Văn nghệ thế giới
Văn học Trung Quốc nỗ lực vươn ra thế giới
15:58 | 11/01/2010
Khi NXB Penguin chi 100.000 USD mua tác quyền tiếng Anh trên toàn thế giới đối với cuốn "Tôtem sói" của Khương Nhung, nó trở thành con số kỷ lục trong lịch sử giao dịch tác quyền giữa sách Trung Quốc với nước ngoài.
Văn học Trung Quốc nỗ lực vươn ra thế giới
Một cuộc trao đổi về văn học Trung Quốc tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2009. Ảnh: DW.

Câu chuyện về một sinh viên Bắc Kinh phải đi chăn cừu ở cao nguyên Nội Mông trong Đại cách mạng văn hóa tiếp tục giành giải Man Asian 2007. Cuốn sách tiêu thụ được 2 triệu bản chính thức và hàng triệu bản lậu khác trên thị trường Trung Quốc - trở thành tác phẩm bán chạy thứ hai trong lịch sử, chỉ sau Sách đỏ của Mao Trạch Đông. Ở nước ngoài, lượng tiêu thụ của Tôtem sói cũng đạt đến 6 con số. Nhưng so với những best-seller quốc tế khác như The Kite Runner (Người đua diều) với hơn 10 triệu bản được bán ra thì thành công của Totem sói vẫn được coi là khiêm tốn.

Theo Newsweek, trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng được thế giới quan tâm, về cả nghệ thuật đương đại lẫn các bộ phim hoành tráng với những võ sư biết bay. Nhưng riêng với văn học, đất nước này vẫn phải rất nỗ lực để xác lập vị trí của mình trên thế giới. Năm 2008, 275 nghìn đầu sách được xuất bản ở Trung Quốc với tổng số lượng gần 7 tỷ bản in, mang lại doanh thu khoảng 7,5 tỷ euro (gần 200 nghìn tỷ đồng). Nhưng chỉ hơn chục đầu sách trong số đó có khả năng xuất bản được ra nước ngoài.

Tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt gần đây - nơi Trung Quốc được mời làm khách danh dự - đất nước này đã tận dụng tốt cơ hội để quảng bá tác phẩm của mình ra thế giới. Hơn 60 nhà xuất bản Trung Quốc đăng ký đặt gian hàng triển lãm. Bắc Kinh đã cho dịch 100 đầu sách ra tiếng Anh và tiếng Đức để giới thiệu tại sự kiện này. Tại đây, họ đã bán tác quyền của khoảng 1.300 đầu sách cho các nhà xuất bản nước ngoài, từ sách lịch sử cho đến các tác phẩm văn học đương đại. "Người ta hy vọng sẽ tìm thấy một The Kite Runner của Trung Quốc - một tiểu thuyết đặc biệt thành công về mặt thương mại đến từ một nền văn học còn vô danh với thế giới. Tôtem sói cũng đã được dịch ra 24 thứ tiếng và đem lại cho chúng tôi nguồn lợi nhuận lớn. Nhiều tác phẩm của Trung Quốc là văn học thực sự chứ không đơn thuần chỉ là các tác phẩm thương mại", Jo Lusby, giám đốc chi nhánh Penguin ở Trung Quốc, cho biết.

Trong nửa đầu thế kỷ 20, nền văn học Trung Quốc phát triển một cách biệt lập, với lối viết cũ, nặng tính truyền thống. Các nhà văn thường trung thành với đường lối, chính sách và ít có những thử nghiệm táo bạo trong cách viết. Đổi mới văn học chỉ thực sự diễn ra sau Cách mạng văn hóa với sự xuất hiện ồ ạt của tiểu thuyết phương Tây trên thị trường sách Trung Quốc. Trong 10 năm qua, nhiều cuốn tiểu thuyết Trung Quốc phản ánh những góc tối của xã hội hay những đề tài trước đây cấm kỵ như tình dục, ma túy trong Búp bê Thượng Hải (Vệ Tuệ) hay Kẹo (Miên Miên) đã được thế giới đón nhận. Nhưng văn học đương đại Trung Quốc nhìn chung vẫn rất mờ nhạt đối với thế giới.

Một trong số những nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn độc giả phương Tây, đặc biệt là những người nói tiếng Anh, rất ngại mua sách dịch, đặc biệt lại là của những tác giả không nổi tiếng. "Điều này khiến cho việc quảng bá sách, mời gọi phỏng vấn và lọt vào danh sách mời của các hội chợ sách trở nên rất khó khăn", Marysia Juszczakiewicz, Giám đốc Peony Literary - nơi giới thiệu bản dịch tiếng Anh cuốn Boat to Redemption của Tô Đồng (đoạt giải Man Asian 2009) tháng 2/2010 - nhận xét.

Bản dịch tiếng Anh cuốn sách của Tô Đồng.


Penguin gần đây công bố kế hoạch xuất bản khoảng 5 - 8 đầu sách Trung Quốc mỗi năm, bắt đầu từ The Civil Servant's Notebook của Wang Xiaofang - một trong những tiểu thuyết gia Trung Quốc nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết chính trị. Lấy bối cảnh nội bộ chính quyền một tỉnh lẻ, Wang tái hiện nạn tham nhũng và những thủ đoạn bẩn thỉu trong cuộc chạy đua tới chiếc ghế chủ tịch thành phố. Wang đương nhiên hiểu rất rõ về đề tài ông đang viết. Vì ông là thư ký riêng của Ma Xiaodong, phó chủ tịch thành phố Trầm Dương - người bị kết tội tham nhũng vào năm 2001.

Thay vì tìm kiếm độc giả phương Tây, Penguin lại đưa ra chiến lược mới: hướng tới thị trường châu Á - Thái Bình Dương với hy vọng sự khác biệt văn hóa giữa tác phẩm và độc giả là không quá lớn. "Chúng tôi tìm những cuốn sách có thể tiêu thụ tốt ở châu Á - thị trường mà các nhà làm sách Mỹ hoặc châu Ân chưa ngó ngàng tới", Lusby nói.

Penguin không phải là nhà xuất bản nước ngoài duy nhất để mắt đến văn học Trung Quốc. NXB Pháp Hachette Livre mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác với NXB Phoenix trong việc giới thiệu văn học Trung Quốc ở Pháp (và ngược lại). Mùa hè tới, NXB Anh Constable & Robinson cũng lên kế hoạch ấn hành Death of Ding Village của nhà văn Trung Quốc Yan Lianke (Diêm Liên Khoa). Với đà này, 2010 rất có thể sẽ là năm xuất khẩu ồ ạt ra thế giới của các tác phẩm văn học Trung Quốc.

                                                                                                             Theo eVan






Các bài mới
Các bài đã đăng