Văn nghệ thế giới
Bậc thầy của điện ảnh Pháp Eric Rohmer qua đời
09:27 | 22/01/2010
Người ta nói rằng thật khó có thể cắt ngang câu chuyện khi người Pháp đang bàn về tình yêu. Và điều đó càng không thể nếu đó là những người Pháp trong các bộ phim của đạo diễn Eric Rohmer.
Bậc thầy của điện ảnh Pháp Eric Rohmer qua đời
Đạo diễn Eric Rohmer.

Là người nổi tiếng muộn nhất và có lẽ cuối cùng trong “Làn sóng mới” (tên gọi dành cho một nhóm những nhà làm phim Pháp vào cuối thập niên 50-60 của thế kỷ trước, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tân hiện thực Italia và phong cách làm phim cổ điển của Hollywood), Rohmer được ca tụng như một bậc thầy của nền điện ảnh Pháp.

Eric Rohmer không còn trẻ khi bắt đầu bước chân qua cánh cửa dẫn đến danh vọng. “My Night at Maud”, bộ phim nổi tiếng nhất của ông được đề cử Oscar cho Kịch bản nguyên gốc xuất sắc nhất và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, khi Rohmer đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông gắn bó với điện ảnh từ khi còn rất trẻ.

Sinh tại Nancy, đông bắc nước Pháp, Rohmer bắt đầu sự nghiệp tại Paris, với công việc của một giáo viên dạy văn và một nhà báo.

Sau năm 1950, ông cùng một số người bạn như Jacques Rivette, Jean-Luc Godard, Fran†ois Truffaut và Claude Chabrol (lúc đấy đều là những đạo diễn phim còn rất trẻ về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề) viết cho “Cahiers du Cinema”, tạp chí phim có uy tín nhất tại Pháp lúc bấy giờ.

Không chỉ dừng lại ở viết lách, những tư tưởng đó dần dần được chuyển tải lên màn ảnh rộng, thông qua các bộ phim của các thành viên trong nhóm như Godard với “Breathless” hay Truffaut với “The 400 Blows”.

Trong liên tục hơn hai thập kỷ, ảnh hưởng của nhóm “Làn sóng mới” lan rộng, không chỉ trong điện ảnh mà còn trên cả một số lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, trong khi những đồng nghiệp cùng thời bắt đầu trở thành những cái tên quen thuộc tại các kinh đô điện ảnh thế giới như London, New York hay Tokyo, thì Rohmer vẫn lặng lẽ với công việc của mình tại toà báo và một số bộ phim ngắn hầu như không được biết đến. “My Night at Maud” thật sự đã thay đổi thực tế đó.

Không có nhiều tình tiết, là một chuỗi dài những cuộc đối thoại giữa hai nhân vật chính, nhưng đó là bộ phim đầu tiên được chiếu với phụ đề tại Liên hoan phim Cannes năm 1969. Khán giả bị mê hoặc trong câu chuyện của người đàn ông (Jean-Louis), đã ràng buộc với một người đàn bà, (Francoise) nhưng lại sẵn sàng qua đêm với một người đàn bà khác, (Maud), và chỉ để... nói chuyện.

Nhà phê bình Andrew Sarris viết rằng không có gì mang tính điện ảnh hơn khoảnh khắc người đàn ông tâm sự với người đàn bà vào lúc 3 giờ sáng, trong góc tối của không gian và tâm hồn hai người.

“My Night at Maud” là một sự khởi đầu muộn nhưng báo hiệu cho mùa bội thu trong sự nghiệp của Rohmer. Một loạt những bộ phim tiếp theo của ông như “Claire’s Knee” và “Chloe in the Afternoon” trong thập niên 70; “Pauline at the Beach” và “Boyfriends and Girlfriends” trong thập niên 80; loạt phim lấy cảm hứng từ bốn mùa, “A Tale of Springtime”, “A Tale of Winter”, “A Summer Tale”, “An Autumn Tale” trong thập niên 90; và ba bộ phim trong những năm gần đây, đều nhận được sự đánh giá cao từ khán giả và giới chuyên môn.

Rohmer từng thử sức ở nhiều chủ đề khác nhau, nhưng những bộ phim của ông được say mê nhất thường không quá kịch tính, ngược lại khá nhẹ nhàng, bay bướm và đặc biệt người phụ nữ đóng vai trò trung tâm.

Cùng với George Cukor, Ingmar Bergman và Yasujiro Ozu, Eric Rohmer là một trong số hiếm hoi các đạo diễn rất thành công trong những đề tài khác giới.

Hầu hết người yêu điện ảnh đều đồng tình rằng, bởi vì các bộ phim của Rohmer thường rất lãng mạn, nên dường như chỉ những người đang yêu mới có thể tìm thấy sự đồng cảm mãnh liệt nhất. Thưởng thức một bộ phim của Rohmer giống như bạn đang quan sát một hoạ sĩ chậm rãi quét chiếc bút lông của mình trên nền tranh được tạo bởi những tính cách nhân vật riêng biệt.

Ông không phải là tác giả của những tác phẩm vĩ đại, đòi hỏi những tấm khung tranh lớn. Ngược lại, Rohmer là người khắc họa chân dung cần mẫn. Tỉ mỉ đến từng chi tiết, chẳng màng đến không gian, thời gian xung quanh; tất cả những gì người đạo diễn tài hoa cần chỉ là tình yêu lãng mạn vẫn chảy huyết thống của người Pháp và niềm đam mê, bầu nhiệt huyết của một người nghệ sĩ chân chính.

                                                                                                               Theo LĐCT









Các bài mới
Các bài đã đăng