J-pop là viết tắt của “Japanese pop” (nhạc pop của Nhật Bản) và là thể loại nhạc rất phổ biến trong giới trẻ ở Nhật Bản. Từ “J-pop” bắt đầu được biết đến trên khắp thế giới kể từ khi âm nhạc Nhật phát triển đủ mạnh để ảnh hưởng tới văn hóa nhạc pop và tới giới trẻ ở đất nước Mặt trời mọc này. Âm nhạc Nhật hiện là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới và ảnh hưởng tới nền âm nhạc ở nhiều nước khác. Cùng với sự phát triển của ngành âm nhạc Nhật Bản, J-pop cũng từng bước trở nên quen thuộc ở một số nước châu Á, châu Âu và Mỹ, mà một phần cũng nhờ sự bùng nổ của mạng internet. Thực tế, một số nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc J-pop như Glay, Softball, Zoobombs, Suns owl... vẫn thường xuyên có các chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc và Australia.
J-pop có lịch sử hình thành lâu dài. Cơ sở của J-pop được xây dựng từ dòng nhạc dân gian và nhạc truyền thống của Nhật Bản, mà nền âm nhạc Nhật lại chủ yếu được phát triển nhờ công của các nghệ sĩ trong nước và những người có ảnh hưởng của nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ và Anh. Điều này tạo nên sự đa dạng hiếm thấy của nền âm nhạc Nhật Bản và thật thú vị khi chúng ta có thể tìm thấy mọi thể loại nhạc mà chúng ta biết tới nếu xem bảng xếp hạng âm nhạc hàng tuần như Orikon.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nhạc J-pop đôi khi rất dễ nhầm lẫn với những bài hát đặc trưng của Mỹ, song J-pop không thể giống với loại nhạc đã truyền cảm hứng cho nó. Kể từ khi mở cửa với các nước phương Tây trong thế kỷ 19, nhiều nền văn hóa khác nhau du nhập vào Nhật Bản, được điều chỉnh và rồi nghiễm nhiên được bổ sung vào nền văn hóa nước này. Cho tới nay, người Nhật Bản vẫn làm vậy, nhập khẩu những dòng âm nhạc mới từ nước ngoài và rồi biến đổi chúng thành một phần của J-pop. Một khi dòng nhạc mới này được nhập vào nền âm nhạc Nhật Bản thì nó không còn là nhạc nhập khẩu nữa mà được chuyển đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Chúng được sáng tác ở Nhật, do người Nhật làm ra và cho người Nhật nghe.
Ngược dòng J-pop phải kể đến nhạc jazz. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai lính Mỹ, khi đó đang chiếm đóng Nhật Bản, đã đem tới một số thể loại nhạc mới. Để biểu diễn cho lính Mỹ, rất nhiều nhạc sĩ Nhật đã bắt đầu quen với các loại nhạc như Boogie-woogie, Mambo, Blues và Country. Nhiều bài hát đã trở nên nổi tiếng như Tokyo Boogie-Woogie của Shizuko Kasagi (1948), Tenenssee Waltz của Eri Chiemi (1951), Omatsuri Mambo của Misora Hibari, Omoide no Waltz của Izumi Yukimura. Nhiều nhạc sĩ và ban nhạc nước ngoài như JATP hay Louis Armstrong cũng thường xuyên tới Nhật Bản biểu diễn.
Từ năm 1956-1960 là thời kỳ bùng nổ của thể loại nhạc rock and roll nhờ một số ban nhạc nổi tiếng trong nước như Kosaka Kazuya và The Wagon Masters. Tuy nhiên, sự suy tàn của rock and roll ở Mỹ đã nhanh chóng lan đến đất nước phương Đông này do nhiều ban nhạc chịu ảnh hưởng sâu sắc của âm nhạc Mỹ. Một số ban nhạc sau đó tìm cách kết hợp giữa nhạc pop truyền thống của Nhật Bản với rock and roll hoặc thay vì sáng tác lại dịch lời những bài hát phổ biến của Mỹ. Đến đầu những năm 70, Nhật Bản xuất hiện dòng Nhạc mới với xu hướng chuyển từ những bài hát đơn giản chơi bằng một đàn guitar sang thể loại phức hợp, đa âm, và những bài hát nói về tình yêu, cá nhân con người, chứ không phải là thông điệp của xã hội như trước đó.
Trong những năm 80 đã xuất hiện cụm từ City Pop để mô tả một loại nhạc phổ biến lấy chủ đề về thành phố lớn, trong đó, Tokyo là nguồn cảm hứng đặc biệt của rất nhiều bài hát thuộc dạng này. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt
giữa
City
Pop với Nhạc mới và nhiều bài hát đã được xếp lẫn lộn. Wasei Pop (Japanmade pop) nhanh chóng trở thành một từ phổ biến để chỉ hai loại nhạc này. Từ những năm 90, J-pop đã trở thành cụm từ quen thuộc ở Nhật Bản để chỉ những bài hát phổ thông nhất.
Theo TT&VH
|