Văn nghệ thế giới
Một vì sao rơi - "Thổ dân da đỏ" Claude Levi-Strauss
09:52 | 06/11/2009
Ngày 3/11, các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới đưa tin nhà nhân chủng học lớn người Pháp Claude Levi-Strauss từ trần. Tuy nhiên, cây đại thụ từng giữ vai trò quan trọng trong nền văn hóa Pháp và thế giới hơn nửa thế kỷ qua đã rời bỏ chúng ta từ ngày 30/10, hưởng thọ 100 tuổi.
Một vì sao rơi -
Claude Levi-Strauss những năm cuối đời

Tri thức rộng lớn

Với một tư duy và văn tài vượt trội, Claude Levi-Strauss đã phát quang và cải cách đường lối suy tưởng đương đại, hệt như Karl Marx (1818-1883, với học thuyết kinh tế) hay Sigmund Freud (1856-1939, với học thuyết phân tâm) trước kia - những thiên tài trong lĩnh vực của mình.

Thật vậy, Claude Levi-Strauss xây dựng tư duy riêng biệt trên một vùng tri thức rộng lớn và đa dạng: triết học, lý luận học, dân tộc học, nhân chủng học, văn học, hội họa. Các địa hạt và phong cách riêng quy tụ cùng nhau làm nền cho suy tưởng của ông, lần lượt theo thời gian nghiên cứu và năm tháng tác phẩm ra đời. Nhưng tất cả đều hợp nhất và tương ứng với nhau trong cấu trúc chủ đạo.

Từ lúc chào đời ngày 18/11/1908 cho tới ngày nhắm mắt sau khi 2.064 trang tác phẩm tuyển chọn được in trong Tùng thư La Pléiade (Tao đàn) của NXB Gallimard năm 2008 đánh dấu sinh nhật lần thứ 100, Claude Levi- Strauss thật sự đã trải nghiệm một hành trình không mấy thông thường. Khởi hành từ xưởng vẽ của người cha họa sĩ, ông bước qua nhiều chặng đường đáng kể, với những dấu mốc cắm sâu trong quá trình suy luận của mình. Trở thành thạc sĩ triết năm 1931, sau hai năm gõ đầu trẻ ở Pháp, ông được đề cử vào Ủy ban Đại học Brazil, giảng dạy xã hội học tại Trường Đại học Quốc gia Sao Paulo từ 1935 tới 1939. Cũng trong thời gian này, ông tổ chức và điều hành nhiều công trình đi vào vùng sâu vùng xa khảo sát các bộ lạc thiểu số da đỏ ở miền cao nguyên Mato Grosso (phía Tây Brazil) và châu thổ sông Amazone (Bắc Brazil).

Claude Levi-Strauss trở về Paris khi Thế chiến II bùng nổ, Pháp bị Đức chiếm đóng. Là người Do Thái, ông buộc phải trốn sang New York , Mỹ. Năm 1944, ông lại quay về nước và tham gia lực lượng Kháng chiến chống phát xít. Chiến tranh chấm dứt, Claude Levi-Strauss sang Mỹ làm tham tán Văn hóa ở Đại sứ quán Pháp. Ông từ chức năm 1948 để hoàn tất luận án tiến sĩ văn chương. Năm 1949, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Musée de l’Homme (Bảo tàng Nhân chủng học), rồi sau đó giữ chức trưởng khoa ở École pratique des Hautes études (Trường Cao đẳng Thực nghiệm). Từ năm 1959, ông dạy môn nhân chủng học ở Collège de France (Trường Quốc gia, nơi giảng dạy các môn chưa được ghi vào chương trình đại học, dành cho giới nghiên cứu). Năm 1973, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp. Trong thời gian này, ông không ngừng suy ngẫm về hội họa và văn chương. Claude Levi-Strauss đã được hơn hai mươi trường đại học danh tiếng trên thế giới phong bằng Tiến sĩ danh dự.

Claude Levi-Strauss hồi trẻ


Cấu trúc chủ đạo

Các cuốn Structures Élémentaires De La Parenté (Cấu trúc cơ bản trong dòng họ - 1949), Tristes Tropiques (Buồn thay miền nhiệt đới - 1955) và La Pensée Sauvage (Tư duy man rợ - 1962) là những tác phẩm biểu đạt trọn vẹn nhất suy tưởng của Claude Levi-Strauss trong một sự nghiệp gồm hai mươi đầu sách. Ông chẳng ngại dấn bước trên con đường hoang dã dày đặc chông gai, với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lội suối băng rừng đi sâu vào tận các ngôi làng hẻo lánh của người thổ dân da đỏ. Ông thám hiểm, khám phá, phát hiện, khảo sát các bộ lạc còn tồn tại cho tới ngày nay sau hơn năm thế kỷ bị thôn tính, sát hại.

Qua công trình khảo sát các bộ lạc này, Claude Levi-Strauss dần dần xa lánh cung cách nghiên cứu cố hữu của ngành dân tộc học thời bấy giờ - vốn có thái độ kẻ cả, thực dân, miệt thị và khinh rẻ tộc người thiểu số, coi họ là phường man di mọi rợ. Là bởi, khi tìm hiểu đời sống xã hội của họ và các thần thoại mà họ truyền tụng, ông phát hiện một sự kiện mấu chốt: Các bộ lạc không có chữ viết ấy đều là những tổ chức phức tạp và hợp lý về mặt dàn dựng trí thức, văn hóa, chẳng thua kém các xã hội tự coi là văn minh. Ông nhận ra chân lý đó khi phân tích cấu trúc cơ bản trong dòng họ thổ dân, như nhan đề tác phẩm Structures Élémentaires De La Parenté, và các thần thoại mà những bộ lạc này truyền tụng.

Theo Claude Levi-Strauss, nền văn minh của người da đỏ
không thua kém các nền văn minh khác


Bất luận tập thể nào, văn hóa nào của con người đều có những điều kiêng cữ sơ khởi. Một trong các cấm ky ấy là l’inceste, tức loạn luân nội thích, quan hệ tình dục giữa những người họ hàng gần kề như cha mẹ với con cái, anh chị em ruột với nhau. Hệ thống trong dòng họ các bộ lạc cũng cấu trúc giống hệt như vậy: cấm ky tình dục cùng huyết thống. Rồi từ chỗ tiếp cận cấu trúc trong dòng họ của nền văn hóa hoang dã đó, Claude Levi-Strauss bước qua địa hạt thần thoại được truyền tụng trong bộ lạc, góp nhặt biết bao tư liệu trực tiếp từ các truyền thuyết này. Ở đây cũng vậy, Claude Levi-Strauss vạch ra các cấu trúc cơ bản mà ông gọi là mythèmes, tức huyền tố, những yếu tố chủ đạo giải thích ý nghĩa các thần thoại phổ biến trong bộ lạc. Chẳng hạn như khi ông phát hiện trong truyền thuyết ý nghĩa của thao tác nấu chín, một sự kiện văn hóa tột bậc. Bởi thao tác biến đồ ăn sống (le cru) thành đồ ăn chín (le cuit) để nó khỏi hư hỏng là một sự thể văn hóa, hệt như ở mọi xã hội khác - sống và chín.

Cống hiến

Nói tới khoa nhân chủng hiện đại tức là nhắc tới nhân chủng học cấu trúc và người đã ứng nghiệm phương pháp cấu trúc trong ngành dân tộc học: Claude Levi-Strauss. Ông đã phát hiện trong những thủ tục lấy vợ lấy chồng xem chừng tùy tiện của các thổ dân da đỏ tính chất hợp lý luôn được cấu trúc một cách chặt chẽ và trong mớ tư duy gọi là “man rợ” một đường lối suy luận phức tạp, vừa mạch lạc vừa sáng tạo. Ông đã chứng minh rằng các tộc người thiểu số đâu phải là hiện thân giai đoạn sơ khai trong tiến trình phát triển của con người. Theo ông, trên quả địa cầu tuyệt nhiên không có một nền văn hóa nào trội hơn và nhờ ở tính chất đa văn hóa mà nhân loại mới phát triển thật sự phong phú.

Vượt qua khía cạnh dân tộc học và nhân chủng học, cống hiến của Claude Levi-Strauss nằm chính ở chỗ đó: buộc các xã hội “văn minh” quá ư hống hách cho tới nay phải dẹp bớt thái độ ngạo nghễ của mình mà suy luận, nhìn đời một cách khiêm nhường.

                                                                                                         Theo TT&VH


Các bài mới
Các bài đã đăng