Trong ngôn ngữ của người Serbia, “Milorad” nghĩa là “thân yêu”. Nhưng với Milorad Pavic, cái tên ấy dường như bổ sung cho những gì ông thiếu vắng, ít nhất là trên tư cách một nhà văn.
Ông là kiểu nhà văn khiến người ta muốn chiêm bái hơn là yêu mến, còn văn chương của ông được cấu thành từ nhiều trí tuệ hơn là xúc cảm. Điều đó hiển hiện ngay từ "Hazarski rečnik" (Từ điển Khazar, theo bản dịch tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng, do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành), cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là tác phẩm đã minh định ông như “nhà văn đầu tiên của thế kỷ 21”.
Milorad Pavic tất nhiên không phải nhà văn đầu tiên của thế kỷ 21, nếu chiếu theo dòng chảy tuyến tính của thời gian. Nhưng điều đó có hề gì, bởi một khi đã lạc chân vào mê cung của Pavic, ta sẽ biết trong thế giới của ông, thời gian chuyển hóa thành một dạng khác, với đầy khiếm khuyết và lỗ thủng.
Từ điển Khazar truy tìm về một dân tộc du mục đã biến mất khỏi vũ đài lịch sử, dân tộc Khazar, và trung tâm trong câu chuyện là cuộc luận chiến của ba tôn giáo lớn, ba tôn giáo bắt nguồn từ tổ phụ Abraham bao gồm Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo và Hồi Giáo, rằng rốt cục dân tộc Khazar đã cải theo đạo nào. Ba phiên bản lịch sử của Khazar trong ba tôn giáo, mỗi phiên bản đều vừa xác tín vừa sơ hở, và khi chồng đè lên nhau, chúng phục dựng không chỉ phế tích tráng lệ của một vương quốc đã bị tiêu diệt, mà còn tạo lập một ván cờ ngôn ngữ với vô tận những nước đi, một kiến trúc/hình học văn chương lập thể thôi miên như những bức tranh đa chiều giả lập của MC Escher.
Năm 1983, bốn năm sau khi xuất bản La condition postmoderne - Hoàn cảnh hậu hiện đại, triết gia Jean-François Lyotard cho ra mắt cuốn Le différend - Bất đồng - cuốn sách mà ông dự đoán là “cuốn sách cuối cùng”, và sau đó, sách sẽ chết, chỉ còn những tiểu văn bản, những mớ rời rạc của suy tư và lời nói được in ra. Cuốn Bất đồng bàn về lý thuyết hậu hiện đại, trong đó cho rằng ngôn từ luôn đối chọi lẫn nhau và bản chất đó củ̉a ngôn từ dẫn đến sự sụp đổ của khoa học, sự thất bại của cái đúng tuyệt đối và của những siêu văn bản. Là một cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại, Từ điển Khazarcũng là một tổng thể của những bất đồng. Mọi sự thật trong đó đều có nhiều hơn hai mặt, mọi câu chuyện đều có nhiều hơn hai cách kể và những sự kiện va chạm vào nhau bất quy tắc.
Một ấn bản “Hazarski rečnik” Milorad Pavic.
Nhưng, Từ điển Khazar tuyệt nhiên không phải những mớ đoản ngữ hỗn độn được bỏ vào tùy tiện theo cách Lyotard mường tượng về hình thức văn chương hậu hiện đại. Dù siêu thực như những ảo tượng và chứa đựng rất nhiều điểm mờ, nhưng Từ điển Khazar lại được kết cấu một cách tinh vi và toan tính, nhịp nhàng phối trộn giữa hoang đường và logic. Trong khi đó, về ngôn từ, khó có thể nói thứ ngôn ngữ mà Milorad Pavic sử dụng mang tính ngụ ngôn hay đơn giản là một trò tung hứng ngôn từ điêu luyện. Có một chiều sâu khó lường trong những mô tả của Pavic về thời gian, sự sống, cái chết, địa ngục, linh hồn, thượng đế, song đồng thời, chúng được trưng ra như một “xứ sở diệu kỳ” của trò chơi chữ thuần túy, chẳng hạn chuyện về những con gà mái đẻ ra những quả trứng thời gian, và khi anh phỏng đoán sắp có một ngày tồi tệ đến với mình, anh có thể ăn quả trứng để khỏi phải sống cái ngày đấy. Ở mặt này, Milorad Pavic là một hậu duệ quá đỗi xuất sắc của Lewis Caroll.
Tự so sánh tác phẩm của mình như một ngôi nhà có nhiều lối vào, Milorad Pavic cho biết bạn có thể đọc Từ điển Khazar theo bất cứ cách nào. “Trong 2000 năm qua, các nhà văn đã phát minh ra rất nhiều cách viết, nhưng chúng ta đã luôn chỉ có cùng một cách đọc. Tôi đã gắng sức để thay đổi cách chúng ta đọc.”, Milorad Pavic nói trong một cuộc phỏng vấn ở Manhattan. Mặc dù vậy giáo sư Andrew Watchtel cho rằng “cấu trúc của từ điển chỉ là một thủ thuật chứ không hẳn là một cách tân thật sự, bởi dù bạn đọc theo thứ tự nào, câu chuyện cũng là một.” Lời bình luận của Watchtel cũng đúng nhưng cũng có chiều bất công, bởi bằng cách dùng những thủ thuật hậu hiện đại để đánh lừa cảm giác người đọc, Từ điển Khazar đã mở ra một lối đi mới cho chính lý thuyết hậu hiện đại của Lyotard, và chứng minh tiểu thuyết vẫn có thể lách qua những khe cửa hẹp để khám phá những giới hạn của chính nó. Nó chọn một con đường trung đạo, mà trong đó lịch sử vừa bị xé lẻ, cục bộ hóa, các nhân vật cố gắng luận giải bí ẩn bằng những tiểu tự sự nhưng họ đều có một mong muốn cháy bỏng là tìm kiếm được đại tự sự - chân lý phổ quát, tuyệt đối và hợp thức.
Chân lý phổ quát ấy được hình tượng hóa bằng Adam/Adam Ruhani/Adam Kadmon, ba tên gọi khác nhau trong ba tôn giáo để chỉ một sinh thể duy nhất, một sinh thể chứa đựng toàn cõi doanh hoàn và là tập hợp tất cả những chân dung, giấc mơ, tiểu sử, ghi chép của con người. Hình tượng Adam sẽ khiến bạn liên tưởng tới Borge, bởi Borges, đại văn hào Argentina, từng viết về “quy hồi vĩnh cửu” mà một trong những thể cách của nó là sự lặp đi lặp lại không bao giờ chấm dứt của thời gian, và phỏng đoán rằng “toàn bộ trải nghiệm của nhân loại (theo một cách nào đó) đều tương tự như nhau” và “nếu Edgar Allan Poe, những người Viking, Judas Iscariot, và độc giả của tôi, hết thảy đều bí mật san sẻ nhau cùng một số phận – cái số phận khả dĩ duy nhất – thì lịch sử vũ trụ là lịch sử của một người duy nhất”.
Trong một hệ quy chiếu khác, khi bàn về nghệ thuật tiểu thuyết, nhà văn Milan Kundera từng viết đại ý rằng, khi Don Quixote bước ra khỏi ngôi nhà của mình, chàng không chỉ bước ra khỏi một ngôi nhà mà còn bước ra khỏi cái thế giới nơi Thượng Đế làm chủ để bước vào một thế giới “thiếu mất vị Phán Xét tối cao, đột nhiên hiện ra trong một tình trạng nhập nhằng đáng sợ”. Trong thế giới mới này, mọi đạo lý đều tan vỡ, nó là một thế giới nằm ngoài những luật định tuyệt đối và những phân biệt rạch ròi, và “chân lý thần thánh duy nhất bị tan rã thành hàng trăm chân lý tương đối mà những con người chia lấy cho nhau. Như vậy đấy, thế giới của Thời Hiện Ðại đã ra đời, và cùng với nó ra đời tiểu thuyết, hình ảnh và mô hình của nó.” Nhìn theo góc độ này, Từ điển Khazar đã làm tan rã mọi hình dung về một tiểu thuyết, nhưng vẫn giữ cốt cách của một tiểu thuyết từ thời Cervantes hàng trăm năm trước. Điều đó cũng có vẻ chính xác với thân thế của Pavic, người sinh ra trong một dòng họ có truyền thống văn chương và coi mình đã là nhà văn từ 200 năm trước.
“Khai quật” một cuốn từ điển cổ xưa để kể một câu chuyện hậu hiện đại, được gọi là “nhà văn đầu tiên của thế kỷ 21” nhưng tự nhận mình đã viết từ hai thế kỷ trước, mang cái tên “thân yêu” nhưng gần như đã bị hắt hủi một thời gian dài, không thể xuất bản sách cho đến tận khi bước sang tuổi 38 và ở “xứ sở bị căm ghét nhất thế giới”, dường như trong chính cuộc đời của Milorad Pavic cũng vang vọng hai chữ “bất đồng”.
Theo Hiền Trang - Tia Sáng