Văn nghệ thế giới
Tây Ban Nha: Câu chuyện “giải cứu” báu vật nghệ thuật
14:56 | 28/01/2010
Trong cuộc nội chiến năm 1936 - 1939 ở Tây Ban Nha, hơn 700 kiệt tác nghệ thuật của quốc gia này đã được sơ tán ra nước ngoài để tránh bị súng đạn hủy hoại. Ngày 25/1 qua, các bảo tàng nước ngoài tham gia chiến dịch bảo vệ những báu vật nói trên đã được chính phủ Tây Ban Nha tôn vinh.
Tây Ban Nha: Câu chuyện “giải cứu” báu vật nghệ thuật
Bảo tàng Prado

Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero đã trao Huân chương Nghệ thuật và Văn học cho những bảo tàng tham gia bảo vệ các kiệt tác nghệ thuật của xứ sở đấu bò trong thời kỳ nội chiến (1936 - 1939). Đây là phần thưởng cao quý do chính Nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos ký duyệt.

Theo RIA Novosti, buổi lễ trọng thể đã diễn ra tại bảo tàng Prado ở thủ đô Madrid với sự tham gia của Bộ trưởng Văn hóa Tây Ban Nha Angeles Gonzalez-Sinde, Phó Tổng giám đốc phụ trách Văn hóa UNESCO Francoise Riviere và đại diện các bảo tàng được tặng huân chương. Trong danh sách được tôn vinh có Bảo tàng tranh Quốc gia London (Anh), Tập hợp các bảo tàng Quốc gia Pháp, Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Geneva (Thụy Sĩ), bảo tàng Rijks (Hà Lan), Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ, bảo tàng Tate, Wallace Collection (Anh), Louvre (Pháp) và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ).

Năm 1938, các bảo tàng nói trên đã thành lập Ủy ban Quốc tế Bảo vệ các báu vật nghệ thuật Tây Ban Nha theo đề xuất của họa sĩ vùng Catalonia Josep Maria Sert.

Vào đêm 15, rạng ngày 16/1/1936, một quả bom đã rơi trúng gian giữa của bảo tàng Prado trong cuộc tấn công của máy bay Đức. Mọi người hiểu rằng phải nhanh chóng sơ tán các bức tranh và tượng quý ra khỏi đây. Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha Mauel Azana vào thời điểm đó đã có câu nói nổi tiếng: “Bảo tàng Prado quan trọng đối với Tây Ban Nha hơn cả nền quân chủ và nền cộng hòa cộng lại”.


Chính phủ Cộng hòa đã đưa các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ra khỏi Madrid để tránh bom, đầu tiên đến và sau đó là Barcelona . Do chính phủ Cộng hòa mất dần lãnh thổ trước cuộc tấn công của phe quân chủ nên vấn đề đưa báu vật Tây Ban Nha ra nước ngoài trở nên cấp bách.

Ngày 3/2/1939, Ủy ban Quốc tế Bảo vệ các báu vật nghệ thuật Tây Ban Nha đã ký với chính phủ Cộng hòa thỏa ước sơ tán các hiện vật quý của bảo tàng Prado ra nước ngoài. Hơn 700 tác phẩm nghệ thuật đã được đóng gói cẩn thận và chất lên 71 chiếc xe tải để vượt biên giới sang Pháp (trong những ngày này, tại đại lộ Paseo Del Prado ở thủ đô Madrid , người ta dựng lại hình mẫu những chiếc xe tải đã chuyên chở các báu vật nghệ thuật nói trên). Từ Pháp, các kiện hàng được chở bằng tàu hỏa sang Geneva , Thụy Sĩ. Hội quốc liên, tổ chức tiền thân của Liên hiệp quốc, chịu trách nhiệm bảo quản các tác phẩm này.

Một số tác phẩm nghệ thuật của Tây Ban Nha được dỡ ra để trưng bày tại Geneva và trong 3 tháng đã có hơn 400.000 người đến xem. Ngày 7/9/1939, các tác phẩm này được trả về Tây Ban Nha theo yêu sách của tướng Franco vừa giành thắng lợi trong cuộc nội chiến...

Tại buổi lễ trao huân chương vừa qua, Thủ tướng Zapatero phát biểu: “Chúng ta không biết là điều gì có thể xảy ra nếu các kiệt tác này không được sơ tán. Nhưng kết quả của hành động đáng ca ngợi đó đang ở ngay trước mắt chúng ta”. Ông cho rằng việc “giải cứu” các tác phẩm nghệ thuật quý giá của Tây Ban Nha trong những năm nội chiến là mẫu mực về việc các dân tộc và quốc gia trên thế giới phải cùng nỗ lực để đạt được sự thống nhất. Nhắc lại câu chuyện sơ tán các tác phẩm nghệ thuật, Thủ tướng Zapatero nhấn mạnh: “Các nền văn hóa của chúng ta đoàn kết hơn nhiều so với những đạo luật, đường biên giới và nền kinh tế của chúng ta”.

Câu chuyện về cuộc sơ tán các báu vật nghệ thuật Tây Ban Nha được kể lại tại cuộc triển lãm bắt đầu từ 25/1 và kết thúc vào ngày 21/3 trên đại lộ Paseo Del Prado ở ngay trước bảo tàng Prado.

                                                                                                            Theo TT&VH








Các bài mới
Các bài đã đăng