Văn nghệ thế giới
Bức họa "Cái chết của Actaeon" và sự chìm nổi của số phận
15:52 | 27/08/2020

Cớ sao người tốt lại gặp phải tai ương? Câu hỏi này đặc biệt thích hợp khi áp vào bối cảnh đại dịch. Bệnh tật không chừa một ai. Nó vừa có thể giáng xuống một thánh nhân, cũng vừa có thể giáng xuống một tội nhân. Tuy nhiên, ngay cả trong đời sống thường nhật, câu hỏi này vẫn thường quẩn quanh bên ta cùng nỗi phiền muộn. Cuộc sống này quá đỗi ngắn ngủi, và những hành động tử tế thì lại không hề nhận được báo đáp. Dường như thế giới này là một chốn lạnh lẽo đầy ảm đạm. Vì sao lại thế?

Bức họa "Cái chết của Actaeon" và sự chìm nổi của số phận

Mỗi nền văn hóa đều cách giải đáp riêng. Đối với người Hy Lạp và La Mã, họ cho rằng các vị thần thường dửng dưng trước tình cảnh của loài người, trong trường hợp tệ hơn, họ sẽ đối xử với chúng ta cực kỳ tàn nhẫn. Và dù là trường hợp nào đi nữa, thảm kịch cũng sẽ xảy ra.

Những lúc bi quan nhất, tôi thường nhớ đến một câu chuyện của người Hy Lạp. Câu chuyện này đã được một trong những báu vật của Phòng trưng bày Quốc gia ở London – bức họa Cái chết của Actaeon của Titian – tóm gọn lại một cách hoàn hảo.

Câu chuyện về Actaeon là một trong những câu chuyện phổ biến nhất trong thần thoại Hy Lạp – La Mã. Nhà thơ La Mã Ovid đã thuật lại câu chuyện này trong sử thi Biến thể của ông – đây cũng là phiên bản nổi tiếng nhất từ trước đến nay. Titian biết một chút tiếng Latinh, vì vậy gần như chắc chắn ông đã đọc được một trong số những bản dịch hoặc bản tóm tắt tác phẩm của Ovid lưu hành trong giai đoạn thế kỷ XVI.

Câu chuyện là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tàn bạo của các vị thần. Actaeon vô tội. Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một ngày nọ khi đang đi săn, chàng tình cờ bắt gặp nữ thần Diana (người Hy Lạp gọi nàng là Artemis) cùng các tiên nữ đang tắm ở một hồ nước trong rừng.

Diana, người đề cao sự trinh trắng của mình hơn tất thảy, đã nổi giận khi bị người lạ bắt gặp thân thể thanh cao của mình, vì vậy nàng đã nghĩ ra một hình phạt vô cùng khủng khiếp. Nữ thần khẽ vẫy tay, Actaeon lập tức biến thành một con hươu. Chàng thợ săn giờ đây đã trở thành con mồi. Tàn nhẫn hơn cả, đó là Actaeon vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chàng nhận thức được rằng mình là một người đàn ông bị mắc kẹt trong cơ thể của một con thú. Những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má chàng.

Nhưng ngay lập tức, Actaeon nhận ra mình đang ở trong một hoàn cảnh nguy hiểm. Trước đó, chàng vào khu rừng này cùng bầy chó săn của mình, và hiện tại chúng đã đánh hơi thấy mùi một con mồi ở quanh đây. Chẳng mấy chốc, chúng đã phát hiện ra người chủ cũ – trong hình dạng một con hươu. Những con chó săn vây lấy chàng và đẩy chàng xuống đất. Hàm răng của chúng cắn ngập vào vai, lưng và cổ họng chàng. Actaeon đã chết trong đau đớn bởi chính những con vật mà chàng đã hết lòng nuôi dưỡng.

Titian đã tái hiện lại những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời Actaeon. Đây là một bức họa đặc biệt trong sự nghiệp của ông. Hầu hết các bức tranh dựa trên câu chuyện này thường tập trung khắc họa khoảnh khắc khi Actaeon bắt gặp Diana đang tắm. Những người họa sĩ đã đắm chìm trong da thịt của người phụ nữ - đó đồng thời là yếu tố làm nên sức hút của bức tranh.

Titian cũng đã từng tái hiện khung cảnh này trong bức vẽ dành riêng cho Vua Philip II của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đến Cái chết của Actaeon, ông chỉ hé mở da thịt của nữ thần qua một núm vú lộ ra ngoài – hình ảnh ám chỉ tội lỗi của Actaeon. Thoạt tiên, khi vừa nhìn vào, có thể nhận thấy Diana chiếm vị trí nổi bật của bức tranh, nhưng đường cánh tay của nữ thần lại thu hút người xem đến những hình vẽ bên phải. Ở đây chúng ta nhận ra Actaeon đang bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi. Chàng thợ săn vẫn giữ nguyên hình dạng cơ thể con người, nhưng đầu của chàng giờ đây lại là của một con hươu. 

Thế là quá đủ đối với những con chó săn, chúng đã áp đảo được Actaeon. Người, hươu và chó hợp thành một mớ hỗn độn, bát nháo. Khung cảnh này hỗn loạn đến mức nhiều người đã tự hỏi liệu bức tranh đã hoàn thành hay chưa – nhưng thực ra chính mớ lộn xộn đó đã làm bật lên sự tàn ác của hình phạt này. Tương phản với khung cảnh hỗn loạn đó, Diana đứng ở một bên bức tranh, cách biệt với cuộc hành quyết này.

Làm thế nào mà người Hy Lạp và người La Mã có thể chịu đựng được khi sống trong một thế giới mà ở đó thần thánh hoàn toàn dửng dưng trước những sự tàn bạo và bất công đến như vậy? 

Ngợi ca giá trị của cuộc đời

Cái chết của Actaeon tượng trưng cho những nỗi bất công. Có thể người Hy Lạp và La Mã cổ đại không nhất thiết phải lo lắng về cách mình nên hành xử khi bắt gặp một vị thần đang tắm, nhưng họ cần phải lo lắng về những thế lực không thể lường trước được. Thế giới của họ là thế giới mà ở đó nạn đói, bệnh tật, chiến tranh và thiên tai luôn rình rập. 

Cuốn "Biến thể" của Ovid của nhà xuất bản Penguin

Tuy nhiên, chính vào lúc phải đối mặt với sự bất định của số phận, người xưa đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Khi Ovid thuật lại câu chuyện về Actaeon, ông ấy nhắc nhở độc giả của mình rằng không một người nào được xem là hạnh phúc cho đến khi anh ta lìa đời. Kho báu mà chúng ta sở hữu ngày hôm nay có thể bị tước đi quá nhanh và dễ dàng vào ngày mai. Qua đó, chúng ta nhận ra giá trị thực sự của câu chuyện về chàng Actaeon.

Bài học cần rút ra không phải là thế giới này quá đỗi tàn nhẫn mà là chúng ta cần học cách trân trọng những tặng phẩm mà chúng ta có được trong đời, bởi sự nhọc nhằn, gian khổ mà chúng ta đã bỏ ra để có được và giữ lấy nó. Chính những khoảng trống và sự mất mát đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống này.

Chỉ người đã từng trải qua cơn đói mới thực sự biết cảm giác no là gì. Đứa trẻ sinh ra trong một gia đình giàu có sẽ không bao giờ cảm thấy biết ơn sự sung túc mà chúng được hưởng.

Tai ương là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không nên vì chúng mà thất vọng trước cuộc đời, chúng ta nên ngợi ca giá trị của cuộc sống nhiều hơn nữa. Nếu không, chẳng khác nào chúng ta đã để các vị thần và Định mệnh chiến thắng, để họ biến chúng ta thành một con thú đang hoảng loạn trước bầy chó săn trong khu rừng.

Nguồn: Anh Thư - Tia Sáng

--------------------
* Alastair Blanshard là giáo sư Paul Eliadis trường Lịch sử cổ đại, trường đại học Queensland, Úc

Cái chết của Actaeon là một trong những tác phẩm cuối cùng của Titian (Tiziano Vecelli), danh họa người Ý thời kỳ Phục Hưng. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải, từ khoảng năm 1559 cho đến khi ông qua đời vào năm 1576 và được xem là phần tiếp nối của bức Diana và Actaeon mà ông đã sáng tác trước đó. Không chỉ Titian, rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã tạo ra các tác phẩm dựa trên tích này. Họ thường tập trung vào hai cảnh chính: Actaeon bất ngờ xuất hiện nơi Diana đang tắm hoặc cảnh chàng đang cận kề với cái chết. Trong nghệ thuật cổ điển, Actaeon thường được khắc họa trong hình dạng hoàn toàn là con người, ngay cả khi bầy chó săn đang lao vào cắn xé chàng (đôi khi họ thêm một cặp sừng nhỏ trên đầu Actaeon). Nhưng trong nghệ thuật Phục Hưng, đầu chàng đã biến thành đầu hươu và mọc gạc trên đó –trong cảnh bắt gặp Diana đang tắm, còn lúc bị bầy chó săn vây bắt – chàng thường biến đổi hoàn toàn thành hình dạng một con hươu. Ngoài hai bức tranh của Titian, có thể kể đến các bức tranh dựa trên câu chuyện này của những họa sĩ khác như bức Diana trong hồ tắm (1559 – 1559) của François Clouet, bức Diana và Actaeon (1580 – 1590) của Jacopo Bassano, bức Diana và Actaeon (1625 – 1630) của Francesco Albani, bức Diana và Actaeon (1688) của Luca Giordano, bức Diana và Actaeon (1785) của Thomas Gainsborough, bức Diana và Actaeon (Diana đầy sửng sốt trong hồ tắm) (1836) của Camille Corot, bức Cái chết của Actaeon (1988) của Vasiliy Ryabchenko,…

 

Các bài mới
Các bài đã đăng