Sinh ra và lớn lên tại Vương quốc Anh, Louise Heal Kawai đã xuất bản hơn 10 bản dịch văn học Nhật được đánh giá cao, nhưng chưa một lần tên cô xuất hiện trên trang bìa cùng tên tác giả.
Bản dịch Seventeen (tạm dịch: Tuổi 17) của tác giả Hideo Yokoyama do Louise Heal Kawai chuyển ngữ đã lọt vào chung kết Giải thưởng Sách Believer 2018 và lọt vào danh sách Giải thưởng Sách dịch hay nhất 2019. Bản dịch The Honjin Murder (Đảo ngục môn) của Seishi Yokomizo, một trong những tiểu thuyết trinh thám đặc sắc cũng sẽ được phát hành vào tháng 12 năm 2019.
Trên văn đàn văn học Anh và các nước sử dụng ngôn ngữ Anh, văn học Nhật Bản trở thành một khía cạnh có bản sắc và được nhiều độc giả và nhà nghiên cứu quan tâm. Nhưng trong các cuộc thảo luận, đánh giá về tác phẩm, khi tác giả cuốn sách chắn chắn là “ngôi sao” của chương trình, thì dịch giả có khi không được nhắc tới. Trong khi đó, nghề dịch văn học không phải là một nghề dễ dàng.
Louise Heal Kawai cho biết, nghề dịch thuật gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề bản quyền. Một nhà xuất bản Nhật có thể thuê cô dịch mẫu một phần tác phẩm để bán cho nhà xuất bản phương Tây. Nhưng khi có quyền bán chưa chắc đã đảm bảo được rằng cô sẽ được thuê dịch toàn bộ cuốn sách.
Trong quá trình tìm kiếm tác phẩm, đôi khi dịch giả thấy rất thích một tác phẩm nhưng không có mối quan hệ với tác giả. Đó cũng là một thách thức. Chính vì vậy, việc tiếp cận với các nhà xuất bản, đưa họ xem những bản dịch mẫu, tăng cường phát triển mối quan hệ với những nhà văn mình yêu thích là cách giải quyết bước đầu.
“Ví dụ tôi thích dịch các tác phẩm văn học kể bằng ngôi thứ nhất, vừa mạnh mẽ vừa kỳ lạ. Và khi tôi tìm các tác phẩm, tôi phải lựa chọn đề tài, ngôn ngữ của tác giả tôi cảm thấy phù hợp”, Louise Heal Kawai chia sẻ.
Về phía nhà xuất bản, biên tập viên Daniel Seton, người làm việc lâu năm với các tác phẩm dịch Nhật – Anh cho biết: “Chúng tôi xem xét cuốn sách ở nhiều khía cạnh để tìm ra tác phẩm phù hợp với thị hiếu độc giả. Đặc biệt là phản ứng của biên tập viên với một cuốn sách. Nếu họ cảm thấy không có hứng thú thì thật khó để tạo ra sự hứng thú với người khác”.
Một thách thức khác với dịch giả văn học đó là vấn đề tài chính. Nhiều người nói rằng không ai có thể sống nếu chỉ làm nghề này. Kiếm tiền bằng dịch thuật hay phiên dịch kinh doanh cao hơn. Louise Heal Kawai cho biết cô gặp nhiều dịch giả, họ là những người làm việc trong các trường đại học, là nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà báo, làm phiên dịch viên cho các chương trình ngoài… và dịch các tác phẩm văn học chỉ là “việc làm ngoài giờ”.
Tuy nhiên, công việc này của Louise Heal Kawai mang lại cho cô niềm hứng khởi vô bờ. “Khi các thành viên khác trong gia đình đi làm và đi học, căn hộ trở thành văn phòng làm việc của tôi. Bình thường tôi sẽ làm việc trên bàn, nhưng đôi khi muốn thay đổi không gian tôi sẽ chuyển ra bàn ăn – nơi có thể nhìn ngắm bãi biển. Khi trời lạnh, giường ngủ là nơi làm việc tuyệt vời. Thật ít nghề có thể làm được điều đó”.
Trong quá trình thực hành dịch thuật văn học, Louise Heal Kawai chia sẻ “mong muốn lớn nhất của tôi là được in tên của mình trên bìa sách, được công nhận tác phẩm đó phần nào của chúng tôi. Và nếu có thể, sẽ có nhiều giải thưởng tôn vinh dịch giả văn học thay vì chỉ dành cho tác giả”.
Theo Đình Phương - VNQĐ