Kịch tác gia thế kỷ 17 Molière đóng vai trò quan trọng trong văn học Pháp như William Shakespeare với nền văn học Anh. Nhưng 100 năm trước đây, một câu hỏi đã dấy lên quanh ông: Molière có thực sự viết tác phẩm của mình? Hay đó là Pierre Corneille, một nhà viết kịch nổi tiếng khác của Pháp thời điểm đó mới là tác giả thật?
Một nghiên cứu mới sử dụng phương pháp tính toán để phân tích các yếu tố tinh tế, mà ít ai thấy được về lối viết của cả hai tác giả và kết luận rằng Molière thực sự là người viết các vở kịch đó.
Moliere được biết đến nhiều nhất với các vở hài kịch như Tartuffe và Don Juan. Vào đầu thế kỷ 20, một số học giả bắt đầu đặt câu hỏi về quyền tác giả của ông. Ví dụ vào năm 1919, nhà văn Pháp Pierre Louÿs đã lưu ý là Molière dành phần lớn cuộc đời mình vào việc lưu diễn và thậm chí bắt đầu sáng tác các kiệt tác ở độ tuổi ngoài 40. Thêm vào đó, các học giả chưa từng thấy một bản thảo gốc của Molière.
Louÿs đề xuất là có thể một tác giả Pháp khác là Corneille, vốn được đào tạo bài bản, có thể là một “tác giả ma” – người viết ẩn danh, và đề xuất ông sáng tác vở kịch mà Molière có thể “mượn” để đóng dấu tên mình vao đó và sử dụng nó dể quảng bá tên tuổi của mình, một diễn viên kịch, theo một cách làm đôi bên cùng có lợi. “Thật dễ dàng để nghi ngờ vào chuyện đó,” Florian Cafiero, một nhà ngôn ngữ học tính toán tại CNRS, cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp tại Paris (Những nghi ngờ tương tự thường xuyên dấy lên về quyền tác giả của Shakespeare bởi ông cũng thiếu sự đào tạo thông thường).
Sự nghi ngờ càng được đào sâu thêm vào đầu những năm 2000 sau khi các nhà nghiên cứu nhận thấy sự chồng chéo đáng chú ý trong những lựa chọn ngôn ngữ của hai vở kịch. Các nhà ngôn ngữ học kết luận là Corneille thực sự là tác giả của các vở kịch của Molière.
Cafiero và Jean-Baptiste Camps, một nhà triết học tính toán tại École Nationale des Chartes, thuộc trường đại học nghiên cứu PSL ở Paris, đã mang một kỹ thuật mới vào giải quyết vấn đề gây tranh cãi này. Họ đã soạn phần lời của các vở hài kịch vốn được quy cho Molière, Corneille, và 10 tác giả đương thời, sau đó sử dụng một chương trình máy tính phức tạp để phân tích và so sánh các đặc điểm ngôn ngữ.
Thay vì chỉ là từ vựng, cả hai tác giả đều tập trung vào các đặc điểm tinh tế trong ngôn ngữ như tần suất của “các từ chức năng” – như “the” “that” và “of”, vốn nhằm để tạo ra mối liên hệ giữa các từ khác trong một đoạn. Họ cũng nhìn vào các cấu trúc ngữ pháp của từng tác giả và các mẫu hình ngôn ngữ xuất hiện trong phong cách mỗi người một cách vô tình.
Chương trình máy tính này đã tập hợp các vở kịch có xu hướng ngôn ngữ tương tự nhau lại. Nếu Corneille viết các vở kịch được gán cho Molière thì tác phẩm của hai tác giả có thể được đưa vào cùng một nhóm. Nhưng “với bất cứ đặc điểm nào chúng tôi nghiên cứu, Molière vẫn được đưa về cùng nhóm với Molière và bị đẩy xa khỏi Corneille,” Cafiero nói. Đây là bằng chứng tốt cho thấy sự thât là Molière đã viết những kiệt tác của mình, nhóm nghiên cứu đã nêu kết luận này trong công bố "Why Molière most likely did write his plays" trên tạp chí Science Advances. “Chúng tôi thực sự bị thuyết phục,” Cafiero nói.
Các chuyên gia về văn bản không ngạc nhiên trước kết luận này. Bất chấp sự thật là nhà hát Pháp thế kỷ 17 đã có những quy ước về thể loại đầy nghiêm ngặt khiến dẫn đến sự những tương đồng bên ngoài giữa các tác giả, Molière vẫn giữ được một giọng nói độc đáo, dễ nhận diện, Joan DeJean, một giáo sư văn học Pháp tại trường đại học Pennsylvania, lưu ý.
Adam Hammond, một giáo sư văn học và chuyên gia về nhân văn số thức tại trường đại học Toronto, Canada, tự hỏi tại sao các độc giả thế kỷ 20 và 21 lại quan tâm sâu sắc về quyền tác giả. Trong quá khứ, tác phẩm phát triển liên tục, việc chỉnh sửa thiếu tin cậy, đặc biệt trong nhà hát, và dị bản là những vấn đề phổ biến, ông nhấn mạnh. “Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến người viết những vở kịch này hơn là việc chính Molière hay Shakespeare đã sáng tác nó như thế nào.”
Nguồn: Thanh Phương - Tia Sáng