Văn nghệ thế giới
'Địch Công kỳ án' câu chuyện từ lịch sử đến văn hóa
14:35 | 26/02/2019

NXB Văn học vừa ấn thành series 16 tập “Địch Công kỳ án” của nhà Đông Phương học người Hà Lan Robert Van Gulik. “Địch Công kỳ án” mang đến một không khí mới, tạo nên sự sức hấp dẫn riêng, và trở thành một trong những series trinh thám hấp dẫn với nhiều người.

'Địch Công kỳ án' câu chuyện từ lịch sử đến văn hóa
Bộ sách “Địch Công kỳ án”.

Xuyên suốt các tập truyện, người đọc vẫn có thể cảm thấy những vụ “Địch Công kỳ án” không chỉ là chuyện hư cấu mà còn vẽ nên những bức tranh nhân tình thế thái sống động. Những nét văn hóa - lịch sử thời nhà Đường (Trung Hoa) dưới triều đại Võ Tắc Thiên trị vì được tác giả Van Gulik khéo léo lồng ghép giữa các vụ án. Thậm chí, tác giả còn đưa đến cả một cái nhìn bao quát về bộ máy quan lại thời Đường, dưới thời trị vì của nữ hoàng đế. 

Trong “Địch Công kỳ án” văn thơ, họa nhạc được tác giả nhắc đến rất nhiều, hiển hiện trong tác phẩm như một phần không thể thiếu. Điều đó nói lên sự phát triển hưng thịnh của thi ca hay hội họa, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần văn hóa người dân Trung Hoa thời bấy giờ. 

Sự ảnh hưởng của Phật giáo cùng sự xung đột tôn giáo dưới thời nhà Đường cũng được thể hiện rõ trong bộ truyện. Phật giáo phát triển mạnh mẽ dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên, và đương nhiên có nguyên nhân chính trị trong đó…

Đời sống chất phác của người dân Trung Quốc dưới thời nhà Đường cũng được khắc họa rất rõ ràng. Có thể thấy, từ bối cảnh, con người, cho đến các những lễ nghi, tôn giáo, phong tục, tập quán, thậm chí các vấn đề xã hội như nạn tham ô, buôn lậu, sơn tặc, trộm cắp, hành khất... đều được tác giả đề cập và khắc họa rõ nét. Tuy nhiên, khác với lối miêu tả hoa mĩ, đậm chất thơ, đậm tính điển cố như văn học Trung Quốc, Van Gulik lại sử dụng câu từ tối giản, đặc biệt chú ý đến tính logic của truyện. Mọi vấn đề đều được quy chiếu dưới sự lí tính thay vì cảm tính như văn học Phương Đông, ngắn gọn, súc tích, chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Như thế, người đọc dù hoàn toàn xa lạ với văn hóa Trung Hoa đều vẫn có thể dễ dàng hiểu được. 

Mặc dù viết về văn hóa phương Đông nhưng “Địch Công kỳ án” lại được viết dưới cái nhìn lý tính của phương Tây. Không phải hình mẫu điển hình của văn chương Trung Hoa, mọi thứ được mô tả quá hoa mỹ, nhân vật chính thường rất hoàn hảo, nhân vật “thần thám” được Robert VanGuilk mô tả mang tính đánh giá rất khách quan và công bằng. Địch Công không hề hoàn hảo. Ông cũng có những tật xấu, có quan điểm bài xích và yêu ghét rất rõ rệt đối với một số vấn đề. 

“Địch Công kỳ án” cũng hàm chứa những giá trị nhân văn rất lớn: Kẻ thủ ác nhất định sẽ bị trừng phạt, công lý luôn luôn chiến thắng. Và có lẽ điều khiến độc giả hiện đại không thể không hứng thú và say mê, đó là lòng can đảm, nghĩa hiệp, niềm tin vững chắc vào công lý, rằng vào lúc cuối cùng, cái ác sẽ luôn bị trừng phạt. Không đơn thuần chỉ là công lý, nhân vật Địch Công còn cho thấy cách giải quyết vấn đề, các vụ án luôn có sự cân nhắc song song giữa tình - lý qua từng tập truyện. Có những kẻ phạm tội vì bất đắc dĩ, vì chẳng đặng đừng…, có những kẻ lòng lang dạ sói, bất chấp vương pháp… Tất cả đều được ông đưa ra đánh giá và suy xét kĩ càng đưa đến phán quyết cuối cùng, sao cho mọi sự đều hợp tình hợp lý.

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng