Văn nghệ thế giới
Phẩm giá và tình người trong nghịch cảnh
09:47 | 02/11/2020

Là tác phẩm đầu tay của Heather Morris, “Thợ xăm ở Auschwitz” đã được dịch sang 17 thứ tiếng, bán bản quyền đến 43 quốc gia. Ở Mỹ, cuốn sách đứng đầu danh sách bestseller của New York Times. Và tháng 10.2019, trên 3 triệu bản đã đến tay độc giả trên toàn thế giới.

Phẩm giá và tình người trong nghịch cảnh

Những người yêu nhau và bạn bè chí cốt gọi nhau bằng tên riêng. Đức quốc xã gọi họ bằng con số. Tên riêng gắn liền với sự sống, là cửa dẫn vào sự sống. Con số gắn liền với cái chết, là cửa dẫn vào sự chết. "Thợ xăm ở Auschwitz" là tiểu thuyết của tác giả Heather Morris (sinh năm 1953) - nhà báo, nhà văn người New Zealand. Tác phẩm kể về một tù nhân ở trại tập trung Auschwitz, chịu trách nhiệm xăm mã số tù lên cánh tay các tù nhân khác. Anh đã yêu một cô gái mà anh xăm số lên cánh tay.

Tiểu thuyết dựa trên lời kể của một người sống sót thoát khỏi trại tập trung Auschwitz - Lale Sokolov, một người Do Thái ở Slovakia, bị ép phải xăm dãy số lên cánh tay của hàng nghìn tù nhân đến trại. Ở trại tập trung, Sokolov đã gặp cô gái tên Gita Furman, và họ yêu nhau. Ở nơi mạng sống treo đầu sợi tóc, những tù nhân như Lale, Gita... vẫn luôn cố gắng giữ vẹn phẩm giá của mình, mong mỏi một ngày kia sẽ thoát khỏi địa ngục để trở về cuộc sống bình thường, sống như một con người.

Trong nghịch cảnh, tình yêu vẫn nảy sinh và trở thành động lực để họ chiến đấu. Lale lần đầu gặp Gita khi bà đứng ở đầu hàng chỗ ông, còn ông phải ấn mũi kim vào cánh tay trái bà rồi bắt đầu xăm bốn con số: 4 - 5 - 6 - 2. Đôi mắt bà đầy sợ hãi. Bà mấp máy môi định nói nhưng ông "suỵt" bà. Rồi khi đã xăm xong, ông giữ cánh tay bà lâu hơn cần thiết, nhìn vào mắt bà và nhoẻn miệng khẽ cười. Bà cũng cười khẽ đáp lại. Thời khắc quyết định đó kéo theo mọi sự.

Độc giả yêu "Thợ xăm ở Auschwitz" bởi nó dựa trên một câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện của hai người bình thường, sống trong một thời đại khác thường, bị tước đoạt không chỉ tự do mà còn cả nhân phẩm, tên họ và nhân dạng. Cuốn sách ra đời hơn 70 năm sau những sự kiện nó thuật lại, nhưng cũng muốn nhắc nhở rằng có rất nhiều câu chuyện sẽ mãi mãi không bao giờ được kể.

Ảnh tư liệu: Lale và Gita ngoài đời


Morris đã phỏng vấn Sokolov suốt mấy năm trước khi ông qua đời năm 2006. Quá trình phỏng vấn không hề dễ dàng, do phải mất khá nhiều thời gian Sokolov mới sẵn sàng dấn sâu vào việc xem xét lại mình, chia sẻ nỗi sợ rằng mình bị xem là đồng lõa của Đức quốc xã. Ban đầu Morris định viết một kịch bản phim, sau bà quyết định biến kịch bản ấy thành một tiểu thuyết.

"Có nhiều tài liệu ghi lại sự thật về giai đoạn lịch sử khủng khiếp này, chi tiết hơn rất nhiều so với những gì được giải thích trong một cuốn tiểu thuyết, và tôi khuyến khích độc giả quan tâm tìm hiểu thêm. Có trường hợp tôi sáng tạo ra một số nhân vật đại diện cho không chỉ một cá nhân và đã giản lược một số sự kiện nào đó" - tác giả Heather Morris cho biết.

Bà đã kể câu chuyện của Lale bằng sự kiềm chế, không bao giờ để ý kiến riêng xâm phạm, hay để cho câu chuyện tình yêu lấn át bối cảnh lớn hơn của dịch chuyển, chấn thương tâm lý và sinh tồn. Vì đó là một câu chuyện có thật, một tường trình về tình yêu vượt qua nghịch cảnh. Như nhân vật Lale đã nói, ông sống cuộc đời mình với phương châm: "Nếu bạn còn thức dậy vào buổi sáng, thì đó là một ngày tốt lành".

"Thợ xăm ở Auschwitz" được NXB Văn học và Nhã Nam phát hành tại Việt Nam.

 
Theo Thái Minh - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng