Văn nghệ thế giới
Ta còn đọc Milan Kundera để làm gì?
09:36 | 14/09/2021

Một trong những từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi người ta bàn về "Sách cười và lãng quên" của Milan Kundera, đó là graphomania – “chứng cuồng viết”, dù từ ấy chỉ xuất hiện ở một chương mục rất ngắn ngủi và có lẽ dù cắt bỏ nó đi cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới cuốn tiểu thuyết này.

Ta còn đọc Milan Kundera để làm gì?
Nhà văn Milan Kundera.

Về sau, khi được hỏi lại về từ ấy, Kundera bảo rằng, nếu tất cả những gì được viết ra chỉ nhằm để trị liệu hay ghi nhớ, và rồi đó được gọi là văn chương, thì thật là nguy hiểm. Có lẽ bởi vậy mà văn chương của Kundera hiếm khi dành cho những ai kiếm tìm một sự xoa dịu và không bao giờ dành cho những ai muốn ôn lại một ghi chép nào đó. Ông phức tạp hóa mọi thứ, dù chỉ là hành động một phụ nữ nhìn vào trong gương hay một tiếng thét trong khi ân ái, tất cả với ông dường như là một vực sâu không đáy của những ý nghĩa, bóng tối và logic rối rắm trong con người. 

Sách cười và lãng quên là một cuốn sách chống chỉ định cho những ai đang run lẩy bẩy khi ngó nghiêng vào cỗ máy vận hành thế giới, bởi đọc nó đi, và bạn sẽ càng chẳng hiểu gì hơn. Sự khó đọc của Sách cười và lãng quên có thể mô tả theo cách này: một người hoàn toàn mù âm nhạc bị ném vào giữa một buổi hòa nhạc cổ điển, âm nhạc lướt qua tai anh ta từ bốn phương tám hướng và anh ta không tài nào tìm ra một quy luật hay mẫu thức ở đó.

Cuốn sách chia làm bảy phần, như nhiều tác phẩm khác của ông, mỗi phần dịch chuyển chóng mặt từ một người đàn ông di cư với ký ức từng đem lòng yêu một người đàn bà xấu xí đến sự biến mất của một nhà lãnh đạo cộng sản, đến một người phụ nữ tìm cách lấy lại những lá thư cũ của chồng cô ở Prague, đến cả một hội thơ tưởng tượng của những thi hào, rồi thì có cả một phụ nữ bị lạc lên hòn đảo nơi lũ trẻ con cai trị,… Ngay trong mỗi phần cũng bị băm vụn ra đến vô kể, những giấc mơ trộn lẫn với những tự truyện, những sự kiện lịch sử, những trích đoạn về nữ quyền và những đoạn phê bình về trích đoạn ấy, những suy tư về tình dục, những đoạn rẽ ngang về một truyện ngắn của Thomas Mann, những phân cảnh mang màu sắc hiện thực huyền ảo, đâu đó cấu trúc của nó giống như một bức tranh trường phái Lập thể. Và nói tóm lại, bảy phần đó, đúng ra có thể được phát triển thành bảy cuốn sách độc lập với nhau, nhưng Kundera đã không làm thế, bởi cái ông muốn kể không phải là một số phận hay một câu chuyện hay một hành trình, cái ông muốn kể là “tính phức tạp trong sự tồn tại của con người giữa một thế giới hiện đại.” Nếu độc giả thấy bối rối, tốt thôi, đó là điều ông muốn ta cảm thấy. Dù nó cũng phải đánh đổi bằng một việc mà những nhà sáng tác ít thích thú nhất – tự biện giải cho mình, tự gợi ý một cách đọc cho cuốn sách của mình, điều Kundera lồng ghép trong phần cuối của tác phẩm, nếu như bạn có đủ kiên nhẫn đọc tới tận đó.

Vào những năm 80, Kundera được đọc khắp nơi. Người ta so sánh những gì Kundera đã làm cho văn chương Đông Âu thời đó mang tầm cỡ của những gì mà Gabriel Garcia Marquez đã làm cho văn chương Mỹ Latin những năm 60, nghĩa là ông đã mang Đông Âu vào tâm điểm trên sân khấu. Người tò mò xem một kẻ lưu vong bị ném ra khỏi quê hương chỉ với hành lí là vài cuốn sách và vài bộ áo quần có thể vén tấm màn nào mà họ chưa biết về Mùa xuân Prague, về chế độ toàn trị, về lịch sử bị tráo đổi và tẩy xóa. Nhất là khi ông ta lại quá hài hước, đen tối, hư vô. Nhưng bây giờ đã là thế kỷ 21. Những điều đó còn có ý nghĩa gì không? Đành rằng ta có thể trả lời rằng cái nhếch mép trước sự khủng bố của lịch sử nơi nó vẫn còn vẹn nguyên, nhưng thế thì thật tàn nhẫn với một người luôn chống đối thứ văn chương chỉ quy giản về chức năng “ghi nhớ”. Ngoài điều đó ra, ta còn đọc lại Sách cười và lãng quên hay đọc lại Kundera để làm gì?
 

Vậy thì ta còn đọc lại Sách cười và lãng quên làm gì, xét đến việc những sự tích chính trị về một chế độ đã sụp đổ từ lâu giờ đây gần như đã được giải thiêng, xét đến việc những đổi mới về mặt hình thức chỉ là một món đổi vị trong văn chương chứ không thể trở thành một truyền thống mới? Với tôi, có lẽ ta còn cần đọc nó, chẳng qua là vì những chủ đề xưa như Trái đất mà nó đàm luận: về tiếng cười, về sự quên lãng, về một thế giới không ký ức, dù là ký ức của một quốc gia hay một con người.


Nếu nói rằng là vì Kundera đã vượt ra khỏi “cơ chế tự động của kỹ thuật viết tiểu thuyết” để không sáng tác ra một thứ mà cỗ máy cũng có thể sáng tạo ra được, thì liệu ta có nên xét đến rằng, mọi sự cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết cũng chỉ là nhất thời, bởi văn chương đã luôn có xu hướng trở lại với lối mòn kinh điển của nó. Có ai thật sự là một học trò tinh thần của Milan Kundera hay không? Có ai thật sự viết theo cách Milan Kundera đã viết? Cũng như Janáček, nhà soạn nhạc vĩ đại mà Kundera mến mộ, không có một học trò nào từng bắt chước hay phát triển trường phái hiện đại khu biệt nơi ông, ta liệu có kể được tên một tác phẩm nào bị ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách của Kundera? Dù ừ thì có rất nhiều những tác phẩm đa thanh xuất hiện, nhưng điều đó chỉ khiến sự đa thanh tự thân nó đã là một công thức hệt như “cơ chế tự động của kỹ thuật viết tiểu thuyết” mà Kundera khinh thị.

Những người đam mê âm nhạc có thể ngập ngừng trả lời rằng, Sách cười và lãng quên mở ra một lối liên thông giữa nhạc cổ điển và tiểu thuyết, bởi nó được viết theo cách Beethoven đã viết những bản biến tấu cuối đời mình. Nhưng thẳng thắn là, sự thể nghiệm ấy có làm giàu thêm chút nào cho di sản về Beethoven hay không, ta đồ rằng là không. Tất cả sau rốt chỉ là một trò chơi cấu trúc mà Kundera tự dựng lên nhưng không mang tính thiết yếu, dù là với văn chương hay âm nhạc.




Dù là một người đồng chí bị kết án phản bội hay những lá thư một thiếu phụ bỏ lại trong ngăn kéo của mẹ mình ở Bohemia, dù là loài chim hét rời bỏ những cánh rừng xưa để tiến vào thành phố hay ngôi nhà mà Franz Kafka từng trải qua thời thơ ấu, khi ở một quãng thời gian đủ dài, ta sẽ thấy tất cả chỉ là một hàng những tù nhân đeo gông đang lần lượt bước lên đoạn đầu đài với chiếc máy chém làm từ quên lãng.

Milan Kundera tất nhiên không phải là người đầu tiên suy tưởng về “những bông hoa sầu muộn của lãng quên” hay “những thành phố không tên với những đường phố không tên”, ông không phải người đầu tiên nói về mất mát của quá khứ, nói cho cùng có nhà văn nào là không nói về những điều như thế. Tất cả chúng ta đều chỉ đang viết nên một bản biến tấu cho cùng một chủ đề, sự khôn kham của kiếp người. Chúng ta đều viết đi viết lại về nó, phần lớn những chân lý ấy được nhắc lại trong một cơn cuồng viết thừa thãi, nhưng như trong một bài phỏng vấn giữa Philip Roth và Milan Kundera, khi được Roth hỏi liệu có nghĩ rằng thế giới sắp tận thế hay không, Kundera đã đáp cái cảm giác thế giới sắp lụi tàn là một cảm giác có từ thời cổ xưa, nhưng không có nghĩa nó không đáng lo lắng, ngược lại mới đúng, vì nỗi sợ ấy đã luôn có trong tâm trí con người qua hàng thế kỷ, nhất định nó phải mang một hàm nghĩa gì đó.

Sự khôn kham của kiếp người, sự khôn kham của ký ức có thể đã có niên đại hàng ngàn tuổi, và chuỗi những tù nhân đeo gông đã luôn dài dằng dặc từ rất lâu về trước, nhưng vì thế mà chúng mang ý nghĩa.

Theo Hiền Trang - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng