Văn nghệ thế giới
Kịch bản nào cho văn hóa - nghệ thuật thời COVID-19?
15:10 | 09/04/2020

“Giải cứu” kinh tế, rõ ràng là yêu cầu cấp thiết cần được ưu tiên hàng đầu, nhưng “giải cứu” văn hóa - nghệ thuật cũng quan trọng không kém.

Kịch bản nào cho văn hóa - nghệ thuật thời COVID-19?
Raphael bịt khẩu trang (hình được chỉnh sửa bởi Jasmine Weber)

Văn hóa - nghệ thuật thoái trào?

Trang SOI mới đây đã đăng tải một bài viết (được dịch từ tạp chí nghệ thuật Hyperallergic) có nội dung: ngày 31/3, lợi dụng dịch, bầy gấu đen gồm 16 con đột nhập bảo tàng Dia Beacon (New York) hiện đang đóng cửa do dịch COVID-19.
Theo bài viết, Christopher Robin- người tuần công viên gần đó cho hay: “Những con gấu cao hơn mét tám, lúc bị phát hiện đang gặm thảm cỏ và cây bụi trong những khu vườn cảnh nổi tiếng của Robert Irwin. Chúng lượn lờ quanh tượng của Richard Serra và Donald Judd nhưng không phá”. Robin nói: “Vắng ta, đời sống hoang dã nổi lên nắm quyền ngay”…

Ngay lập tức, thông tin này nhận được những “tràng cười” của không ít người khi bóc mẽ đây chỉ là tin giả, ai đó đã cố tình chỉnh sửa lộ liễu để đùa vui nhân ngày Cá tháng Tư. 

Bảo tàng Dia Beacon (New York)

Thế nhưng, câu chuyện có vẻ rất tầm phào đó lại không hề tầm phào, khi đặt trong bối cảnh các quốc gia đang tích cực thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế lây nhiễm; dẫn tới việc các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giải trí phải “đóng băng” một thời gian dài. Các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, các hoạt động, sự kiện văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, hội chợ tạm thời chìm trong bóng tối. Hàng loạt dự án phim đắp chiếu.

Trong khi đó, hàng chục triệu lao động (nghệ sĩ, nhân viên, chuyên viên kỹ thuật…) hoạt động trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với tình trạng bị sa thải hoặc “sống mà không biết ngày mai”, nhất là những lao động tự do, không trực thuộc công ty hay cơ quan nhà nước nào. 

Lịch sử nhân loại đã từng không ít lần chao đảo vì chiến tranh, kinh tế, dịch bệnh… nhưng có lẽ, sau đại dịch toàn cầu lần này, thế giới sẽ trở nên khác. Theo hiệu ứng dây chuyền, có thể, thảm họa chung này sẽ đưa văn hóa - nghệ thuật thế giới đi đến thoái trào.

Tất cả đang cầm cự, tự cứu nhau 

Nguy cơ thấy rõ, nhưng giới nghệ thuật cũng đang có những phản ứng tích cực giữa bối cảnh u ám đó. Ở Ý, Pháp, Đức… nhiều nhà hát opera và giao hưởng đã phát trực tuyến miễn phí toàn bộ chương trình cho khán giả trên toàn thế giới. Một số buổi hòa nhạc được tổ chức tại nhà cũng được diễn ra với mục đích giải khuây sau những căng thẳng vì COVID-19. “Nếu bạn không thể đến với âm nhạc, âm nhạc sẽ đến với bạn” là tuyên bố từ Nhà hát giao hưởng Paris Philharmonie.

Theo sáng kiến ​​#CARMAtHome của Bộ Văn hóa Pháp, Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Pompidou (Paris) đã đưa ra một loạt các chương trình nội dung số lên mạng xã hội và trang web của mình. Các nghệ sĩ sẽ được mời tự quay phim tại nhà hoặc studio và cập nhật mỗi tuần một lần. Một nhóm nghệ sĩ và nhân viên nghệ thuật ở Anh gây quỹ khẩn cấp dành riêng cho các chuyên gia kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật - vốn có thu nhập bấp bênh tại các phòng trưng bày và bảo tàng. Trong khi đó, các cá nhân, tổ chức cũng đang có những nỗ lực hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật.

Chẳng hạn, Liên minh New Art Dealers Alliance (NADA) ở New York đang hợp tác với Quỹ gia đình Kinkade để bán các bản in của một tác phẩm chưa từng công bố của họa sĩ “ánh sáng” Thomas Kinkade, sung vào quỹ NADA để hỗ trợ các phòng trưng bày và những nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế Hauser & Wirth quyên góp 10% lợi nhuận từ việc bán hàng trực tuyến cho Quỹ phản ứng đoàn kết chống COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới. Hàng loạt hội thảo trực tuyến do họa sĩ Hannah Cole, nghệ sĩ và chuyên gia thuế cũng được tổ chức, để giải đáp những thắc mắc của các nghệ sĩ và dịch giả tự do về dự luật cứu trợ gần đây của Hoa Kỳ. 

Trường nghệ thuật độc lập New York ra mắt #LearnArtLIVE, loạt chương trình trực tuyến nhằm khuyến khích các nghệ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật trong bối cảnh kiểm dịch trên toàn quốc. Hai họa sĩ truyện tranh James Lee và Rob Liefeld đang bán đấu giá các bức vẽ minh họa siêu anh hùng để hỗ trợ các cửa hàng truyện tranh truyền thống… 

Ngoài ra, hàng trăm quỹ, chiến dịch, tổ chức văn hóa - nghệ thuật khác đang phát huy tác dụng giữa đại dịch như Quỹ Adolph & Esther Gottlieb, Quỹ Liên minh tác giả, Quỹ Black Spatial Relics Micro Grants for Community Care and Collective Research cho nghệ sĩ da đen hoặc gốc Phi sống tại Hoa Kỳ… Tuy nhiên, không biết những hoạt động hỗ trợ này cầm cự được bao lâu, khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều dự đoán được đưa ra, hậu quả mà nó để lại sẽ âm ỉ suốt năm nay cho tới vài năm tới.

Hiện nay, trên thế giới, các gói viện trợ kinh tế khổng lồ lần lượt được chính phủ các nước tung ra: Đức chi 1.200 tỷ USD, Nhật 515 tỷ USD, Tây Ban Nha 219 tỷ USD, Pháp 50,22 tỷ USD, Hàn Quốc 39 tỷ USD… Ngoài ra, còn có các gói viện trợ cho người thất nghiệp, người vô gia cư, dịch vụ cộng đồng… Trong đó, Mỹ đang bàn về gói viện trợ được ví với “chuyến bay tín dụng thả nhiều nghìn tỷ đô la” nhằm hạn chế những ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, có thể, văn hóa - nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù; văn hóa lúc nào cũng được mặc định là đi sau kinh tế - xã hội nên tới thời điểm hiện tại, nó chưa được các chính phủ quan tâm nhiều. Canada có lẽ là một trong những quốc gia sớm nhất ban hành gói cứu trợ khẩn cấp cho lĩnh vực nghệ thuật; khi ngày 30/3, Hội đồng Nghệ thuật quốc gia nước này công bố khoản tài trợ trước 60 triệu đô la để giúp 1.100 đơn vị nghệ thuật cốt lõi, nhằm đảm bảo dòng tiền và giải quyết các khoản thanh toán cơ bản cho nghệ sĩ và người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này. 

Việt Nam cũng đang “kêu trời”

Những không gian văn hóa (ít ỏi) - vốn được xem là “bà đỡ” cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật thì giờ đây, bản thân họ cũng khó chống đỡ trong mùa dịch COVID-19 khi không có khoản thu, mà vẫn phải trả chi phí mặt bằng, duy trì lương nhân viên. Đa số nghệ sĩ, công nhân viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở ta là lao động tự do nên gần như “thất nghiệp”, không được hỗ trợ một phần lương bổng trong suốt thời gian dịch bệnh. 

Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật gần như đóng băng, doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật cũng gặp khó, một số đứng bên bờ vực phá sản. Nói riêng ngành chiếu bóng và phát hành, từ tháng Hai đã giảm 30-50% doanh thu. Với ngành xuất bản, một đại diện của một nhà xuất bản cho hay, doanh thu ngành giảm hẳn một nửa ngay trong quý I…

Rạp phim ở TP.HCM đóng cửa vì dịch bệnh

So với các nước, các quỹ tài trợ văn hóa - nghệ thuật (kể cả quỹ công, tư lẫn quỹ của các tổ chức phi chính phủ) ở ta không nhiều nhặn gì. Ít nhất tới thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có một chương trình, quỹ hỗ trợ khẩn cấp nào cho văn hóa - nghệ thuật.

Tất nhiên, vi-rút không giết chết được văn hóa và nghệ thuật. Sự sáng tạo nằm trong máu nghệ sĩ; thậm chí, có khi dịch bệnh còn trở thành đề tài, chất xúc tác hấp dẫn cho sáng tạo của họ. Thế nhưng, ngay cả một bộ phận nghệ sĩ thành công, từ trước đến nay sống dư dả từ nghề thì với diễn biến hiện nay, cũng có khả năng bị đẩy đến một giới hạn, chứ đừng nói đến bộ phận còn lại - đang sống ở rìa xã hội.

COVID-19 “đánh” mạnh và toàn diện, ở tất cả các lĩnh vực. Giải cứu kinh tế trước là điều cần được ưu tiên; vì kinh tế mà “vỡ trận” thì các lĩnh vực còn lại cũng “no đòn”. Thế nhưng, “giải cứu” kinh tế mười phần, nên chăng cũng cần “giải cứu” văn hóa một phần? Trước dịch bệnh, kịch bản ứng phó của mỗi quốc gia sẽ quyết định khuôn mặt văn hóa được bảo lưu hay thoái trào. Nhưng dù thế nào đi nữa, nói cho cùng, cái đói nào cũng quan trọng, dù là đói vật lý hay đói văn hóa, tinh thần. 

 Theo Đậu Dung/PNO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng