng các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung giảm dần (với khoảng hơn 20 phim) song chúng vẫn đóng góp một phần khá quan trọng quá trình phát triển của điện ảnh Hoa ngữ.
Với việc giới thiệu hàng loạt ngôi sao hạng A đình đám, quả là không quá khi nói rằng, những bộ phim của Kim Dung như một "lò luyện sao" siêu cấp dành cho màn ảnh Trung Quốc.
Với 98 tác phẩm điện ảnh và gần 4.000 tập phim truyền hình (chưa tính đến thể loại hoạt hình và các thể loại kịch sân khấu khác), các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đã nối lại với nhau như một thước phim dài bất tận mà nếu muốn xem hết, bạn sẽ phải mất 10 năm hoặc nhiều hơn thế.
Dấu ấn cá nhân
Trong sự nghiệp sáng tác văn chương của mình, Kim Dung đã được trao tặng nhiều huân chương danh dự và được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất trong nền văn học Trung Quốc hiện đại, được mệnh danh là “Võ lâm minh chủ” trên văn đàn Trung Quốc.
Ngoài đóng góp lớn lao cho ngành nghệ thuật và giải trí, các tác phẩm của Kim Dung có thể coi là cuốn từ điển nhỏ về phong tục, tập quán, văn hóa Trung Hoa, bao gồm các lĩnh vực y thuật dân tộc Trung Quốc, châm cứu, võ thuật, âm nhạc, thư pháp, cờ vây, trà đạo, các triết học của đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão, và lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Cuối năm 2004, Nhà Xuất bản Giáo dục của Trung Quốc đã đưa tác phẩm “Thiên Long Bát Bộ” của Kim Dung vào Sách giáo khoa lớp 12. Bộ Giáo dục Singapore cũng làm như vậy đối với các trường cấp 2, cấp 3 sử dụng tiếng Trung Quốc.
Với những đóng góp của mình, Kim Dung từng được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp (năm 1982), huân chương danh dự OBE của Hoàng gia Anh (năm 1981).
Cùng với đó ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Chiết Giang, Nam Khai, Hong Kong, British Columbia và Tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge.
Đặc biệt hơn, năm 1998, tên của Kim Dung còn được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), đây là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông, ngày 6/2.
Năm 2014, ông được xếp thứ 27 trong danh sách 50 tác giả thu được tiền tác quyền nhiều nhất.
Mới đây nhất, tháng 9/2018, các tác phẩm của Kim Dung đã được xếp ở vị trí thứ 7 trong Top 40 cuốn sách có ảnh hưởng nhất nền văn học Trung Quốc trong 40 năm qua.
Theo Chinanews, đã có 100 tác phẩm được đề cử và chỉ 40 cuốn sách được lọt vào danh sách trên.
Đến nay, kho tiểu thuyết đồ sộ của ông đã được in ấn khoảng 300 triệu bản đến tay độc giả của châu Á, đồng thời đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp hay Indonesia...
Những tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông có thể kể tới "Anh Hùng Xạ Điêu," "Thần Điêu Đại Hiệp," "Ỷ Thiên Đồ Long ký," "Lộc Đỉnh ký," "Tiếu Ngạo Giang Hồ," "Thiên Long Bát Bộ.".
Theo TTXVN/Vietnam+