Một chuyên gia “khó tính” về văn học Trung Quốc là nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin đã từng nhận xét: “Thơ ca Trung Quốc đương đại đạt tầm cỡ thế giới”. Thơ ca có thể xem là niềm tự hào của văn học Trung Quốc hiện nay, tiếp nối những đỉnh cao thơ ca trong quá khứ.
Sự đánh giá cao đối với thơ ca Trung Quốc so với văn xuôi nhưng lại có nghịch lý là lượng người thưởng thức thơ ca giảm sút. Theo điều tra gần đây tại Trung Quốc, trong số gần 10.000 sinh viên của 18 trường đại học, số người thỉnh thoảng mới đọc thơ chiếm 31,7%, không có cảm hứng với thơ chiếm hơn 50%. Những con số biết nói này không có gì là đáng báo động, vì đây là quy luật của văn học và văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và văn hóa công nghiệp ngự trị. Ở các cường quốc văn học, như: Pháp, Mỹ hay Việt Nam cũng tương tự, người làm thơ có phần nhiều hơn người đọc thơ. Các nhà thơ thoải mái in ấn nhưng chủ yếu là tự phát hành; chỉ có rất ít các nhà xuất bản lớn in các tập thơ mới với mục đích thương mại mà chủ yếu là tái bản các tác phẩm thơ ca cổ điển.
Nguyên nhân khách quan khiến thơ ca ít người đọc bởi các phương tiện nghe nhìn hiện đại lấn át. Theo một thống kê gần đây, mỗi người Trung Quốc dành ra 8 giờ/tuần để đọc sách, đứng thứ 3 thế giới. Thế nhưng thời gian họ dành để giải trí nghe nhìn còn cao hơn, khoảng 10 giờ/tuần. Đời sống hiện đại buộc con người phải sống nhanh nên không phù hợp với tâm thế thưởng thức thơ. Yếu tố chủ quan quan trọng hơn khi thơ ca trở thành tiếng nói nội tâm, thiên về hình thức và bản thân thơ ca trên thế giới đã đạt đến giới hạn biểu đạt. Tuy nhiên, thời điểm trước cải cách (1978) thơ ca Trung Quốc chưa có nhiều đổi mới, tiệm cận tư duy thơ ca thế giới và đây là mảnh đất để nhiều nhà thơ trẻ vươn lên lấp khoảng trống. Và tất nhiên khi đổi mới và cách tân thơ khiến thơ đương đại khác với thơ truyền thống thì thơ Trung Quốc đương đại dù được thế giới đánh giá cao nhưng người đọc trong nước ít để ý là điều dễ hiểu.
Đầu tiên là sự xuất hiện của trường phái “mông lung thi” cuối thập niêm 1970 với tên tuổi của Bắc Đảo, Cố Thành, Đa Đa, Thư Đình... gắn với tạp chí Kim Thiên, tạo ra phong trào thơ mới phát triển rầm rộ. Đặc trưng của “mông lung thi” là hòa trộn kinh nghiệm sống và ngôn ngữ thể nghiệm. Đây là những quan niệm từ ngôn ngữ học cấu trúc của phương Tây mới mẻ, chưa từng có ở Trung Quốc. Trước nay, các nhà thơ đều xem ngôn ngữ là công cụ nhưng thơ ca hiện đại xem ngôn ngữ là đối tượng thẩm mỹ. Với sự xuất hiện của các nhà thơ “mông lung thi” những câu thơ đầy tính nghệ thuật, sức gợi lớn mang tầm tư tưởng xuất hiện: Đất Bắc quê hương ta/ Xin nhận giấc mơ này: Hãy để cây mọc/ Từ từng chỗ nứt trong băng/ Treo đủ loại chuông của niềm hoan lạc (“Ca khúc chim thiên di”-Bắc Đảo). Tất cả thủ pháp nghệ thuật hiện đại đều được khai thác tối đa tạo ra những thi phẩm có tính tượng trưng và siêu thực: Đêm đen cho tôi đôi mắt đen/ Nhưng tôi dùng chúng để kiếm tìm ánh sáng (“Một thế hệ”-Cố Thành).
Tiếp đó thơ ca Trung Quốc trở nên sôi động, xuất hiện các gương mặt thi ca khác nhau, các phong cách thơ khác nhau gắn với các thi sĩ, như: Thang Dưỡng Tông, Lôi Bình Dương, Lộ Dã, Dương Khắc, Tưởng Nhất Đàm, Dư Tú Hoa, Hứa Lập Chí, Trần Siêu, Hầu Mã… Những nhà thơ này được gọi chung là các nhà thơ “thế hệ thứ ba”. Sự xuất hiện của thế hệ nhà thơ trẻ hơn trường phái “mông lung thi” giúp phong trào thơ ca Trung Quốc tiến thẳng lên hiện đại. Các nhà thơ “thế hệ thứ ba” đề cao đời sống thế tục, thể hiện ý thức của công dân thành thị với khẩu hiệu: “Sống như người thường nhưng suy nghĩ cao cả”.
Đặc trưng nổi bật nhất trong thơ "thế hệ thứ ba" là tính cách tân, cởi mở và tính dân gian. Về mặt thi pháp, thơ ca "thế hệ thứ ba" đã đi ngược lại lối viết tượng trưng và ẩn dụ của trường phái “mông lung thi” vì cho rằng chủ nghĩa tượng trưng khiến ngôn ngữ trở nên hỗn loạn và tối tăm khó hiểu. Thông qua việc nhấn mạnh nhu cầu thường nhật, thơ ca “thế hệ thứ ba” chuyển từ lối viết trữ tình tự thuật thường ngày với giọng điệu thản nhiên, lạnh lùng được tạo dựng từ những thể nghiệm của bản thân nhà thơ. Các nhà thơ “thế hệ thứ ba” đã sáng tác một số lượng lớn những tác phẩm thể nghiệm về mặt hình thức. Ngôn ngữ trong thơ được mã hóa thành một mô hình, một bức họa thần bí, thậm chí một câu đố. Nhà thơ dùng xen kẽ các thể chữ khác nhau hoặc ký tự, văn tự khác nhau, sử dụng những khoảng trống văn bản để tạo yếu tố thị giác. Nhiều bài thơ có tác động mạnh mẽ tới người đọc và mang lại những cảm thụ mới mẻ, đồng thời cũng mở rộng biên giới của thơ ca.
Có thể nói, sau năm 1978 với sự xuất hiện của trường phái “mông lung thi” và các nhà thơ “thế hệ thứ ba”, thơ ca Trung Quốc đã làm một cuộc “đại nhảy vọt” vượt thoát truyền thống ngàn năm thơ Đường hay thơ trữ tình chính trị trước đó để ngang tầm tư duy thơ ca hiện đại, được ngưỡng mộ trên toàn thế giới.
Theo Vũ Nghĩa - QĐND